Lăng kính chứng khoán 20/4: Khả năng kiểm định lại vùng 1.050 - 1.055
Nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro và giảm tỉ trọng cổ phiếu về mức an toàn trong bối cảnh thị trường hiện tại nhằm tối ưu hóa lợi nhuận,tránh mua đuổi giá cổ phiếu.
Lực bán mạnh ở phiên chiều đã khiến thị trường rơi sâu về vùng 1.048 điểm, khối ngoại quay đầu bán ròng cùng thanh khoản lẹt đẹt cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/4, VN-Index giảm đến 6,04 điểm, tương đương 0,57% xuống 1.048,98 điểm. Toàn sàn chỉ có 115 mã tăng, còn lại 217 mã giảm, 51 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,4 điểm, tương đương 1,15% xuống 205,85 điểm. Toàn sàn có 62 mã tăng, 82 mã giảm và 75 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,62 điểm về 78,11 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 25 mã giảm giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 11.042 tỷ đồng, giảm 3% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 13% lên 9.724 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản thị trường đạt 3.465 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán TVSI: Phiên giao dịch 19/4 về mặt điểm số đã phá vỡ mốc đáy tạm thời cân bằng xác lập vào 2 phiên trước đó nhưng chỉ số vẫn duy trì được kênh tăng giá kéo dài từ tháng 11. Với việc giảm điểm với thanh khoản thấp, TVSI cho rằng chỉ số sẽ sớm có nhịp kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.050 – 1.055 điểm trong các phiên tới. Nếu phục hồi thành công, nhịp giảm điều chỉnh có thể coi là kết thúc.
Thị trường muốn phục hồi đà tăng trong ngắn hạn cần một phiên đóng cửa tuần vượt mốc 1.060 – 1.065 điểm trở lại. Xu hướng ngắn hạn của chỉ số đang chưa xác định rõ ràng và cần thêm một vài phiên sắp tới để xác nhận. TVSI cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế mua mới mà nên tập trung xử lý danh mục trước đó trong nhịp hồi phục trở lại.
Chứng khoán PSI: Việc VN-Index chưa vi phạm mốc điểm 1.045 (MA100 ngày) chưa cho thấy sự tiêu cực trong ngắn hạn từ thị trường. Kháng cự ngắn của chỉ số hiện tại ở quanh vùng cân bằng trước đó tại khu vực 1.060 - 1.065 điểm và đây cũng là vùng chuyển giao trạng thái ngắn hạn của chỉ số.
Chứng khoán TPS: Sự sôi động của thị trường vẫn đang hạ nhiệt khi khối lượng giao dịch có lần thứ 3 liên tiếp duy trì dưới mức trung bình 20 phiên chứng tỏ mức giá hiện tại của thị trường chưa đủ để thuyết phục dòng tiền mới tham gia.
Hiện tại, chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm về cận dưới của kênh giá tăng bắt đầu từ tháng 12/2022 (quanh mức 1.040 điểm) sau khi rơi khỏi mức 1.050 điểm. TPS kỳ vọng đà giảm của thị trường sẽ chững lại tại đây và sự vận động của VN-Index trong kênh giá tăng vẫn được duy trì giúp mở ra cơ hội đầu tư mới.
Tin vắn chứng khoán
- Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 bao gồm 73 doanh nghiệp, trong đó có nhiều cái tên đáng chú ý trên sàn chứng khoán như BMP, SEA, LIC, PPC, HND, QTP,…
Trong danh sách này, SCIC đã thoái vốn thành công tại 4 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 29% vốn tại CTCP Quản lý và Xây dựng đường bộ Quảng Ngãi, 53% vốn tại CTCP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp II Quảng Bình, 65% CTCP Sửa chữa đường bộ và Xây dựng Tổng hợp Quảng Bình và 51% CTCP Quản lý đường thủy nội địa số 9.
Dù vẫn có một số doanh nghiệp quen thuộc trên sàn nhưng danh sách bán vốn của SCIC vẫn thiếu vắng những “bom tấn” được cả giới đầu tư trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm như FPT, Vinamilk,...
- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan vừa ban hành Quyết định 827 gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan (doanh nghiệp ưu tiên) đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên .
Thời gian gia hạn đối với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên là 3 năm kể từ ngày 12/2/2023. Năm 2022, kết quả sản xuất, kinh doanh của Samsung cũng rất xuất sắc (xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu Việt Nam), đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, với kỷ lục lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD, đạt 732,5 tỷ USD .