Lăng kính chứng khoán 14/11: Cổ phiếu có nền tảng tốt sẽ sớm hồi phục
Theo các chuyên gia, giai đoạn này nhà đầu tư cần hơn hết là bình tĩnh trước các tin đồn, tránh hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bởi nội tại thị trường vẫn ở mức tốt.
Nhịp hồi có thể sớm kết thúc
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một tuần giao dịch kém tích cực do nhiều cổ phiếu BĐS liên tục bị bán giải chấp với khối lượng lớn. Chỉ số VN-Index xuyên thủng mức đáy 958 điểm và lùi về mức sâu nhất là 947,2 điểm (mức thấp nhất kể từ đầu năm). Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 11.905 tỷ đồng/phiên, tăng 1,5% so với tuần trước đó.
Nhóm bất động sản chịu áp lức bán giải chấp lớn trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã mất giá trên 50%, thậm chí là 70-80% từ đỉnh.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 9 đồng thời cũng thấp hơn so với mức dự báo được đưa ra trước đó lần lượt là 0,6% và 7,9%.
Tuy nhiên, VN-Index vẫn giảm điểm khá mạnh dù cho có sự phục hồi trong phiên cuối tuần sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI điều chỉnh giảm so với kỳ vọng của giới đầu tư.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục trong phiên giao dịch tiếp theo. Đồng thời, thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật và nhịp hồi phục có thể sẽ nhanh chóng kết thúc do rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền ngắn hạn vẫn suy yếu.
Điều kiện cần để rủi ro ngắn hạn giảm là chỉ số VN-Index cần vượt lên trên mức 1.000 điểm trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy nhà đầu tư vẫn còn rất bi quan với xu hướng hiện tại.
Ngắn hạn, thị trường vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và chờ điểm xác nhận xu hướng tăng. Đồng thời, xu hướng trung hạn cũng duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và hạn chế mua mới giai đoạn này hoặc chưa nên tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Trước những diễn biến khó lường của thị trường, Chứng khoán VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật của thị trường để hạ tỉ trọng cổ phiếu và tăng tỉ trọng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, nhóm phân tích nhận định, hiện các tín hiệu tạo đáy ngắn cũng chưa đủ tin cậy nên nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát thêm diễn biến giao dịch trong những phiên tới và hạn chế việc bắt đáy.
Ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22. Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng.
Hết sức bình tĩnh- kim chỉ nam cho nhà đầu tư
Đánh giá về diễn biến thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VNDirect đưa ra quan điểm, dòng tiền đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản rủi ro trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và chỉ số đồng USD hạ nhiệt. Điều này cũng được thể hiện thông qua động thái mua ròng mạnh của khối ngoại trên TTCK Việt Nam trong tuần giao dịch vừa qua và phần nào đỡ lại lực bán tháo, “margin call” của nhà đầu tư nội.
Nhìn về phía trong nước, tâm lý khối nội vẫn tương đối yếu trong bối cảnh một số doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn thanh khoản ngắn hạn. Do đó, ông Hinh thấy rằng sức ép bán ra từ khối nội vẫn tương đối lớn trong tuần tới, đặc biệt là trước và sau phiên đáo hạn phái sinh ngày thứ 5 (17/11). Do đó, chỉ số VN-Index có thể sẽ thử thách lại vùng hỗ trợ gần nhất là 940-950 điểm và dòng vốn ngoại sẽ là lực đỡ quan trọng cho thị trường trong tuần tới.
Ông Hinh nhấn mạnh nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá ở thời điểm hiện tại. Hiện P/E của VN-Index đã về dưới 10 lần, thấp nhất kể từ năm 2012, phản ánh tâm lý thị trường đang bi quan quá mức. Định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã rơi xuống mức 0,7-0,8 lần P/B.
Trong khi đó, bức tranh kết quả kinh doanh quý III/2022 và dự báo quý IV/2022 của các doanh nghiệp niêm yết lại không quá tệ như những diễn biến trên TTCK gần đây. Có thể thấy, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn tương đối ổn định trong khi đa phần doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tích cực (trừ một số nhóm doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng).
Do vậy, chuyên gia của VNDirect kỳ vọng thị trường sẽ phân hóa lớn và có những dòng cổ phiếu tạo đáy trước. Do đó, nhà đầu tư cần thật sự bình tĩnh để soi xét và đánh giá khách quan về danh mục đầu tư của mình. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định và triển vọng kinh doanh tích cực trong những quý tới thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ chờ thị trường phục hồi.
“Tôi đánh giá thời điểm này rất phù hợp với những nhà đầu tư dài hạn. Với tầm nhìn dài hạn, những nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt có thể mang về mức lợi nhuận rất hấp dẫn trong vòng 1-2 năm tới. Tất nhiên, để đạt được mục tiêu đó thì nhà đầu tư cần chuẩn bị nguồn tiền đầu tư ổn định, không bị rút ra trước hạn cũng như hạn chế tối đa sử dụng tiền vay (margin) để có thể chủ động trước mọi tình huống khó lường và giảm thiểu rủi ro”, ông Hinh đưa ra lời khuyên.
Tương tự, ông Hoàng Vũ An – Trưởng phòng tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán VPS cũng thông tin với Người Đưa Tin, thời điểm hiện tại nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu BĐS cũng như các cổ phiếu khác đều rất bi quan khi mà thời gian gần đây TTCK thế giới hồi phục rất tích cực, còn TTCK Việt Nam vẫn giảm điểm mạnh.
Bởi nguyên nhân chủ yếu ông An cho rằng xuất phát từ tâm lý lo sợ trước những tin đồn và những diễn biến xung quanh thị trường trái phiếu. Vì vậy, giai đoạn này nhà đầu tư cần hơn hết là bình tĩnh trước các tin đồn, đặc biệt là các tin đồn thất thiệt trên thị trường, theo ước tính của nhiều chuyên gia thì phần trái phiếu xấu có rủi ro cao không chiếm tỉ trọng quá lớn và khả năng xảy ra rủi ro hệ thống rất thấp.
Nhà đầu tư không thể vì một mảng trái phiếu đang xấu mà quay lưng với toàn bộ thị trường. Nếu nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh ổn định, không quá ảnh hưởng bởi rủi ro trái phiếu và tài khoản không dùng margin thì vẫn có thể nắm giữ cổ phiếu, chờ đợi những nhịp hồi phục để hạ giá vốn, cơ cấu danh mục, chuyên gia nhấn mạnh.
“Theo lý thuyết cân bằng mà bản thân tôi hay áp dụng thì những cổ phiếu có nền tảng tốt vẫn sẽ có cơ hội hồi phục trở lại, vấn đề chỉ là thời điểm nào” ông An chia sẻ.
Chuyên gia của VPS cũng gợi ý nhà đầu tư về dòng cổ phiếu ngành ngân hàng, bởi xét về dài hạn, cổ phiếu ngành này vẫn là một cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Sau khi công bố BCTC quý III/2022, hầu hết ngân hàng ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều ngân hàng tăng trưởng trên 40% như VIB, SHB, VPBank, ACB, MB…
Tuy nhiên các nhà đầu tư cũng cần lưu ý khi thời điểm hiện tại nhiều cổ phiếu BĐS và các cổ phiếu nhóm ngành khác bị bán giải chấp, nên cổ phiếu ngành ngân hàng cũng vẫn có thể chịu ảnh hưởng ngắn hạn khi mà áp lực “call margin chéo” xảy ra, được hiểu là khi CTCK không thể bán ra những cổ phiếu phiếu mất thanh khoản, buộc họ sẽ phải bán các cổ phiếu khác trong danh mục để thu hồi vốn. Điều này tạo nên hiệu ứng bán lan truyền trên diện rộng và hầu như nhóm cổ phiếu nào cũng sẽ bị ảnh hưởng .