Làng giải trí Việt liệu có phải là ''xí nghiệp'' chuyên phân phối danh xưng siêu mẫu?
Trên hành tinh này, chưa từng có làng giải trí nào lại sở hữu số lượng siêu mẫu nhiều như làng giải trí Việt.
Mạng xã hội đang xôn xao trước phát ngôn của chuyên gia trang điểm Nam Trung: ''Người duy nhất tôi gọi là siêu mẫu ở Việt Nam chỉ có Vũ Thu Phương vì không bon chen đi thi Hoa hậu".
Có lẽ giám đốc sáng tạo một thời của Vietnam's Next Top Model đã quên rằng, Vũ Thu Phương từng thừa nhận mình trượt giải Hoa hậu Việt Nam 2006 vì đi phẫu thuật cắt gọt ngạnh hàm.
Trở lại với phát ngôn gây tranh cãi trên. Nhiều người cho rằng Nam Trung đang mâu thuẫn bởi cách đó vài năm, anh còn thể hiện sự tôn trọng khi nhắc tới danh hiệu siêu mẫu của Thanh Hằng. Có kẻ lại không tiếc lời phê phán, cho rằng anh chưa đủ trình độ trao tặng mỹ danh cao quý này.
Vậy, ''Siêu mẫu'' là gì?
Khái niệm ''Người mẫu'' đã có từ thập niên 40 - 50 của thế kỷ trước, nhưng biệt danh ''Siêu mẫu'' (Supermodel) được hình thành cuối thập niên 80 để nhắc tới Janice Dickinson - chân dài đắt ''xô chậu'' quảng cáo nhất thời điểm đó.
Cho tới giữa thập niên 90, sự phát triển hưng thịnh của nhà mốt Versace đã tạo nên thời kỳ vàng son của các siêu mẫu được khao khát nhất thời đó - những cặp chân mang sức ảnh hưởng rất lớn tới thời trang toàn cầu như: Naomi Campbell, Cindy Crawfod, Christy Turlington, Claudia Schiffer, Kate Moss, Linda Evangelista. Cái tên ''Big Six" được ra đời từ ấy.
Các cuộc nghiên cứu cho rằng chỉ có 1% dân số toàn cầu sở hữu bộ gen có tiềm năng để trở thành siêu mẫu. Để tiến lên thứ hạng siêu cấp, một người mẫu phải sở hữu các đặc điểm hình thể như sau:
- Ngũ quan hài hoà, mang vẻ đẹp và sức hấp dẫn, có các đặc điểm nổi bật không mang tính đại trà.
- Số đo 3 vòng: 81 - 91cm (ngực); 56 - 66cm (bụng); 84 - 89cm (mông).
- Chiều cao từ 1m75 trở lên, thân hình cân đối hoặc tôn vinh trang phục.
Kate Moss là trường hợp siêu mẫu duy nhất cao dưới 1m75 và sở hữu một số đặc điểm ''xấu lạ'' thu hút các nhà mốt cao cấp (rất gầy, chân cong, răng có kẽ hở). Ngoài ra, dung nhan của siêu mẫu thập niên 80 - 90 cũng có nhiều khác biệt so với chuẩn mực cái đẹp ở thời điểm hiện tại.
Vẻ đẹp bên ngoài thôi là chưa đủ, một siêu mẫu phải hội tụ được những kỹ năng chuyên môn đạt thứ hạng từ giỏi cho tới xuất sắc, bao gồm: điều khiển ngôn ngữ hình thể, catwalk, diễn xuất, biểu cảm thông qua đài từ, tạo dáng chụp hình....
Siêu mẫu Claudia Schiffer từng nói: ''Để trở thành siêu mẫu, bạn phải cùng lúc xuất hiện trên bìa tất cả tạp chí trên toàn thế giới để người ta nhớ rõ bạn là ai'' . Điều này có nghĩa rằng, bạn buộc phải xuất hiện trên trang bìa của mọi tạp chí thời trang danh tiếng trước khi ''vỗ ngực tự xưng'' danh siêu mẫu.
Những gì càng hiếm, càng có giá trị. Thù lao dành cho các siêu mẫu luôn là giấc mơ đổi đời của mọi cô gái.
Linda Evangelista từng tuyên bố rằng cô sẽ không ra khỏi giường ngủ nếu cát-xê dưới 10.000 đô (hơn 233 triệu đồng). Cindy Crawford được tạp chí Forbes bình chọn là siêu mẫu có mức thù lao cao nhất hành tinh. Đối với những tên tuổi còn lại như Christy Turlington, Claudia Schiffer..., giá trị mỗi bản hợp đồng quảng cáo của họ đủ sức cứu sống một đại gia đình đang khánh kiệt.
Nên nhớ rằng, CẢ HÀNH TINH chỉ có rất ít siêu mẫu được thực sự công nhận bởi giới chuyên môn và khán giả. Tất cả trong số họ đều có xuất phát điểm và hoạt động ở thị trường Châu Âu. Điều này có nghĩa rằng, danh hiệu ''Siêu mẫu'' ở Việt Nam chỉ mang tính ''địa phương'', gói gọn trong giới hạn dải đất hình chữ S.
Làng giải trí Việt - nơi ''xuất khẩu'' siêu mẫu?
Không ngoa khi nói làng giải trí Việt là "khu công nghiệp chế tác... siêu mẫu". Dăm bữa nửa tháng lại xuất hiện một chân dài nào đó xuất hiện tại các cuộc thi với chức danh giám khảo, đi kèm theo là dòng chữ nhỏ bên dưới: ''Siêu mẫu X". Cô này có thể là một người mẫu với danh tiếng bình thường nhưng hoạt động lâu năm và có nhiều mối quan hệ tốt, hay chỉ đơn giản là quán quân của một cuộc thi có cái tên ''Siêu mẫu''.
Theo lẽ thường, người chiến thắng bất cứ chương trình nào mang tên ''Siêu mẫu'' nên được gọi là quán quân/giải vàng của cuộc thi đó. Việc gán ghép vô tội vạ danh hiệu trên, thật chẳng khác nào ''xé vé đồng hạng'' những người có thâm niên cống hiến trong nghề với các chân dài còn mới chập chững bước vào làng mốt.
Ở Việt Nam, những tên tuổi xứng đáng được đặt chân vào hàng ngũ siêu mẫu cũng rất ít ỏi. Chúng ta có Xuân Lan, Anh Thư, Thanh Hằng và mới nhất là Võ Hoàng Yến - 4 cái tên có số năm cống hiến, kỹ năng người mẫu thượng thừa cùng bảng vàng thành tích xuất chúng đủ để mọi thế hệ sau đó phải nghiêng mình kính nể.
Hồ Ngọc Hà, Tống Bạch Thuỷ, Bảo Hoà... đều là những gương mặt mang tiềm năng trở thành siêu mẫu nhưng đột ngột giải nghệ, hoặc rẽ hướng sang nghề nghiệp khác.
Siêu mẫu Xuân Lan hiện ''lui cung'' để tổ chức các sự kiện thời trang và đào tạo thế hệ người mẫu trẻ. Chỉ còn Thanh Hằng và Võ Hoàng Yến là hai cái tên hoạt động bền bỉ bậc nhất hiện nay. Vũ Hà Anh - gương mặt cá tính đang dần lấy lại hào quang trong thời gian gần đây, thực chất sở hữu thành tích khiêm tốn hơn so với đồng môn và tiền bối nếu xét về số lượng bìa tạp chí, giải thưởng, show diễn, tài nguyên thời trang... Cũng vì lẽ này, mà danh hiệu ''siêu mẫu'' khi được trao cho Hà Anh cũng để lại nhiều tranh cãi.
Còn đối với Vũ Thu Phương, nhân vật được nhắc tới rất nhiều trên các diễn đàn thời trang gần đây, cô từng có một sự nghiệp vẻ vang vào cuối thập niên 2000. Nhưng sau hơn 10 năm bỏ nghề và thiếu vắng những hoạt động sát sao để cập nhật biến đổi chung của làng thời trang thế giới, Vũ Thu Phương đã bị những cái tên từng kém cạnh lấn át. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với siêu mẫu Anh Thư trên hành trình tìm lại hào quang.
gif . ... đều bị bỏ xa bởi Thanh Hằng
Câu hỏi được đặt ra là: Để tiếp tục ngồi vững trên chiếc ghế ''Siêu mẫu'', Vũ Thu Phương và Anh Thư sẽ làm gì nhằm cống hiến cho giới thời trang? Và với những kiến thức, kỹ năng thị phạm đã bị hao hụt sau khoảng thời gian ''lui cung ở ẩn'', họ có chắc sẽ đào tạo được những thế hệ người mẫu theo kịp được sự phát triển phi mã của thời trang - vốn đã có tốc độ đào thải rất nhanh?
Ảnh: Internet