Làn sóng sa thải nhân viên của các công ty công nghệ

Chia sẻ Facebook
09/11/2022 19:57:00

Làn sóng sa thải nhân viên công nghệ đang là câu chuyện nóng hổi của thung lũng Silicon.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang diễn ra tại Mỹ. Kinh tế là vấn đề mà cử tri Mỹ đặc biệt quan tâm trong cuộc bỏ phiếu lần này. Những chính sách kinh tế tiếp theo trong 2 năm tới sẽ góp phần định hình nền kinh tế số 1 thế giới. Vì thế, không chỉ các cử tri bình thường, mà cả các công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng rất chú ý tới kết quả cuộc bầu cử lần này.


Đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế nhạy cảm khi mà nhiều tập đoàn công nghệ của thung lũng Silicon đang phải lèo lái qua một giai đoạn tăng trưởng khá yếu, khiến nhiều tập đoàn buộc phải sa thải hàng nghìn nhân viên.


Mặc dù làn sóng sa thải nhân viên công nghệ đã nhen nhóm suốt từ đầu năm nay khi COVID-19 dần được kiểm soát nhưng mới đây nó lại trở thành câu chuyện nóng hổi của thung lũng Silicon.

Twitter nổ phát súng đầu tiên, khi ông chủ mới của mạng xã hội này - Elon Musk, tuyên bố sẽ sa thải hàng loạt nhân viên. Cụ thể, Twitter đã sa thải tới gần một nửa công ty. Trước khi Elon Musk tới, Twitter có 75.00 nhân viên, bây giờ theo euronews, chỉ có 3.700 người ở lại. Một số nhân viên thậm chí nhận được email sa thải khi họ còn đang ngủ.

Cư dân mạng có vẻ thấy việc này khá hài hước, nhưng lý do mà Elon Musk đưa ra là một thực trạng của các công ty công nghệ hiện nay.

Ông Elon Musk - chủ sở hữu Twitter cho hay: "Thành thật mà nói, Twitter đang gặp khó khăn về tài chính từ trước cả khi tôi đàm phán mua lại. Đây là tình hình chung của các công ty công nghệ phụ thuộc vào doanh thu quảng cáo. Nếu nhìn vào Google và Facebook bạn cũng sẽ thấy thế. Twitter còn dễ bị tổn thương hơn vì hầu hết quảng cáo chạy trênTwitter là quảng cáo thương hiệu lớn, không phải quảng cáo theo kiểu phản hồi trực tiếp".

Ảnh minh họa - Ảnh: Marketwatch.

Sau Twitter là đến Meta - công ty mẹ của Facebook. Meta mới tuyên bố về việc sẽ sa thải hàng nghìn nhân viên, những nhân sự bị thôi việc sẽ được hưởng lương đền bù thêm ít nhất 4 tháng.

Tháng trước, Meta đã dự báo doanh thu mùa lễ cuối năm sẽ khá yếu, trong khi chi phí vận hành tăng lên có thể khiến 67 tỷ USD giá trị vốn hoá bị thổi bay. Một cổ đông của Meta trong một bức thư ngỏ gửi cho Mark Zuckerberg trước đó đã nói rằng công ty cần phải hợp lý hóa bằng cách cắt giảm việc làm và chi tiêu. Vào tháng 6, Meta cũng tuyên bố sẽ giảm kế hoạch tuyển kĩ sư xuống 30%.

Bên cạnh việc doanh thu sụt giảm vì quảng cáo giảm, làn sóng sa thải nhân sự này đã được dự báo trước. Khi đại dịch hoành hành, hầu hết chúng ta đều chôn chân trong nhà, lướt facebook, mua hàng online, xem phim trực tuyến nên các hãng công nghệ phải ráo riết tuyển thêm người để có thể vận hành. Nhưng bây giờ khi nhịp sống trở lại bình thường, họ lại trở nên thừa thãi.

Ngoài ra còn có Apple, Amazon, tuy không sa thải nhưng đóng băng các kế hoạch tuyển dụng mới. Công ty taxi công nghệ Lyft cũng có kế hoạch sa thải 13% nhân sự.

Theo các nhà đầu tư, làn sóng này mới chỉ bắt đầu và có thể sẽ tác động lớn tới giới công nghệ trong những tháng tới, khi mà chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn gặp khó và doanh thu quảng cáo vẫn eo hẹp.

Chia sẻ Facebook