Lằn ranh đỏ cho TikToker, YouTuber
Các chuyên gia pháp luật cho rằng người review đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thương hiệu, nếu các chủ cơ sở kinh doanh thấy phản ánh không đúng sự thật thì có thể khởi kiện ra tòa
Những ngày qua, dư luận "nóng" lên với những vụ việc TikToker có lượng theo dõi lớn review đồ ăn nhận xét tiêu cực khiến một số chủ quán gặp không ít khó khăn vì mất khách.
Thiệt hại nặng nề
Vừa qua, bà Loan, người được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh "bà chủ bánh canh 300k", khốn đốn khi bị một nữ TikToker review sau khi ăn tô bánh canh 700.000 đồng. Sau khi clip được đăng tải, nhiều người đã có lời lẽ bình luận khá nặng nề, cho rằng chủ quán bán giá "cắt cổ".
Sau đó, bà Loan đã trình bày trong một clip khác được đăng tải trên mạng, nói rằng khách đến ăn và kêu tô bánh canh càng cua. Bà Loan cho khách xem 3 chiếc càng to nhất, bảo giá tô bánh canh với 3 chiếc càng cua này trị giá 700.000 đồng. Nữ TikToker đồng ý với giá trên nhưng sau khi ăn, khách đã lên mạng chê là quá mắc khiến nhiều người nghĩ bà Loan "chặt chém". "Sau sự cố này, tôi rất sợ những người đến ăn để review quán tôi. Đã thuận mua vừa bán thì tại sao lại về chê mắc để ảnh hưởng đến danh tiếng của quán!" - bà Loan bất bình.
Mới đây, chị T.N đăng tải bức xúc của mình lên một nhóm ẩm thực để tố thái độ cũng như cách phục vụ của một nhà hàng Nhật trên đường Đông Du, quận 1, TP HCM. Thực khách này cho biết ngày 5-8 cùng bạn trai đến nhà hàng, gọi 3 món gồm sashimi cá hồi, sashimi cá trích và cơm trứng cuộn. Sau khi ăn 2 món cá hồi và cá trích, món cơm trứng cuộn vẫn chưa mang ra. Do đợi quá lâu nên chị T.N xin báo hủy món nhưng không được đồng ý. Sau khi trao đổi qua lại, nhà hàng đồng ý hủy món nhưng nhân viên đưa hóa đơn và bảo "Leave now" (tạm dịch: "Đi ngay"). "Ủa đuổi khách giữa quán? Tụi mình xuống nói với ông chủ nhưng ông chủ cũng cười cười không thèm xin lỗi một câu nào" - chị T.N kể lại.
Cũng theo lời chị T.N, nhân viên của quán đe dọa đánh nên chị bức xúc đăng lên một trang chuyên về phản hồi món ăn, quán ăn.
Nói về lùm xùm này, phía nhà hàng thừa nhận là món ăn có lên chậm hơn nhưng không đồng ý với tất cả ý kiến review của nữ thực khách đăng trên mạng xã hội. Hậu quả mà nhà hàng này gánh chịu là uy tín bị ảnh hưởng, do nhiều người dọa tẩy chay.
Trước đó không lâu, một khách sạn ở Mũi Né (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) lao đao vì clip của YouTuber N.A.K, tố bị nhân viên khách sạn hành hung và có dấu hiệu lừa đảo. YouTuber này cho biết có đặt phòng khách sạn qua hình thức online, nhờ một người bạn thanh toán trước bằng thẻ ngân hàng. Thế nhưng, khi đến nhận phòng thì YouTuber này không được chấp nhận do không phải là người thanh toán khi đặt phòng. Vụ việc bị YouTuber N.A.K đăng lên mạng xã hội và ngay lập tức, khách sạn bị cư dân mạng đánh giá 1 sao.
Phải có giới hạn
Không thể phủ nhận nhiều cơ sở kinh doanh được nổi tiếng hơn, tốt hơn nhờ vào "đội ngũ" YouTuber, TikToker tự do. Như trường hợp bà Kim Mai, chủ thương hiệu "Heo quay Kim Mai" danh tiếng ở TP HCM. Chỉ là một quán nhỏ nhưng giữa năm 2019, nhờ một YouTuber với lượt theo dõi lớn tình cờ đến mua và có bài đăng, quán của bà Kim Mai được nhiều người tìm đến. Hay trường hợp anh Trần Hoài Thanh, chủ chuỗi cửa hàng sầu riêng Hiếu Nghĩa ở TP HCM, nhờ có YouTuber, TikToker giới thiệu mà việc kinh doanh của anh ngày càng phất lên.
Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông thuộc Trường ĐH Văn Lang, cho rằng việc nở rộ các kênh review ẩm thực trên mạng xã hội gần đây có mặt tích cực là tạo ra sự cộng hưởng về danh tiếng. Nhờ đó, các chuỗi nhà hàng, quán ăn, khách sạn cũng được nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, thạc sĩ Lê Anh Tú lưu ý có những giới hạn, "lằn ranh đỏ" mà TikToker, YouTuber không thể tùy tiện vượt qua. "Thông tin đưa ra phải trung thực, chính xác, còn ngược lại, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hơn nữa, các chủ kênh là người nổi tiếng trên mạng xã hội, kiếm tiền từ sự nổi tiếng đó thì phải giữ gìn hình ảnh. Nếu làm sai, chủ các kênh trước sau gì cũng sẽ bị "bóc phốt" bởi chính nạn nhân hoặc những "anti fan". Các hàng quán cũng không dễ bị các kênh "muốn nói sao thì nói", vì họ cũng có thể thuê người nổi tiếng khác để "đấu" lại hoặc nhờ pháp luật can thiệp" - thạc sĩ Lê Anh Tú nói.
Về việc một số hàng quán "cạch mặt" các kênh review ẩm thực, thạc sĩ Lê Anh Tú cho rằng đây là một biểu hiện cực đoan. "Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như ngày nay, các chủ quán không thể cấm và không thể nào kiểm soát được việc khách hàng là người bình thường hay người nổi tiếng chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc khi sử dụng dịch vụ tại quán. Việc ngăn cản khách hàng chụp hình, quay phim tại quán cũng sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách và có thể "lợi bất cập hại". Dưới góc độ truyền thông và thương hiệu, tôi cho rằng điều này là không nên, quan trọng là cách khéo léo trong ứng xử" - thạc sĩ Lê Anh Tú nói.
Có quyền khởi kiện
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND TP HCM, khẳng định YouTuber, TikToker đóng một vai trò rất lớn đến việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì cũng không loại trừ một số trường hợp có ý đồ xấu gây tổn hại đến thương hiệu. Nếu các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh cảm thấy mình bị oan, bị review không đúng sự thật thì có thể khởi kiện ra tòa theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự.
"Chủ nhà hàng nếu muốn khởi kiện ra tòa để yêu cầu xin lỗi công khai, bồi thường thì phải chứng minh thiệt hại về vật chất, tinh thần. Đồng thời, phải chứng minh những review thiếu khách quan ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như phải chứng minh doanh số bị thiệt hại bởi các nhận định không đúng" - bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa thông tin thêm.