Láng giềng của Trung Quốc sẵn sàng giúp Nga làm điều này ở phương Đông
Mông Cổ hy vọng dự án đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) vận chuyển khí đốt từ Nga sang Trung Quốc sẽ tiến triển trong những tháng tới.
Mông Cổ gần đây đã phát tín hiệu sẵn sàng giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin củng cố các tuyến đường vận chuyển khí đốt mới tới phương Đông trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế đè nặng lên nền kinh tế của Moscow.
Các nhà hoạch định chính sách của Mông Cổ hy vọng có thể tận dụng các cơ hội đến từ việc Điện Kremlin chuyển hướng cung cấp năng lượng từ châu Âu sang châu Á với các khách hàng như Trung Quốc và Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Mông Cổ Javkhlan Bold cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Telegraph (Anh) công bố hôm 30/7, ông Bold cho biết ông hy vọng rằng đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) vận chuyển khí đốt từ Nga sang Trung Quốc qua đất nước ông sẽ tiến triển trong những tháng tới, đồng thời khẳng định rằng điều quan trọng là Mông Cổ đã khám phá được các mối quan hệ đối tác mới ở phía trước.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là kiếm được một số doanh thu từ việc cho phép đường ống Power of Siberia 2 đi qua lãnh thổ Mông Cổ, và ở một mức độ nào đó, chúng tôi cũng có thể trở thành một khách hàng”, ông nói.
Mông Cổ mua gần như toàn bộ khí đốt từ Nga và ông Bold cho biết, chính phủ Mông Cổ sẵn sàng hợp tác với Moscow và Bắc Kinh trong các dự án tương lai.
Quốc gia châu Á nội lục này phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu than và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu của mình khi nhiều quốc gia hơn – bao gồm cả Trung Quốc – đang hướng tới mục tiêu về cân bằng về phát thải (net zero).
Dự án đường ống Power of Siberia 2 được hình thành từ hơn một thập kỷ trước để giúp Nga “hướng Đông”, với việc khí đốt Nga từ Bán đảo Yamal ở Tây Siberia được vận chuyển qua lãnh thổ Mông Cổ sang Trung Quốc.
Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và thương mại Nga-châu Âu sụp đổ khiến khí đốt Nga bị mắc kẹt, Power of Siberia 2 được khoác lên mình một tầm quan trọng và sự cấp bách mới.
Trở ngại đối với Moscow là Bắc Kinh – một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát – dường như không vội vàng tham gia. Các điều khoản của hợp đồng này vẫn đang được đàm phán và được giữ bí mật.
Một đường ống khác của Nga, Power of Siberia – chạy thẳng vào Trung Quốc qua biên giới phía Bắc của nước này với Nga, đã đi vào hoạt động vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2024. Nhưng đường ống này dựa vào việc phát triển các mỏ khí đốt mới ở phía Đông Siberia, nơi chưa bao giờ có nhiên liệu được vận chuyển đến châu Âu – khiến nó ít hữu ích hơn đối với chiến lược đa dạng hóa khách hàng mua khí đốt của Moscow.
Trở lại với trường hợp của Mông Cổ – quốc gia nằm kẹp giữa hai gã khổng lồ Trung Quốc và Nga và vẫn duy trì lập trường trung lập kể từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Bộ trưởng Bold cho biết, việc bỏ qua các cơ hội hợp tác với Nga sẽ không ảnh hưởng gì đến kế hoạch của Moscow.
“Nga vẫn có các lựa chọn nếu Mông Cổ nói không với cơ hội trung chuyển khí đốt. Họ có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua Vladivostok chẳng hạn”, ông Bold nói, đồng thời đặt câu hỏi: “Vậy có hợp lý không khi nói không với cơ hội kinh doanh này?”
“Chúng tôi cần cởi mở hơn để nắm bắt cơ hội”, vị Bộ trưởng kết luận .
Minh Đức (Theo The Telegraph, Financial Times)