Làng chài nghèo ở VN lột xác với nhiều "siêu" công trình, nhà máy ô tô lớn thứ 3 thế giới
Đảo Cát Hải chỉ rộng 40 km2 nhưng có hàng loạt công trình "khủng" như nhà máy sản xuất ô tô, cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc, cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Những 'siêu' công trình ở đảo Cát Hải
Cát Hải là một hòn đảo do cát bồi, có diện tích 40 km2, nằm tại huyện Cát Hải (Hải Phòng). Nơi đây có một thị trấn và 4 xã, vốn là vùng làng chài nghèo, chủ yếu dựa vào đánh bắt gần bờ.
Nhưng mọi chuyện đã bắt đầu thay đổi khi khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008 để phát triển dịch vụ cảng biển. Đặc biệt, cầu Tân Vũ - cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam cùng tuyến đường bộ Tân Vũ - Lạch Huyện xây dựng năm 2014 đã làm thay đổi bộ mặt nơi đây.
Tuyến đường bộ có tổng mức đầu tư 11.848 tỷ đồng, dài 15 km đã giúp rút ngắn thời gian đi từ Đình Vũ đến đảo Cát Hải gần một giờ đồng hồ so với đi phà.
Ngày 2/9/2017 diễn ra lễ khởi công "siêu nhà máy" ô tô VinFast. Đây là nhà máy có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD, rộng thứ 3 thế giới (335 ha).
Chỉ sau 21 tháng, đến tháng 6/2019, nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã khánh thành. Công suất của nhà máy là 250.000 chiếc/năm và sẽ tăng lên 500.000 chiếc/năm vào năm 2025, bằng toàn bộ doanh số của thị trường trong nước. Sau khi sản xuất xe xăng, hiện nhà máy đã chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Năm 2021, nhà máy này đã nộp thuế gần 5.000 tỷ đồng, cao nhất Hải Phòng. Ảnh: Vin Group.
Có đường bộ, có nhà máy lớn nhưng đảo Cát Hải sẽ không thể "lột xác" nếu thiếu đi cảng nước sâu. Tân cảng Hải Phòng (HICT) là cảng container nước sâu lớn nhất miền Bắc, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 14.000 TEU (1 TEU tương đương 1 container tiêu chuẩn, dài khoảng 6 m).
Tân cảng Hải Phòng có thể đưa hàng hoá đi thẳng đến Mỹ, Châu Âu, giúp giảm thời gian và chi phí vận chuyển.
Bãi container của cảng HICT rộng tới 44 ha, 8 cẩu lớn và 24 cẩu nhỏ.
Để đảm bảo an toàn cho Tân cảng Hải Phòng, tránh bồi lấp, tuyến đê biển dài 10 km đã được xây dựng để chắn phù sa
Không chỉ có tác dụng chắn cát, con đê biển vô tình trở thành đường đi bộ nhân tạo dài nhất Việt Nam, thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Không chỉ phát triển công nghiệp, ngành du lịch ở Cát Hải cũng được chú trọng. Nhằm rút ngắn thời gian di chuyển ra đảo Cát Bà, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long dài gần 4 km đã được khánh thành vào tháng 6/2020. Đây là tuyến cáp treo 3 dây có trụ cáp cao nhất thế giới (214,8 m).
Tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long có 60 cabin, mỗi cabin có sức chứa 30 khách, vận hành tốc độ tối đa 8m/s, đạt công suất 4500 khách/giờ. Trong ảnh là ga Cát Hải với kiến trúc mô phỏng xưởng đóng tàu cổ.
Bên cạnh đó, đảo Cát Hải còn có phà Bến Gót với 4 tàu lớn, 5 tàu nhỏ để kết nối với đảo du lịch Cát Bà. Với sự đầu tư lớn, diện mạo của đảo Cát Hải đã thay đổi hoàn toàn từ làng chài nghèo trở thành thành một trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn ở miền Bắc, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của thành phố cảng Hải Phòng.