Lăng kính chứng khoán: 2 điều nhà đầu tư cần hạn chế làm thời điểm này

Chia sẻ Facebook
08/10/2022 08:26:11

ABS khuyến nghị nhà đầu tư không vội vàng bắt đáy cũng như bán hoảng loạn, thị trường hoàn toàn có khả năng rơi về 1.030-1.000 điểm.

Diễn biến giảm điểm chưa có hồi kết, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn giảm kịch sàn, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 38,61 điểm xuống 1.035,91 điểm. Toàn sàn chỉ có 52 mã tăng, còn lại 440 mã giảm, trong đó 126 mã giảm kịch biên độ.

HNX-Index giảm 9,04 điểm xuống 226,09 điểm. Toàn sàn có 31 mã tăng, 184 mã giảm và 23 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 2,43 điểm xuống 79,98 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 26 mã giảm, 4 mã giữ được sắc xanh.

Thanh khoản thị trường được cải thiện so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.871 tỷ đồng, tăng gần 70% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 16.976 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSe (Nguồn: Bloomberg, Fiinpro).


Tiếp tục chờ thị trường tạo đáy


Chứng khoán An Bình (ABS): Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/10, t ất cả các nhóm ngành chính đều giảm điểm, đặc biệt như ngành Nguyên vật liệu, Dịch vụ tiêu dùng, Hàng tiêu dùng, Ngân hàng ... Trên VN-Index, màu đỏ và xanh lơ đan xen bao trùm hầu hết thị trường và chỉ số. Xét về kỹ thuật, VN-Index xuất hiện cây nến đỏ giảm điểm mạnh với KLGD được gia tăng. Phiên tăng điểm ngày 5/10 đã bị phủ nhận hoàn toàn, xu hướng tiêu cực tiếp tục được thể hiện.


Như ABS đã khuyến nghị trước đó, nhà đầu tư không vội vàng bắt đáy cũng như bán hoảng loạn. Thị trường vẫn chưa thoát khỏi trend giảm và hoàn toàn có khả năng rơi về 1.030-1.000. Giai đoạn hiện tại nhà đầu tư nên quan sát thị trường, chưa vội giải ngân bắt đáy tại các vùng hỗ trợ. Cần chờ đợi những tín hiệu tạo đáy của thị trường để có điểm tham gia an toàn.


Xuất hiện nhịp cầu bắt đáy tích cực


Chứng khoán Asean (Asean SC): Thị trường hôm nay tiếp tục ghi nhận một phiên giảm điểm khá mạnh, nguyên nhân có thể do một số yếu tố sau: quán tính giảm điểm từ phiên trước; ảnh hưởng tâm lý từ thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm; hoạt động arbitrage hợp đồng tương lai gián tiếp đẩy giá cổ phiếu giảm sâu (bán cả cơ sở và phái sinh); áp lực giải chấp tăng mạnh; các tin đồn vô căn cứ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.


Điểm tích cực là lực cầu bắt đáy hoạt động rất tích cực, đẩy thanh khoản tăng mạnh và cao hơn trung bình 20 phiên. Chứng khoán Asean cho rằng đây có thể là tiền đề để thị trường sớm ổn định trở lại trong phiên tới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, sự giằng co có thể diễn ra giữa lực mua tại vùng hỗ trợ 1.000 – 1.020 điểm và lực bán tại vùng kháng cự 1.040 – 1.060 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.


Chưa có tín hiệu chắc chắc cho nhịp hồi chất lượng


Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Do ngưỡng hỗ trợ quanh 1.075 điểm của VN-Index không thể ngăn chặn đà giảm, thị trường lao dốc và tiếp tục hành trình tìm đáy mới gần khu vực 1.000 điểm. Với đà giảm sâu, thị trường đã xuất hiện dòng tiền mua giá thấp trong phiên chiều, thể hiện qua diễn biến “rút chân” đi kèm với khối lượng khớp lệnh tăng vượt trung bình 20 phiên.


Dù vậy, trạng thái giao dịch ở vùng giá cao vẫn chưa có tín hiệu cải thiện, do đó thị trường vẫn chưa có tín hiệu chắc chắc cho một nhịp hồi phục chất lượng. Hiện tại, vùng hỗ trợ gần nhất và có thể kiềm hãm được đà giảm này là 1.000 +/- 10 điểm của VN-Index. Với dự báo này, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng quan sát diễn biến thị trường, giữ danh mục ở mức an toàn và chờ động thái hỗ trợ tiếp theo của dòng tiền.


VN-Index nằm trong chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp


Chứng khoán MB (MBS): Thị trường tuần này đi ngược xu hướng phục hồi của chứng khoán thế giới khi tiếp tục giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp, đây cũng là tuần giảm mạnh nhất 5 tháng vừa qua. Chỉ số Vn-Index đã giảm gần 31% kể từ đầu năm, nằm trong các thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới.


Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đang ở mức “cùng cực” khi lại tiếp tục một phiên giảm mạnh của thị trường. Nhìn ra chứng khoán thế giới, các thị trường lớn đều phục hồi trong tuần này, do vậy khó có thể nói chứng khoán thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.


Chỉ số Vn-Index đã giảm 6 tuần liên tiếp, chuỗi giảm tương đương hồi tháng 5 vừa qua, chỉ số này đã mất gần 31% kể từ đầu năm và xuyên qua các ngưỡng hỗ trợ, rất gần vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm (trước nhịp giảm hồi Covid). Thanh khoản 2 phiên vừa qua đã tăng lên cho thấy có dòng tiền bắt đáy, tuy nhiên dòng tiền mua ở thời điểm này sẽ đầu tư dài hạn do vậy quá trình giải ngân có thể kéo dài, chưa có tín hiệu của dòng tiền nóng.


Nhà đầu tư có thể chuẩn bị lựa chọn cổ phiếu cho danh mục khi nhiều cổ phiếu đã giảm qua cả đáy covid cũng như có nhiều cổ phiếu đã giảm 50-60% kể từ đầu năm, mức P/E của thị trường hiện giảm còn 11 lần, chỉ sau hồi covid 10,7 lần. .

Chia sẻ Facebook