Lần thứ 14 liên tiếp, giá thép xây dựng trong nước giảm đến 510.000 đồng/tấn
Nhiều thương hiệu thép giảm giá sản phẩm vào chiều ngày 15/8.
Chiều 15/8, nhiều doanh nghiệp thông báo hạ giá sản phẩm lần thứ 14 liên tiếp kể từ ngày 11/5 với mức giảm lên đến 510.000 đồng/tấn. Giá thép hiện dao động quanh 14-16 triệu đồng/tấn.
Thép miền Nam điều chỉnh giảm lần lượt 360.000 đồng/tấn và 510.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau khi giảm hai loại thép trên còn 15,12 triệu đồng/tấn và 15,73 triệu đồng/tấn.
Tại khu vực miền Bắc, Hòa Phát điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Ý, CB240 và D10 CB300 giảm lần lượt 340.000 đồng/tấn và 350.000 đồng/tấn xuống còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,15 triệu đồng/tấn. Về thép Việt Đức, hai loại thép trên giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn xuống còn còn 14,44 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.
Với thép Kyoei, giá hôm nay là 14,7 triệu đồng/tấn và 15,5 triệu đồng/tấn đối với CB240 và D10 CB300 sau giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 290.000 đồng/tấn.
Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), nhu cầu giảm trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân kéo giá thép đi xuống.
Sản lượng tiêu thụ thép giảm kể từ tháng 3, khiến tổng sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm giảm 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cuộn cán nóng, cuộn cán nguội giảm mạnh nhất với 22% do sự sụt giảm nhu cầu của 2 nhóm sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ hạ gần 8% và ống thép 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng tiêu thụ ghi nhận giảm cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, lần lượt 9% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là thị trường bất động sản trong nước chững lãi sau động thái kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực này của cơ quan quản lý, và nhu cầu thép tại các thị trường xuất khẩu giảm do chính sách "Zero covid" của Trung Quốc và cuộc chiến tranh Nga - Ukraine.
Đến quý III, sản lượng tiêu thụ thép vẫn ở mức thấp do quý tới là mùa thấp điểm xây dựng (mùa mưa) dẫn tới nhu cầu về thép không cao và hoạt động sản xuất tại các nhà máy cầm chừng do tồn kho lớn.
BSC nhận định tình hình tiêu thụ sẽ khả quan hơn trong quý IV nhờ hoạt động xây dựng thường đẩy mạnh trong quý cuối năm và chi phí xây dựng giảm do giá thép đã giảm và đây chính là điểm sáng của ngành từ giờ đến cuối năm. Trong đó, giá các nguyên liệu đầu vào đã giảm sâu là hỗ trợ lớn đối với doanh nghiệp thép trong nửa sau năm 2022.
Giá quặng sắt, than luyện cốc và thép phế giảm mạnh, lần lượt 28%, 53% và 45% kể từ đỉnh. Giá HRC (nguyên liệu đầu vào của ngành tôn mạ) cũng giảm sâu 35% kể từ đỉnh. Do vòng quay hàng tồn kho của ngành thép thường ở mức 2-3 tháng, BSC cho rằng chi phí sản xuất sẽ giảm tương đối, giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành cải thiện trong quý IV năm nay.
Về thị trường Trung Quốc, giá thép thanh vằn tương lai là 4.138 nhân dân tệ/tấn (610 USD/tấn), giảm 0,2% so với ngày trước đó. Tuy giảm, giá thép vẫn sát mức cao nhất 40 ngày.
Về giá giao ngay, thép không gỉ giảm 0,6% xuống còn 14.930 nhân dân tệ/tấn (2.204 USD/tấn). Giá loại thép này liên tục giảm từ giữa tháng 5 đến nay và hiện giá thấp hơn đỉnh khoảng gần 17%.
Thép cuộn cán nguội giảm 0,3% xuống còn 4.453 nhân dân tệ/tấn (657 USD/tấn). So với đáy giữa tháng 7, giá đang cao hơn khoảng 6%.
Về kim loại màu tại Trung Quốc, giá nickel là 181.966 nhân dân tệ/tấn (26.863 USD/tấn), giảm 2,8% so với ngày trước đó. Giá đồng hạ 1% xuống còn 62.393 nhân dân tệ/tấn (9.210 USD/tấn). Trong khi đó, giá bạc tăng gần 3% lên 4.555 nhân dân tệ/tấn (671 USD/tấn).
Theo Đỗ Lan