“Lằn ranh đỏ” F-16 giữa phương Tây và Nga

Chia sẻ Facebook
26/05/2023 03:10:31

Chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất sẽ gây ra một làn sóng leo thang mới, nhưng không phải là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Washington cuối cùng đã “bật đèn xanh” cho phép chuyển giao các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine sau nhiều tháng lưỡng lự vì lo ngại liệu động thái này có phải một “lằn ranh đỏ” mà nếu bị vượt qua sẽ khiến xung đột leo thang.

Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã từng bước tăng cường cung cấp các loại vũ khí phương Tây hiện đại cho Kiev, từ lựu pháo M777, hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, đến xe tăng Leopard và Challenger, và gần đây nhất là các hệ thống tên lửa Patriot. Tất cả đều đã tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến mà không có phản ứng gay gắt nào từ Nga cho đến nay, trang Newsweek (Mỹ) bình luận.

Theo Newsweek, giờ câu hỏi đặt ra là liệu cách phản ứng của Moscow có thay đổi khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố ủng hộ đào tạo các phi công Ukraine lái F-16 và cho phép các đồng minh của Washington cung cấp những chiến đấu cơ vượt trội so với những chiếc Mig-29 và Su-27 thời Liên Xô mà Kiev đang sử dụng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin ở Moscow, ngày 23/5/2023. Ảnh: Getty Images

“Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể coi việc chuyển giao máy bay chiến đấu là một lằn ranh đỏ, nhưng vẫn còn phải xem liệu Điện Kremlin sẽ phản ứng như thế nào, khi nào và như thế nào”, ông Tom Roberts, Phó Giáo sư tại Đại học Smith, Northampton, Massachusetts, cho biết.

“Mặc dù rất khó để ước tính việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ tác động như thế nào đến quỹ đạo của cuộc chiến, nhưng nó có thể được hiểu là một dấu hiệu của sự leo”, ông Roberts nói với Newsweek.


Không phải “yếu tố thay đổi cuộc chơi”


Việc triển khai tới 200 máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, được trang bị tên lửa tầm xa, sẽ làm thay đổi cục diện bầu trời Ukraine, theo Trung tướng Igor Romanenko, một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Kiev.

Nhưng Tư lệnh Không quân Mỹ Frank Kendall cho biết, Ukraine phải kiên nhẫn vì sẽ mất ít nhất vài tháng thì những chiếc F-16 mới thực sự đến tiền tuyến. Hơn nữa, việc đào tạo phi công Ukraine trên khung máy bay thế hệ thứ tư này có thể mất từ 3-6 tháng.

Một số chuyên gia lưu ý với tờ báo Nga Nezavisimaya Gazeta hôm 24/5 rằng Ukraine có thể nhận tới 40-50 máy bay chiến đấu phản lực phương Tây trong vòng 90 ngày. Còn về công tác huấn luyện, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell tiết lộ hôm 23/5 rằng quá trình này bắt đầu ở nhiều nước EU, đáng chú ý nhất là ở Ba Lan.

Chiến đấu cơ F-16 của Không quân Rumani tham gia Nhiệm vụ Cảnh sát Hàng không Baltic của NATO hoạt động trong không phận Litva, ngày 22/5/2023. Ảnh: AP/Myhighplains

Ông Yury Knutov, một chuyên gia quân sự hiện đang là Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không, nói với tờ báo Nga rằng một nhóm phi công Ukraine đã đến Mỹ để huấn luyện cách đây một tháng, và để họ bắt kịp tốc độ lái các máy bay chiến đấu hiện đại sẽ mất 4 tháng.

Vị chuyên gia cho rằng việc bổ sung loại máy bay này vào kho vũ khí của các lực lượng vũ trang Ukraine có thể đặt ra một số thách thức cho phía Nga, đặc biệt là do những chiếc F-16 có thể được sử dụng làm bệ phóng cho các tên lửa tầm xa mà Kiev đã được cung cấp và được sử dụng để tấn công các mục tiêu như Crimea, Donbass, và các vùng của Nga giáp biên giới Ukraine.

“Chúng tôi có những chiếc SU-35 có khả năng bắn hạ các máy bay tiên tiến hơn F-16 ở tầm xa. Hơn nữa, các phi công của chúng tôi có thể phát hiện ra các chiến đấu cơ này rất lâu trước khi đối phương kịp phát hiện ra họ. Ngoài ra còn có các hệ thống tên lửa phòng không hiệu quả có khả năng bắn hạ mục tiêu của kẻ địch từ một khoảng cách xa”, ông Knutov bổ sung.

Do đó, việc chuyển giao F-16 sẽ gây ra một làn sóng leo thang mới, nhưng chúng sẽ không phải là “yếu tố thay đổi cuộc chơi” làm thay đổi căn bản tình hình chung trong khu vực xung đột, ông nói với tờ báo Nga.


C hiến đấu cơ phổ biến nhất trên hành tinh

F-16 là máy bay phản lực một động cơ, đa chức năng, có nghĩa là chúng có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ không đối không hoặc tấn công mặt đất. Không quân Mỹ gọi F-16, lần đầu tiên cất cánh vào những năm 1970, là “hệ thống vũ khí hiệu suất cao, chi phí tương đối thấp”.

Hàng nghìn chiếc máy bay phản lực F-16 đã được chế tạo trong nhiều thập kỷ và hàng trăm chiếc đã được xuất khẩu trên khắp thế giới.

Theo thư mục Lực lượng Không quân Thế giới của Flight Global, gần 2.200 chiếc F-16 đang hoạt động trên toàn thế giới trong năm nay, khiến nó trở thành chiến đấu cơ phổ biến nhất trên hành tinh, với 15% phi đội trên thế giới.

Chiến đấu cơ F-16C Viper của Phi đội 162 thuộc Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ đóng tại căn cứ không quân Davis-Monthan, bang Arizona. Phi đoàn 162 là đơn vị giám sát việc đánh giá hai phi công Ukraine vào đầu năm 2023. Ảnh: The Drive

Những chiếc F-16 dành cho Ukraine dự kiến sẽ là phiên bản cũ hơn đã từng có mặt trong phi đội của các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các nước ở Tây Âu.

Các nhà phân tích cho biết những chiếc F-16 mà Ukraine sẽ nhận được không phải là những chiếc cũ nhất hiện có, mà là những chiếc máy bay đã trải qua quá trình được gọi là “nâng cấp giữa vòng đời”, nghĩa là chúng đã nhận được những cải tiến đối với hệ thống điện tử hàng không và phần mềm.

“Có rất nhiều máy bay F-16 ở các quốc gia phương Tây. Điều này nghĩa là nó có thể sẵn sàng tham chiến ngay lập tức và khâu hậu cần được thiết lập tốt”, ông Robert Hopkins, một cây bút viết về hàng không quân sự, người đồng thời từng là phi công của Lực lượng Không quân Mỹ, cho biết.

“Có những máy bay khác có khả năng hơn F-16, nhưng chúng ít hơn về số lượng và không sẵn có để chuyển giao”, ông Hopkins bổ sung, đề cập đến những loại tiêm kích thường được nói đến, chẳng hạn như F-35 và F/A-18 do Mỹ sản xuất, Rafale của Pháp, hoặc Grippen của Thụy Điển.

Hình ảnh máy bay chiến đấu Su-27 Flanker của Ukraine được chụp năm 2008. Ảnh: The Drive

Máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum của Ukraine hoạt động trong cuộc xung đột với Nga bắt đầu hồi tháng 2/2022. Hình ảnh do phi công Ukraine tên gọi Juice cung cấp. Ảnh: The Drive


Các nhà phân tích cho biết số lượng lớn F-16 đang hoạt động trên khắp thế giới có nghĩa là chúng có một hệ thống hậu cần đã được thiết lập tốt và một số lượng lớn phụ tùng thay thế sẵn có – những thành phần quan trọng để giữ cho các máy bay phản lực có khả năng chiến đấu.

Nhưng họ cũng lưu ý rằng đối với một máy bay chiến đấu hiện đại như F-16, việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất nhiều thời gian hơn so với đào tạo phi công.

“Tôi nghĩ có thể dạy một phi công Ukraine lái F-16 trong 3 tháng”, ông Peter Layton, một thành viên tại Viện Griffith châu Á và là cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia, cho biết.

Còn “việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất vài tháng hoặc vài năm, tùy thuộc vào mức độ thành thạo mong muốn”, theo một báo cáo về khả năng chuyển giao F-16 do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hồi tháng 3.


Báo cáo của CRS cho biết, nga y cả sau khi trải qua 133 ngày học tập, một nhân viên bảo trì của Lực lượng Không quân Mỹ vẫn cần tích lũy một năm kinh nghiệm thực tế mới có thể trở thành một nhân viên đủ chuyên môn. Còn trong trường hợp của phi công, 3 tháng chỉ đủ đào tạo những điều cơ bản, bao gồm cất cánh, hạ cánh và duy trì độ cao của một chiếc F-16, trong khi vai trò chiến đấu phức tạp hơn nhiều .


Minh Đức (Theo Newsweek, TASS, CNN)

Chia sẻ Facebook