Làn sóng lừa đảo tiền ảo

Chia sẻ Facebook
28/09/2022 08:55:15

Lili bắt đầu giao dịch tiền ảo từ tháng 3-2021. Có thời điểm cô đã thắng được 1,4 triệu USD, nhưng những giao dịch tồi tệ sau đó đã xóa sạch khoản lời. Cô muốn rút 300.000USD còn lại nhưng không thể. Lili là một trong số rất nhiều nạn nhân của nạn lừa đảo tiền ảo bùng nổ trong đại dịch Covid-19.

Làn sóng lừa đảo tiền ảo

Ảnh minh họa

Ngày càng tăng


Tổng số tiền các nạn nhân tiền ảo bị lừa đảo trong năm ngoái lên đến 6,2 tỷ USD . Con số này tăng vọt 80% so với năm 2020. Chỉ riêng tại Anh, Trung tâm Báo cáo quốc gia về gian lận cho biết bọn lừa đảo đã chiếm đoạt 190 triệu bảng trong năm 2021, tăng gấp đôi so với 2020. Bước sang năm 2022, hoạt động lừa đảo này vẫn tiếp tục tăng. Tính đến tháng 8 các vụ lừa đảo tiền ảo tại Anh đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tệ nạn tăng mạnh, nhưng các nhà điều tra lại thiếu nguồn lực để chống lại, đặc biệt khi các vụ lừa đảo cá nhân xảy ra ở quy mô không lớn. Điều này một phần do thị trường tiền ảo không nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ như tiền thật.

Lừa đảo tiền ảo xảy ra bên ngoài hệ thống của các tổ chức tài chính được quản lý, vì vậy việc truy tìm các mạng lưới tội phạm vô danh đằng sau các vụ lừa đảo này là thách thức to lớn cho cơ quan thực thi pháp luật và các nhà điều tra. Rich Drury, Giám đốc thanh tra tại FOS, chuyên xử lý các khiếu nại chống lại các công ty tài chính, nói: “Bản chất của tiền điện tử là ẩn danh và toàn cầu nên nó rất hấp dẫn những kẻ lừa đảo”.

Những “người bạn” đã giới thiệu Lili đến với tiền điện tử có thể là các nick ảo của một kẻ lừa đảo. Trong nhiều tháng, họ chia sẻ những bức ảnh minh chứng cho sự giàu có: Tạo dáng bên siêu xe Bugatti Veyron, khoe chú chó lông trắng muốt quàng khăn Burberry…

Sau đó, họ “bật mí” sự giàu có của mình nhờ chơi tiền ảo, và xúi Lili đổ thêm tiền vào các giao dịch tiền điện tử. Cô đã bán 1 trong 2 căn hộ của mình ở London để huy động tiền mặt đầu tư. Nhưng sau đó Lili “tá hỏa” khi phát hiện ra trang web giao dịch 2 người bạn đã giới thiệu và các ứng dụng cô tải xuống là giả mạo.

Lỗ hổng “dưới 1 triệu bảng”

Mặc dù đã mất số tiền tiết kiệm đáng kể, nhưng Lili và các nạn nhân hầu như không thể làm gì. Thiệt hại của họ không được coi là đủ lớn để thuê đội ngũ luật sư và nhà điều tra, hoặc để nhận được ưu tiên của cảnh sát tội phạm ảo. Đây chính là lỗ hổng được bọn tội phạm tiền ảo khai thác triệt để.

Carmel King, giám đốc tại Grant Thornton - một cơ quan chuyên thu hồi tài sản nói: “Trên khắp thế giới nhiều hành vi lừa đảo đang nằm ngoài tầm ngắm các cơ quan có thẩm quyền, bởi nó không đạt đến cấp độ đủ để nhà nước bỏ nguồn lực điều tra”. Điều đó có nghĩa dù các nạn nhân mất mát tiền tiết kiệm cả đời, họ cũng ít được giúp đỡ. Như Racheal Muldoon, luật sư chuyên lĩnh vực này, cho biết những trường hợp tổn thất dưới 1 triệu bảng Anh thường không hiệu quả về mặt kinh tế để điều tra thu hồi.

Năm 2019, các ngân hàng ở Anh đã đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết việc khách hàng bị lừa gửi tiền cho một kẻ lừa đảo. 10 trong số các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn nhất của Anh đã đồng ý bồi thường cho các nạn nhân, trừ một số trường hợp nhất định, chẳng hạn nếu khách hàng đã bỏ qua cảnh báo.

Các ngân hàng cũng có thể buộc phải hoàn tiền cho nạn nhân nếu ngân hàng không phát hiện ra các giao dịch đáng ngờ và can thiệp để cảnh báo khách hàng. Các ngân hàng đã trả 238 triệu bảng cho các nạn nhân vào năm 2021, theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Thương mại ngân hàng UK Finance.

Thúc đẩy kiểm soát

Vì Lili có gửi một số tiền cho những kẻ lừa đảo qua chuyển khoản ngân hàng, 2 ngân hàng liên quan đến vụ án của cô đã đề nghị hoàn lại 30% tổng số tiền bị mất. Rich Drury, Giám đốc thanh tra tại dịch vụ thanh tra tài chính FOS, giải thích nhiều nạn nhân bị lừa đảo tiền ảo không lấy lại được tiền, vì giao dịch đầu tiên rút tiền khỏi tài khoản của nạn nhân thường không trực tiếp đến tay kẻ lừa đảo.

Những kẻ lừa đảo thường hướng dẫn nạn nhân mua tiền điện tử trên sàn giao dịch hợp pháp, sau đó gửi token vào ví của họ. Vì vậy, cần có sự tham gia của các sàn giao dịch tiền ảo thay thế vai trò của ngân hàng. “Các sàn giao dịch là thứ duy nhất hiện nay lấp đầy khoảng trống” - theo luật sư Marc Jones.

Tuy nhiên, sự hợp tác từ các sàn giao dịch để giải quyết gian lận là chắp vá, các công ty đôi khi không thu thập được dữ liệu nhận dạng thích hợp về khách hàng của họ. Biết danh tính và địa chỉ khách hàng của bạn (KYC) là yêu cầu đối với các công ty tiền điện tử. Nhưng có nhiều sàn giao dịch tiền điện tử không tuân theo những yêu cầu này vì chúng có trụ sở ở nước ngoài.

Chẳng hạn, sàn giao dịch tiền điện tử OKX cho phép người dùng rút tiền hàng ngày lên đến 10 bitcoin (tương đương 200.000USD) không cần KYC. Và nhiều khi thông tin KYC của các sàn này không đúng sự thật.

Thực tế, giao dịch tiền ảo có thể truy vết dễ dàng, bởi nhiều giao dịch được ghi lại trên các sổ cái blockchain một cách minh bạch và không thể thay đổi. Truy vết tiền thông qua hệ thống ngân hàng có thể là quá trình khó khăn, nhưng tài sản kỹ thuật số có thể được truy vết trong vài ngày hoặc thậm chí vài giờ. Nếu các cuộc điều tra blockchain có thể liên kết nạn nhân với một mạng lưới liên quan đến các tội phạm lừa đảo tiền ảo, điều đó làm tăng cơ hội cho việc điều tra, hoặc là cơ sở khả thi cho hành động pháp lý chung.

Nhưng thách thức đối với các nhà điều tra là lần ra mối liên hệ giữa các ví giao dịch tiền lừa đảo với danh tính thực. Bởi vậy, KYC trở nên rất quan trọng. Quy định về Thị trường tiền điện tử sâu rộng của châu Âu dự kiến có hiệu lực từ năm tới, bao gồm các tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, bao gồm cả các sàn giao dịch. Các công ty cũng sẽ được yêu cầu hiện diện tại một quốc gia EU để phục vụ khách hàng trong khối.

Tiền điện tử phát triển mạnh đang khiến hàng triệu người mở ví tiền ảo để mong kiếm tiền dễ dàng nhờ đồng tiền tăng giá, tạo điều kiện cho vô số vụ lừa đảo.

Vinh Trang

Chia sẻ Facebook