'Làn gió mới' với buýt điện
Nhiều thiết bị thông minh, công nghệ hiện đại, dịch vụ tiện nghi, nhân viên phục vụ văn minh, lịch sự và thân thiện… là những cảm nhận ban đầu của hầu hết hành khách sau khi trải nghiệm trên tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP.HCM.
Việc thí điểm đưa xe buýt điện chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng được xem là bước chuẩn bị cho việc hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy sau năm 2030 tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, theo yêu cầu đặt ra tại nghị định 48 của Chính phủ. Trong đó, giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống xe buýt, phải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Văn minh, thân thiện và hiện đại
"Lần đầu tiên tôi được trải nghiệm tuyến buýt điện này và cảm thấy rất hài lòng với sự hiện đại, tiện ích trên xe, nhất là hệ thống WiFi miễn phí. Vì khi chọn lộ trình dài, tôi có thể giải quyết một phần công việc trên xe hay sử dụng Internet trong những trường hợp cần thiết…" - chị H.T.C.N., một hành khách trên xe buýt điện số hiệu D4 xuất phát từ công viên 23-9 (quận 1) đến khu Vinhome Grand Park (TP Thủ Đức), cho biết.
Trước đó, ngày 7-4, ngoài những vị khách thông thường trên chuyến xe buýt điện này, một vị khách đặc biệt là ông Graham Stuart - đặc phái viên thương mại của thủ tướng Anh - cũng đánh giá cao tuyến buýt này khi cho rằng rất hiện đại, tận tình và cần được nhân rộng hơn nữa.
Cũng theo ông Graham Stuart, Vương quốc Anh đang có chương trình hỗ trợ TP xây dựng kỹ thuật trong phát triển giao thông thông minh.
Và đó cũng là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi được trải nghiệm tuyến xe buýt điện vừa được vận hành thí điểm tại TP.HCM. Bên trong xe có nhiều trang thiết bị thông minh và công nghệ hiện đại mà không phải phương tiện công cộng nào cũng có.
Khu vực hàng ghế được sắp xếp khá hợp lý, không gian đầu rộng rãi. Trọng tâm của xe buýt điện khá thấp và sử dụng các tấm kính lớn, bắt mắt giúp hành khách dễ quan sát cảnh quan, ngắm phố xá.
Đặc biệt trên xe còn trang bị cổng sạc USB và WiFi miễn phí, bảng điện tử thông báo điểm dừng sắp tới... mang lại rất nhiều thiện cảm cho hành khách về độ tiện ích, sự hiện đại. Với các chuyến xe buýt thường, đôi lúc lại xảy ra chuyện tài xế hút thuốc, tài xế nghe điện thoại, hay ngủ gật, làm việc riêng.
Với chuyến xe này, trước vôlăng có lắp một camera để quan sát tình trạng của người lái, sẵn sàng nhắc nhở khi tài xế có dấu hiệu mất tập trung hay buồn ngủ, tạo sự an tâm cho hành khách trong quá trình di chuyển.
Cửa lên và xuống có chế độ tự động hạ thấp khi dừng để hỗ trợ người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai... lên xuống xe, tạo sự an toàn.
Bên cạnh tiện ích, chúng tôi và nhiều hành khách rất tâm đắc với nét văn hóa giao thông của người Việt từ tuyến xe buýt này. Mỗi khi hành khách lên xe đều được tiếp viên niềm nở: "VinBus xin chào", khi xuống xe cũng không quên gửi lời cảm ơn: "VinBus xin cảm ơn".
Nhiều hành khách khá bất ngờ, thích thú đáp lời chào của tiếp viên: "Ồ, chào chú" hay đáp lời chào bằng một cái gật đầu lịch sự của một nhóm sinh viên trẻ. Một điểm đáng ghi nhận nữa là quy trình thanh toán tiện lợi, với máy in vé hiện đại trên xe buýt điện, thuận tiện cho tiếp viên và cho phép hành khách sử dụng một số thẻ ngân hàng để thanh toán.
Sẽ nhân rộng mô hình
Thời gian gần đây, việc đưa nhiều tuyến buýt điện thân thiện môi trường vào thí điểm vận hành tại Hà Nội và TP.HCM đã tạo được sự thích thú cho nhiều người. Loại hình buýt mới này được cho là sẽ góp phần kích thích nhu cầu đi lại, phát triển giao thông công cộng ở các thành phố lớn để tiến tới hạn chế xe cá nhân.
Sau khi trải nghiệm tuyến xe buýt này, chị Nguyễn Cẩm Hường (ngụ tại TP Thủ Đức) cho rằng cần mở rộng thêm nhiều tuyến buýt thông minh ở các khu vực khác để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Theo chị Hường, xe rất hiện đại và đầy đủ tiện ích, giá vé hợp lý, nhất là đối với học sinh, sinh viên nhưng chỉ có một tuyến thì ít quá.
"Cần xem xét mở thêm, phục vụ đa dạng đối tượng hành khách, nhất là các tuyến đường khu vực trung tâm. Việc này cũng góp phần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng khi họ thấy được sự tiện ích của nó, đồng thời có thể buộc xe buýt truyền thống hiện nay cần phải có sự thay đổi để cạnh tranh", chị Hường chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh, phó tổng giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (đơn vị khai thác tuyến buýt điện tại TP.HCM), cho hay trong năm 2022 và 2023 sẽ hoàn thiện mở rộng đủ 9 tuyến tại Hà Nội và 5 tuyến tại TP.HCM.
VinBus sẽ cùng các cơ quan chức năng xem xét, rà soát hiệu quả của các tuyến đã thực hiện để có thể triển khai dịch vụ được tốt hơn, đảm bảo các tuyến kết nối chặt chẽ với mạng lưới giao thông công cộng của thành phố, phục vụ đông đảo người dân.
Trước đó, tại lễ khai trương tuyến buýt điện, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết trong những năm trở lại đây, TP.HCM hướng tới mục tiêu phát triển đô thị văn minh, hiện đại, bền vững. Trong đó, phát triển giao thông công cộng, đặc biệt vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện được coi là mũi nhọn, giải quyết vấn đề giao thông đô thị lớn như TP.HCM.
"Việc thí điểm đưa xe buýt chất lượng cao vào hệ thống vận tải hành khách công cộng được kỳ vọng không chỉ góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại mà còn thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, giúp người dân có thêm sự lựa chọn phương tiện giao thông mới chất lượng, phục vụ nhu cầu đi lại ngày một tốt hơn", ông Lâm khẳng định.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường):
Ưu tiên buýt điện kích thước nhỏ
Xe buýt chạy bằng điện là phương tiện cần được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên TP.HCM nên ưu tiên phát triển xe buýt điện kích thước nhỏ phù hợp hạ tầng giao thông TP (từ 12-24 chỗ).
Về lâu dài, cần khoanh vùng để làm hệ thống buýt công cộng không xen lẫn xe máy hay ôtô. Việc này có nghĩa là khoanh vùng để các xe buýt mini này luân chuyển trong vòng các quận trung tâm. Các xe này có thể không tính phí để phục vụ người dân trong khu vực hạn chế xe cá nhân.
Lượng khách tăng lên hằng tuần
Cho đến nay TP.HCM chỉ mới thí điểm một tuyến buýt điện từ công viên 23-9 (quận 1) đến khu Vinhome Grand Park (TP Thủ Đức) với tần suất khoảng 15 phút/chuyến, từ 5h đến 21h15 mỗi ngày.
Xe có thể chở tối đa 67 người, trong đó 26 ghế ngồi bình thường, 2 ghế ngồi dành cho người khuyết tật, người già và 39 chỗ đứng. Giá vé chung là 7.000 đồng/lượt và 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên.
Theo đại diện đơn vị vận hành xe buýt điện (VinBus), sau 1 tháng đầu tiên hoạt động, buýt điện nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo người dân thành phố.
Buýt điện phục vụ khoảng 40.000 lượt hành khách/tháng, tương đương với 1.400-1.500 lượt hành khách mỗi ngày, số lượng này đang tăng lên hằng tuần. Tuy nhiên, hệ thống trạm dừng dọc lộ trình còn ít nên nhiều hành khách phản ảnh cần bổ sung thêm.
Để khắc phục tình trạng này, đơn vị vận hành đã có văn bản đề xuất lên Sở GTVT TP.HCM và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng xem xét điều chỉnh, bổ sung thêm 11 điểm dừng, trạm đón - trả khách để tăng khả năng kết nối, thuận tiện đi lại cho người dân.
Xe buýt truyền thống phải thay đổi
Để đáp ứng được kỳ vọng xe công cộng đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2025 và tăng lên 25% vào năm 2030, xe buýt truyền thống cần phải thay đổi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàn, phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM), cho biết nhiều năm qua TP.HCM đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, tuy nhiên vận tải hành khách công cộng còn đạt tỉ lệ thấp (gần 10%) so với nhu cầu đi lại của người dân.
"TP cũng đã tính tới nhiều phương án để nâng tỉ lệ này. Trong đó có phương án nâng cao chất lượng, sự tiện ích của xe buýt, nâng cao thái độ tài xế, tiếp viên… để thu hút người dân", ông Hoàn cho hay.
Cụ thể, trong năm 2022, trung tâm nghiên cứu, khảo sát và đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt nhỏ (mini buýt) kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, kết nối với các tuyến vận tải khách khối lượng lớn, kết nối với các phương thức vận tải khác.
Song song đó, trung tâm đầu tư mạnh vào ứng dụng công nghệ thông tin, giám sát bằng phần mềm trên tất cả các tuyến xe buýt để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, theo ông Hoàn, đầu tư xe buýt không chưa đủ. Để người dân đi lại tiện lợi hơn, trung tâm cũng nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống điểm dừng đỗ, đầu cuối. Đặc biệt là cải tạo hạ tầng, đảm bảo trật tự vỉa hè và lòng lề đường cho người dân dễ dàng hơn để đón xe buýt. Theo đó, trước 30-4, đơn vị này sẽ phối hợp thực hiện rà soát cải tạo tại 47 điểm nhà chờ, trạm dừng, lối đi bộ, lề đường…
Trong khi đó, theo ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), trong năm 2022 TP sẽ mở thêm 10 tuyến buýt, trong đó có 5 tuyến xe buýt điện, 3 tuyến buýt mini và 2 tuyến liên tỉnh. Đến giữa năm 2023 sẽ có thêm 18 tuyến xe buýt nhỏ đưa đón khách từ khu dân cư đến với metro số 1.
Ngoài ra, cơ quan này đang thuê đơn vị tư vấn nước ngoài nghiên cứu dự án tái cấu trúc mạng lưới xe buýt ở TP nhằm hướng tới việc nâng cấp hiệu quả các tuyến xe buýt hiện hữu.
Với vé xe thông minh, theo ông Hải, cơ quan này đang triển khai hệ thống vé liên thông với các loại hình vận tải giao thông công cộng khác như metro, xe đạp, xe buýt, đường thủy. "Trong năm tới, 23 tuyến xe buýt sẽ áp dụng loại vé này và phủ rộng toàn bộ mạng lưới trong năm 2025", ông Hải khẳng định.
Ngoài "làn gió mới" xe buýt điện, một dấu hiệu tích cực là hành khách đi xe buýt truyền thống cũng có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Buýt sông cũng bùng nổ
Với buýt sông, TP.HCM đã định hướng nghiên cứu phát triển thêm một số tuyến nhằm đa dạng loại hình phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch, cụ thể nghiên cứu đề xuất 6 tuyến: tuyến 1 (Sài Gòn - quận 7), tuyến 2 (sông Sài Gòn - Bình Lợi, Bình Hòa), tuyến 3 (sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm), tuyến 4 (Bạch Đằng - Hiệp Phước - sông Nhà Bè - sông Soài Rạp), tuyến 5 (Bạch Đằng - Rạch Chiếc - phân khu phía đông VinCity), tuyến 6 (sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương).
L.PHAN - C.TUẤN
Hà Nội: khách đi xe buýt điện tăng từng ngày
Sau khi khai trương tuyến buýt điện đầu tiên vào đầu tháng 12-2021, đến nay Hà Nội đã có 3 tuyến buýt điện được đưa vào khai thác, đều do Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus thực hiện, gồm tuyến E01 (bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park); tuyến E03 (khu đô thị Ocean Park - bến xe Mỹ Đình); tuyến E05 (Long Biên - khu đô thị Smart City).
Ghi nhận của Tuổi Trẻ trong chiều 14-4 cho thấy dù không phải vào giờ cao điểm, nhưng các tuyến xe buýt điện tại Hà Nội tương đối đông hành khách sử dụng dịch vụ. Ở khu vực bến xe buýt, các xe buýt điện dừng sát lề đường nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách lên xuống xe. Sau khi không còn hành khách lên xuống xe, tài xế mới bắt đầu đóng cửa để tiếp tục lộ trình.
Chị Phạm Thị Hiền (48 tuổi, Hà Nội) cho biết từ khi Hà Nội có xe buýt điện, chị đã chuyển qua sử dụng loại hình dịch vụ di chuyển mới này. "Tôi đi xe buýt điện cảm thấy rất sạch sẽ, nhân viên rất chu đáo, cởi mở và hướng dẫn khách tận tình. Trên xe có cả WiFi miễn phí và đặc biệt là không xô bồ quá, nhân viên phục vụ lại rất lịch sự", chị Hiền nói.
Sau một lần đi xe buýt điện "bất đắc dĩ" do ôtô bị hỏng gần trạm xe buýt, chị Nguyễn Phượng (Hà Nội) cho biết sẽ chọn đi xe buýt điện thường xuyên hơn với lý do "thấy rất văn minh, thái độ phục vụ của các nhân viên rất đáng yêu", đồng thời cho rằng với việc đưa vào vận hành, khai thác thương mại xe buýt điện, Hà Nội đã bắt nhịp được với xu thế hiện đại trên thế giới.
"Xe buýt điện rộng rãi, sạch sẽ, thực sự lần đầu trải nghiệm khiến tôi không muốn đi ôtô cá nhân nữa. Hai vợ chồng tôi ngồi trên này thấy nhẹ cả người, không căng thẳng", chị Phượng chia sẻ.
Theo ghi nhận, một trong những điểm thuận lợi khi đi buýt điện là việc thanh toán, hành khách có thể dùng thẻ để thanh toán thay vì chỉ sử dụng tiền mặt như với xe buýt truyền thống.
Trong khi các xe buýt truyền thống đang khai thác đa số đã khá cũ, tác phong phục vụ của nhân viên "còn lâu mới có thể so sánh được với xe buýt điện". "Tôi nghĩ xe buýt truyền thống cần phải thay đổi nhiều, về chất lượng dịch vụ, về thái độ phục vụ của phụ xe nếu muốn thu hút khách", một hành khách khẳng định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 14-4, đại diện Công ty TNHH dịch vụ vận tải sinh thái VinBus cho biết sau một thời gian đưa vào khai thác, các tuyến xe buýt điện được khách hàng đánh giá rất cao và lượng khách đang tăng từng ngày.
"Xe buýt điện của chúng tôi sử dụng năng lượng sạch, không phát khí thải, không gây ô nhiễm tiếng ồn, di chuyển êm ái mang lại cho hành khách sự thoải mái, khắc phục hiện tượng say xe hay khó chịu trong suốt hành trình", vị này nói.
Thêm nhiều tuyến xe buýt điện
Theo kế hoạch, năm 2022 Hà Nội dự kiến mở mới thêm 6 tuyến buýt điện. Trong quý 1-2022 mở mới 2 tuyến (tuyến Hào Nam - khu đô thị Ocean Park và tuyến bến xe Giáp Bát - khu đô thị Ocean Park).
Quý 2-2022 mở mới 4 tuyến: tuyến Long Biên - Cửa Nam - khu đô thị Smart City; tuyến khu liên cơ quan sở, ngành Hà Nội - khu đô thị Times City; tuyến khu đô thị Smart City - công viên nước Hồ Tây; khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.
PHẠM TUẤN
Theo đơn vị vận hành (Vinbus), sau gần 1 tháng lăn bánh, tuyến xe buýt điện tại TP.HCM đã phục vụ khoảng 40.000 lượt khách. Số lượng này đang tăng lên hằng tuần.