Làn sóng các ngân hàng nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đang gia tăng

Chia sẻ Facebook
26/05/2023 02:53:16

VietTimes – Do tình hình kinh doanh ở Trung Quốc không thuận lợi, các ngân hàng đầu tư nước ngoài lớn của Mỹ và châu Âu đang âm thầm rút vốn khỏi Trung Quốc.

Nhiều ngân hàng nước ngoài lớn đang âm thầm rút khỏi thị trường Trung Quốc (Ảnh: Sina).
Nhiều ngân hàng nước ngoài lớn đang âm thầm rút khỏi thị trường Trung Quốc (Ảnh: Sina).


Đối với 7 ngân hàng đầu tư do Phố Wall và các công ty tài chính châu Âu thành lập ở Trung Quốc, 2022 là một năm không tốt đẹp. Gần đây, tờ Financial Times của Anh đưa tin rằng "lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng đầu tư toàn cầu tại Trung Quốc giảm sút. Hoạt động tại Trung Quốc của Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs và HSBC đều lỗ; lợi nhuận của Morgan Stanley giảm; chỉ có JPMorgan và UBS có tăng trưởng lợi nhuận.

Điều này trái ngược hoàn toàn với bầu không khí lạc quan năm 2021. Năm đó, sau nhiều năm thua lỗ hoặc lãi ít ỏi, cuối cùng, 6 trong số 7 ngân hàng đầu tư đã có lãi. Trong số đó, với tư cách là ngân hàng Phố Wall đầu tiên thiết lập quan hệ hợp tác đầu tư tại Trung Quốc (1995), lợi nhuận của Morgan Stanley vào năm 2021 là 30 triệu NDT (khoảng 4,5 triệu USD), 3 năm trước đó ngân hàng này bị lỗ tổng cộng 38 triệu USD ở Trung Quốc.

Trong năm 2022 một đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn xảy ra ở Trung Quốc. Thượng Hải đóng cửa, các thị trường chao đảo, chiến tranh sự ở Ukraine, căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc suy giảm mạnh. Một số người lo ngại 2022 là năm xấu nhất trong 10 năm qua, nhưng cũng có thể là năm tốt nhất trong 10 năm tới.


Financial Times đã tóm tắt ngắn gọn nguyên nhân khiến lợi nhuận của 7 ngân hàng đầu tư giảm mạnh vào năm 2022 : các lệnh phong do dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng điều này chưa đủ, cần phân tích thêm ba điểm. Đầu tiên, sự kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đối với tài chính, không cho các ngân hàng nước ngoài nhiều không gian phát triển.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc có hai đặc điểm: Thứ nhất, định hướng ngân hàng quá mức. Vào cuối năm 2022, tổng tài sản của các tổ chức tài chính của Trung Quốc là 419,64 nghìn tỉ NDT, trong đó tổng tài sản của các tổ chức ngân hàng là 379,39 nghìn tỉ NDT, chiếm 90%; nợ của các tổ chức tài chính là 382,33 nghìn tỉ NDT, nợ của các tổ chức ngân hàng là 348 nghìn tỉ NDT, chiếm 91%.

Citibank, ngân hàng nước ngoài có mặt tại Trung Quốc sớm nhất (năm 1902) đã quyết định chấm dứt các hoạt động kinh doanh ngân hàng cá nhân ở Trung Quốc (Ảnh: Sina).

Đặc điểm thứ hai, chính phủ chứ không phải thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ các nguồn lực tài chính. Có ba biểu hiện: (1) Các tổ chức tài chính lớn, chẳng hạn như các ngân hàng thương mại, được chính phủ kiểm soát hoặc nắm cổ phần hoàn toàn bởi và chính phủ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của các tổ chức tài chính; (2) Các nguồn tài chính chủ yếu được phân bổ cho doanh nghiệp nhà nước; (3) Việc định giá các nguồn lực tài chính không được xác định bởi thị trường, và các tài khoản vốn và tài chính không được mở hoàn toàn, đây là một hệ thống tương đối khép kín.

Một hệ thống tài chính như vậy đương nhiên dẫn tới không gian sống của các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài là vô cùng hạn hẹp và rất khó để phát huy hết lợi thế của họ. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại vốn nước ngoài chiếm một phần ba ở Trung Quốc.

Xu hướng thoái lui của ngân hàng tăng mạnh

Xu hướng rút lui của các tổ chức ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh.

Vào tháng 12/2022, trang web chính thức của Citibank thông báo việc đóng cửa mảng hoạt động kinh doanh ngân hàng cá nhân của Citigroup Trung Quốc. Tháng 3/2022, chi nhánh Ngân hàng Hợp tác Hà Lan Rabobank ở Bắc Kinh hoạt động trong lĩnh vực tài chính và kinh doanh ngân hàng khác ở Trung Quốc trong 27 năm, đã đóng cửa. Trước đó, chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng ABN AMRO ở Trung Quốc cũng đã chính thức đóng cửa vào cuối tháng 9/2021.

Tháng 2/2022, Ngân hàng Standard Chartered đã đưa ra thông báo đóng tất cả các kênh đăng ký thẻ tín dụng. Hiện tại, trang web chính thức và tài khoản WeChat chính thức của Ngân hàng Standard Chartered đã không thể vào đăng ký trực tuyến nữa. Có vẻ như biện pháp này đã thay đổi từ "tạm dừng" thành "vĩnh viễn".

Những điều này cho thấy những khó khăn của các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc trong những năm qua. Theo Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, từ năm 2007, khi các ngân hàng thương mại do nước ngoài tài trợ có dữ liệu của riêng họ, đến đầu tháng 9/2022, tổng cộng 329 tổ chức đã nộp đơn xin rút lui. Số tổ chức rút lui từ 2016 đến 2021 lần lượt là 42, 48, 49, 37, 39 và 37. Trong ba quý đầu năm 2022, có 19 tổ chức rút lui và chỉ có 7 được thành lập mới; năm 2021, chỉ có 11 tổ chức ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài mới được thành lập ở Trung Quốc, trong khi 37 rút lui; số lượng rút khỏi lớn hơn nhiều so với số lượng mới thêm .

Theo dữ liệu của Fitch Ratings, tính đến cuối năm 2021, thị phần của các ngân hàng nước ngoài ở Trung Quốc (được đo bằng tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản ngân hàng) đã giảm từ mức đỉnh 2,3% năm 2007 xuống còn 1,4%; tốc độ tăng tài sản năm 2021 chỉ còn 0,5%. Để so sánh, tại thị trường Mỹ, quy mô tài sản của các ngân hàng nước ngoài chiếm 12%.

Hơn nữa, khả năng sinh lời của các ngân hàng nước ngoài tương đối thấp. Theo "Báo cáo về sự phát triển của các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc năm 2021", trong quý 2/2016, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) của các ngân hàng nước ngoài thấp nhất, chỉ đạt 0,25%; năm 2021 chỉ số này là 0,53%, thấp hơn mức 0,64% của NHTM thành phố và thấp hơn rõ rệt so với các ngân hàng khác như NHTM nông thôn, NHTM cổ phần, NHTM tư nhân, NHTM lớn.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến viễn cảnh của các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc trở nên ảm đạm.

Vào tháng 12/2022, Fitch Ratings, một trong ba tổ chức lớn nhất về đánh giá quốc tế, đã công bố "Báo cáo quan sát ngành ngân hàng Trung Quốc", dự đoán rằng do nền kinh tế Trung Quốc không tốt từ năm 2022 đến năm 2023, các ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức về tăng trưởng ở Trung Quốc trong vài năm tới. Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường kinh tế đang biến động của Trung Quốc, sự kiểm soát nghiêm ngặt của Trung Quốc đối với các ngân hàng nước ngoài và sự đối đầu ngày càng tăng giữa Trung Quốc và phương Tây, việc các ngân hàng nước ngoài rút vốn theo kế hoạch là điều đã được dự đoán.


Theo Creaders

Chia sẻ Facebook