Làng Gò Cỏ của không gian văn hóa Sa Huỳnh: Ngôi làng sống dậy nhờ di sản

Chia sẻ Facebook
18/05/2022 23:54:54

Biến ngôi làng, câu hát dân ca, bờ đá, giếng nước... thành sản phẩm du lịch, người dân vùng "văn hóa Sa Huỳnh" đang sống dựa vào di sản. Với họ, đây là sinh kế ngàn năm, trăm đời.

Người dân làng Gò Cỏ đã biết tận dụng những ghềnh đá tuyệt đẹp quanh làng làm nơi cho du khách tham quan - Ảnh: DUY SINH


Khu vực quanh đầm An Khê (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) là không gian sinh sống của người Sa Huỳnh cổ từ 2.000 năm trước, tiếp nối bởi nền văn hóa Champa và Đại Việt đang thay da đổi thịt từng ngày.


Người dân sống được với du lịch, biết giữ gìn từng bờ đá, giếng cổ, đầm nước, núi đồi... như tài sản vô giá tiền nhân để lại.

Từ ngày đầm An Khê được "nhắm" đến để làm điện mặt trời, rồi những văn bản trình đề nghị Bộ Công thương bổ sung đầm An Khê vào quy hoạch điện mặt trời người dân nơi đây rất lo lắng. Họ đã dần sống được với du lịch và hiểu rõ giá trị di sản, không muốn sự tác động của con người phá nát "nguồn sống" muôn đời.


Số liệu phí tham quan di sản năm 2018 cho thấy vịnh Hạ Long thu 1.200 tỉ đồng, khu di sản Tràng An 660 tỉ đồng, quần thể di tích Cố đô Huế 370 tỉ đồng, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 230 tỉ đồng... là minh chứng rõ nhất cho việc biến di sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Tại khu vực quanh đầm An Khê có đầy đủ di sản vật thể và phi vật thể, chỉ cần bảo tồn và khai thác sẽ rất bền vững. Trong mấy năm, người dân đã biết đến di sản, biết khai thác du lịch thật sự đáng mừng.

PGS.TS Tống Trung Tín


Ai cũng được hưởng lợi

Vẻ đẹp nguyên sơ ở làng Gò Cỏ - Ảnh: TRẦN MAI

Làng Gò Cỏ được các chuyên gia trong và ngoài nước phát hiện năm 2017. Lúc đó, đoàn khảo sát để xây dựng không gian văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ngôi làng gần như chẳng mấy ai biết đến. Chính đoàn khảo sát cũng tiếp cận ngôi làng từ phía biển. "Lúc đó, chúng tôi đi thuyền khảo sát ven biển thì thấy ngôi làng quá hoang sơ nên tấp vào. Lúc này, ai cũng trố mắt chẳng thể ngờ ngôi làng lại chứa đựng trùng trùng di tích", ông Đoàn Sung, thành viên đoàn khảo sát năm ấy, nhớ lại.

Sau chuyến ghé thăm vô tình ấy, cả năm 2017 các chuyên gia đầu ngành trong nước và UNESCO tập trung khảo sát, đánh giá cả không gian rộng lớn của văn hóa Sa Huỳnh.

Các chuyên gia kết luận khu vực làng Gò Cỏ, đầm An Khê là vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh và tiếp nối là văn hóa Champa với hàng loạt di tích như đường đá, giếng Chăm, bia ký Chăm, tường đá, tháp Chăm, hệ thống thủy lợi bằng đá được xếp vô cùng công phu...

Đặc biệt, dưới đáy đầm An Khê còn có một cây cầu đá Champa xây dựng dang dở. Song song với đó là nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh đã được khai quật.

Con đường đá cổ cũng hấp dẫn du khách đến với làng - Ảnh: TRẦN MAI

PGS.TS Ngô Văn Doanh, chuyên gia văn hóa Champa, khẳng định: "Chắc chắn người Champa đã sống rất phồn thịnh ở đây, nên mới kỳ công làm những con đường đá và hệ thống thủy lợi kiên cố. Hiếm có nơi nào mà không gian sinh sống của các nền văn hóa cổ được giữ gìn nguyên vẹn đến vậy".

Để ngôi làng sống dậy, các chuyên gia đã giúp người dân làng Gò Cỏ hiểu giá trị nơi mình sinh sống.


Năm 2018, người dân làng Gò Cỏ đi Cù Lao Chàm (Quảng Nam) học làm du lịch cộng đồng. Năm 2019 họ thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Việc bố trí các tổ nhóm tham gia các dịch vụ, homestay... được thực hiện bài bản, để người dân ai cũng hưởng lợi.


Liên kết cùng sống với di sản

Bà Huỳnh Thị Thương (đứng) thuyết minh ngôi làng cho du khách nghe, dù tuổi cao nhưng bà cũng kịp học và hiểu những kiến thức cơ bản của vùng đất di sản Sa Huỳnh - Ảnh: TRẦN MAI

Từ khi các chuyên gia phát hiện làng Gò Cỏ đến nay tròn 5 năm. Thời gian rất ngắn nhưng đổi thay của ngôi làng thấy rõ.

Ông Gui Martini - tổng thư ký Công viên địa chất toàn cầu (UNESCO) - bảo làng Gò Cỏ và văn hóa Sa Huỳnh là báu vật. Chính ông Gui đã chấp bút thảo dự án kêu gọi cộng đồng chung tay giữ gìn di sản làng Gò Cỏ. Lời kêu gọi ấy được Tổ chức môi trường Thái Bình Dương hưởng ứng, hỗ trợ 10.000 USD giúp người dân bảo vệ môi trường.

"Gò Cỏ nói riêng và không gian văn hóa Sa Huỳnh nói chung là báu vật của Việt Nam. Nơi đây hội đủ văn hóa - địa chất để trở thành một thực thể sống động của không chỉ một nền văn hóa", ông Gui Martini đánh giá.

Ông Gui cũng đề nghị sớm hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận văn hóa Sa Huỳnh là di sản thế giới. "Khi di sản được bảo tồn, cộng đồng liên kết khai thác bền vững thì sẽ sống sung túc với du lịch, dịch vụ", ông nói.

Đêm xuống, người dân làng Gò Cỏ hát bài chòi (di sản văn hóa phi vật thể thế giới) phục vụ du khách ghé làng tham quan - Ảnh: DUY SINH

Làng Gò Cỏ đang gần như vô danh thành làng du lịch hút khách đã khiến cho người dân ở các làng khác học tập. Bám di sản tạo sinh kế giờ đã là niềm tin cho cả vùng đất. Làng du lịch cộng đồng Gò Ma Vương nằm ngay bên cạnh đầm An Khê đã được hình thành. Người dân nơi này liên kết với người dân làng Gò Cỏ làm du lịch.

Ông Trần Văn Trung (chèo thuyền) giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Gò Ma Vương từ một ngư dân, nay trở thành một thuyết minh “có nghề” hướng dẫn du khách tham quan đầm An Khê - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Trần Văn Trung, giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Gò Ma Vương, kiêm tổ trưởng tổ dịch vụ chèo thuyền khám phá đầm An Khê, vừa chở du khách vừa thuyết minh lưu loát về lịch sử hình thành đầm An Khê.

Ông bảo ở đây bà con nào cũng xin tài liệu về di sản, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh để tự học. Người dân hiểu giá trị của vùng đất mình sinh sống và tự trang bị kiến thức để "hái ra tiền" từ di sản. "Các chuyên gia đã khẳng định giá trị di sản, giờ cộng đồng chung tay liên kết không gian văn hóa lại. Chúng tôi xem đây là sinh kế bền vững nhất", ông Trung chia sẻ.

Những ghềnh đá tuyệt đẹp ở Gò Cỏ đang thu hút du khách, ngôi làng đã thật sự sống lại nhờ di sản - Ảnh: TRẦN MAI

PGS.TS Tống Trung Tín, chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng di sản và cộng đồng là hai yếu tố không thể tách rời. Ở không gian người Sa Huỳnh cổ sinh sống tại khu vực đầm An Khê, dân cư có ý thức rõ nét về di sản. Có 4 ngôi làng thành lập hợp tác xã du lịch cộng đồng, chứng tỏ người dân biết khai thác bền vững tạo sinh kế mới. Chắc chắn người dân sẽ bảo vệ di sản tốt nhất.


"Thiệt y như giấc mơ"

Di tích giếng cổ trở thành một trong các điểm hút khách ở làng Gò Cỏ - Ảnh: TRẦN MAI

Gò Cỏ không chỉ có di sản, mà văn hóa làng còn vẹn nguyên. Người dân vẫn đánh bắt cá bằng thuyền nan, vun đất trồng khoai bằng từng lát cuốc. Sau vài câu chào hỏi nhau, du khách sẽ trở thành người làng. Muốn đi biển đánh cá, đi lên rẫy trồng khoai hay ngồi đan lưới, làm bánh ít... người dân đều tận tình hướng dẫn và thuyết minh.

Bà Bùi Thị Vân (68 tuổi) bảo rằng cả đời bà sống giữa di sản mà chẳng biết. Khi biết thì đã già nhưng bà hăng hái học làm du lịch. Ngôi nhà tranh của bà giờ thành homestay.

"Làng tôi từng không ai biết, không ai thèm đến. Chính con cháu trong làng cũng bỏ đi nơi khác sinh sống. Nhưng giờ khác rồi, du khách đến nờm nợp, nhiều đến mức có khi chúng tôi phải từ chối đón đoàn vì quá tải", bà Vân tâm sự.

"Chúng tôi dẫn du khách đi tham quan toàn bộ khu vực và kể chuyện vùng đất này. Thiệt y như giấc mơ vậy, đến chén canh lưỡi long (một loại xương rồng), cái bánh ít cũng hút khách", bà Huỳnh Thị Thương (68 tuổi) tự hào.

Đầm nước ngọt An Khê được Hội đồng Di sản quốc gia đề nghị bổ sung vào danh sách di chỉ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh, nhưng hai nhà đầu tư vừa đề xuất làm dự án điện mặt trời ngay trên mặt đầm.

Chia sẻ Facebook