Làn sóng sa thải ngành công nghệ: Amazon nối gót Twitter & Meta
Việc cắt giảm ở Amazon sẽ tập trung vào tổ chức thiết bị, bao gồm trợ lý ảo Alexa, bộ phận bán lẻ và bộ phận nhân sự.
Gã khổng lồ bán lẻ Amazon được cho là đang có kế hoạch sa thải khoảng 10.000 nhân sự ngay trong tuần này, tờ New York Times đưa tin. Đây sẽ là đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này.
Việc cắt giảm sẽ tập trung vào tổ chức thiết bị của Amazon, bao gồm trợ lý giọng nói Alexa, bộ phận bán lẻ và bộ phận nhân sự, những người thạo tin cho biết.
Số lượng nhân viên bị sa thải vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có khả năng sẽ được triển khai theo từng nhóm thay vì sa thải đồng loạt, một người trong số họ cho biết. Tuy nhiên, con số 10.000 người tương đương khoảng 3% nhân viên và chưa đến 1% lực lượng lao động toàn cầu của Amazon với hơn 1,5 triệu người, chủ yếu là người làm việc theo giờ.
Vẫn là bài toán chi phí
Tin tức về việc sa thải sắp xảy ra vào thời điểm quan trọng đối với ngành bán lẻ, khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần. Vào thời điểm này trong năm, Amazon thường phải tăng số lượng nhân viên để đáp ứng nhu cầu. Nhưng ông Andy Jassy, người đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành công ty vào tháng 7/2021, đã cắt giảm chi phí khi công ty phải đối diện với doanh số bán hàng chậm lại và nền kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Đại dịch đã tạo ra kỷ nguyên sinh lời cao nhất trong lịch sử hoạt động của Amazon, khi người tiêu dùng đổ xô mua sắm trực tuyến và các doanh nghiệp liên tục tìm đến các dịch vụ điện toán đám mây của hãng. Từ 798.000 nhân viên vào cuối năm 2019, Amazon đã nhân đôi lực lượng lao động lên 1,6 triệu người tính đến ngày 31/12/2021 và dồn lợi nhuận vào việc mở rộng thị trường cũng như thử nghiệm những lĩnh vực mới.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tốc độ tăng trưởng của hãng đã chậm lại ở mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. Amazon cũng phải đối mặt với chi phí leo thang do các quyết định đầu tư quá mức và mở rộng nhanh chóng, trong khi những thay đổi trong thói quen mua sắm và lạm phát cao đã làm giảm doanh số bán hàng.
Hồi tháng 10, gã khổng lồ ngành bán lẻ đã báo cáo thu nhập quý III đáng thất vọng, khiến các nhà đầu tư đua nhau bán tháo. Lần đầu tiên, mức vốn hóa thị trường của hãng giảm xuống dưới 1 nghìn tỷ USD kể từ tháng 4/2020. Cổ phiếu Amazon đã giảm khoảng 41% trong năm nay, cao gần gấp 3 lần mức giảm 14% của chỉ số S&P 500. Năm 2022 dự kiến sẽ là năm tồi tệ nhất đối với công ty này kể từ năm 2008.
Thời gian gần đây, Amazon đã ngừng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, ngừng sản xuất máy chiếu tương tác và thiết bị gọi điện video dành cho trẻ em, đóng cửa gần như tất cả các trung tâm chăm sóc khách hàng tại Mỹ, loại bỏ robot giao hàng lưu động, chấm dứt các chuỗi cửa hàng truyền thống hoạt động kém hiệu quả, đồng thời hủy bỏ hoặc trì hoãn một số địa điểm nhà kho mới.
Sa thải hàng loạt là xu thế mới?
Giữa lúc các lĩnh vực khác của nền kinh tế bị gián đoạn do đại dịch, ngành công nghệ càng chiếm ưu thế và chứng tỏ vị trí quan trọng khó có thể bị phá hủy khi người tiêu dùng ồ ạt chuyển sang mua sắm trực tuyến. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng duy trì lãi suất quanh mức 0% vào thời điểm đó, giúp các công ty công nghệ kiếm tiền dễ dàng hơn.
Thế nhưng, khi thế giới bắt đầu mở cửa trở lại, nhiều khách hàng nhanh chóng trở về cuộc sống ngoại tuyến trước đây. Trong khi đó, sau nhiều năm mở rộng mạnh mẽ, lạm phát tăng cao và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và các nhà quảng cáo, ảnh hưởng đến hoạt động cơ bản của nhiều tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ.
Nếu như thông tin đưa ra là đúng sự thật, Amazon sẽ là công ty mới nhất trong chuỗi các công ty công nghệ lớn thông báo sa thải hàng loạt trong những tuần gần đây.
Tuần trước, Meta đã thông báo rằng họ sẽ sa thải hơn 13% nhân sự, tương đương hơn 11.000 người trong bối cảnh công ty mẹ của Facebook và Instagram gặp khó khăn về tài chính khi cố gắng thực hiện tham vọng metaverse (vũ trụ ảo) của mình, đồng thời phải vật lộn với sự suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụt giảm trong quảng cáo số, vốn là nguồn doanh thu chính của công ty.
Twitter cũng đã sa thải khoảng 50% nhân viên chỉ vài ngày sau khi tỷ phú Elon Musk mua lại công ty này với giá 44 tỷ USD. Theo tỷ phú Elon Musk, ông không còn lựa chọn nào khác vì kênh truyền thông xã hội mà ông vừa tiếp quản hiện đang lỗ 4 triệu USD/ngày.
Rất nhiều những ông lớn công nghệ khác như Microsoft, Snap v.v. cũng đã thông báo cắt giảm nhân sự do tình hình kinh tế khó khăn, buộc họ phải chuyển hướng kinh doanh.
Amazon từng cắt giảm 1.500 việc làm (khoảng 15% nhân viên), bao gồm cả những người làm việc theo giờ, vào năm 2001 trong cuộc khủng hoảng dot-com. Hãng cũng đã sa thải vài trăm nhân viên vào đầu năm 2018 sau một giai đoạn mở rộng nhanh chóng khác.
Từ tháng 4 đến tháng 9/2022, tập đoàn bán lẻ này đã cắt giảm gần 80.000 nhân viên, chủ yếu nhân viên làm theo giờ, nhằm hạn chế chi phí. Amazon cũng đã đóng băng tuyển dụng ở một số đơn vị nhỏ trước khi đưa ra áp dụng quyết định này ở quy mô toàn công ty 2 tuần trước .
Nguyễn Tuyết (Theo New York Times, CNBC, Business Times)