Làn sóng các nhà bán lẻ thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm

Chia sẻ Facebook
02/12/2022 16:29:34

Đây là một bước tiến từ mô hình vườn ươm thương hiệu mà rất nhiều nhà bán lẻ từng thực hiện trước đây.

Làn sóng các nhà bán lẻ thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm

Các nhà bán lẻ đang thi nhau thành lập quỹ đầu tư cho các startup. Ảnh: Harvard Business Review.

Trong năm nay, các chuỗi siêu thị lớn như Ulta, The Home Depot, Chipotle hay Dick’s Sporting Goods đều thành lập quỹ đầu tư cho các startup ở giai đoạn sơ khai, tạo thành một làn sóng đầu tư mới giữa tình hình kinh tế thế giới bất ổn.

Nhiều quỹ đầu tư ra mắt


Đầu tháng 11/2022, Dick’s Sporting Goods ra mắt quỹ DSG Ventures với trị giá 50 triệu USD nhằm đầu tư vào các thương hiệu “phục vụ các vận động viên và cộng đồng của họ”.


Một số startup đã nhận được đầu tư từ DSG Ventures bao gồm: Moolah Kicks - một thương hiệu giày bóng rổ dành cho phụ nữ, SidelineSwap - sàn thương mại hàng hóa thể thao và Out&Back Outdoors - startup phát triển cửa hàng thiết bị ngoài trời secondhand.


Trong khi đó vào hồi tháng 8, Ulta Beauty cho ra mắt quỹ VC Prisma Venture có giá trị 20 triệu USD . Họ lại tập trung đầu tư vào các cải tiến kỹ thuật số, chẳng hạn công nghệ dữ liệu, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường hoặc Metaverse.

Theo Prama Bhatt, Giám đốc kỹ thuật số của Ulta, cho biết sự kết hợp này giúp Ulta và các startup đồng sáng tạo và thử nghiệm theo cách khai thác chuyên môn của nhau.

Ulta Beauty cho ra mắt quỹ VC Prisma Venture có giá trị 20 triệu USD. Ảnh: Psfk.

Cho đến nay các đơn vị nhận được đầu tư từ Ulta gồm có công cụ tìm kiếm Adeptmind, công ty phát triển công nghệ nối mi LUUM và công ty áp dụng thực tế ảo cho việc thử mẫu tóc Re/Style.


Trước đó vào tháng 5, Home Depot ra mắt quỹ Home Depot Ventures 150 triệu USD với mục đích “tìm và nâng cấp quy mô các ý tưởng lớn thế hệ mới trong ngành công nghệ và bán hàng”.

Không hề kém cạnh, hồi tháng 4 Chipotle cũng triển khai quỹ VC của mình có tên Cultivate Next nhằm hỗ trợ cho các công ty series B . Đến tháng 5, họ có 2 thương vụ đầu tư đầu tiên là nền tảng dịch vụ ẩm thực tự động Hyphen và công ty thịt thay thế Meati Foods.

Một lối đi tăng trưởng mới

Theo Simeon Siegel, Giám đốc kiêm Phân tích viên cấp cao về bán lẻ và thương mại điện tử của BMO Capital Market, nhận định: “Nguyên nhân chủ yếu của các thương hiệu bán lẻ này nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Hay nói cách khác, khi các công ty phát triển và lớn mạnh, thì họ phải liên tục tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới”.

Chiến lược này không khác quá nhiều so với các thương vụ M&A (mua lại - sáp nhập) mà các ông lớn ngành hàng tiêu dùng hoặc hàng xa xỉ từng thực hiện trước đây.

Kassi Socha, Giám đốc phân tích của Gartner, cho biết thêm: “Khi đầu tư càng sớm thì số lượng vốn chủ sở hữu nắm giữ sẽ càng nhiều, mang đến tiềm năng lợi nhuận lớn hơn cho các nhà bán lẻ. Đây là một bước tiến từ mô hình vườn ươm thương hiệu mà rất nhiều nhà bán lẻ từng thực hiện trước đây”.

Các nhà bán lẻ không muốn bỏ lỡ và biến startup thành đối thủ của mình. Ảnh: Bloomberg.

Hiện nay, tình hình kinh tế thế giới rất khó nắm bắt, bởi các áp lực từ kinh tế vĩ mô, tạo nên áp lực kinh tế cho cả các nhà bán lẻ và startup để phát triển.

Kassi Socha cho rằng khi thị trường vốn bị siết chặt và lãi suất tăng, thì startup đang rất cần tiền, còn các nhà bán lẻ cũng phải chịu áp lực phải tìm giải pháp nâng cao nguồn doanh thu khác, khi doanh thu từ bán lẻ đã không còn phát triển mạnh. Và thế là mục tiêu của cả hai vô tình hợp với nhau.

Hơn nữa, khá nhiều nhà bán lẻ cũng từng trải qua các thương vụ đầu tư quá muộn vào một số startup tiềm năng. Điều này vô tình tạo ra một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, chiếm mất thị phần.

Vậy nên giờ đây, các nhà bán lẻ muốn nắm bắt và đầu tư sớm hơn, thay vì đợi sau này mới cố gắng hợp tác hoặc mua lại.

“Dù trong tương lai, các quỹ đầu tư này có được quảng bá thế nào, thì mục đích cũng chẳng khác gì những nhà đầu tư mạo hiểm truyền thống, tức là vẫn muốn tìm ra một công ty tăng trưởng tốt, tạo ra nguồn lợi nhuận bền vững”, Simeon Siegel cho hay.

Bảo Trung

Chia sẻ Facebook