Lần đầu tiên Nga nhất trí với tuyên bố chung về xung đột ở Ukraine

Chia sẻ Facebook
10/05/2022 10:22:17

Thêm nhiều dân thường được sơ tán khỏi thành phố cảng Mariupol, trong khi Mỹ, Anh và Đức tiếp tục tăng cường viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Trong bài phát biểu video hàng đêm hôm 6/5 của mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, chính quyền Ukraine đang làm việc với các quốc gia khác để giải cứu những binh sĩ Ukraine đang mắc kẹt trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, miền Nam nước này.

"Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các phương án ngoại giao để cứu quân đội của chúng tôi vẫn đang ở tại Azovstal. Những quốc gia trung gian hòa giải có tầm ảnh hưởng cũng đang tham gia”, ông Zelensky nói nhưng không cho biết chi tiết.

Azovstal được coi là thành trì cuối cùng của quân Ukraine trong thành phố cảng Mariupol, nơi phần lớn đã nằm dưới quyền kiểm soát của quân Nga.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Ukraine cũng xác nhận rằng các hoạt động sơ tán dân thường khỏi thành phố Mariupol đang tiếp tục diễn ra, với 40 dân thường được giải cứu hôm 6/5.

Còn theo truyền thông Nga, 3 chiếc xe buýt sơ tán đã rời nhà máy thép Azovstal hôm 6/5. Những chiếc xe buýt đã chở 25 dân thường, bao gồm cả trẻ em, ra khỏi nhà máy đến một trại tị nạn ở thị trấn Bezimenne do Nga kiểm soát.

Ước tính còn khoảng 200 dân thường cùng với các binh sĩ Ukraine vẫn bị mắc kẹt trong khu liên hợp công nghiệp khổng lồ này.

Một số dân thường còn lại trong nhà máy Azovstal đã được sơ tán trong những ngày gần đây. Binh sĩ Ukraine đang cầm cự trong khu công nghiệp rộng lớn ở thành phố cảng Mariupol, miền Nam đất nước. Ảnh: Al Jazeera

Nga không có kế hoạch tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Mariupol

Điện Kremlin tuyên bố sẽ không có lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại thành phố Mariupol, miền Nam Ukraine, nơi Quân đội Nga đã tuyên bố giành toàn quyền kiểm soát hôm 21/4, trừ khu liên hợp công nghiệp Azovstal.

“Sẽ đến lúc và sẽ có một lễ kỷ niệm lớn ở đó”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Theo ông Peskov có thể sẽ có nhiều người Nga ở đó tổ chức kỷ niệm ngày 9/5, nhưng Moscow sẽ không cử bất kỳ phái đoàn chính thức nào đến vào ngày này.

Trước đó, hôm 4/5, tình báo quân sự Ukraine cho rằng Nga đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc duyệt binh ở Mariupol.

Ngày Chiến thắng 9/5 là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Nga, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến với Đức Quốc xã vào năm 1945.

Các lực lượng Nga đã kiểm soát hầu hết Mariupol, ngoại trừ nhà máy thép Azovstal, nơi các tay súng Ukraine và một số dân thường vẫn đang ẩn áu.

Các quân nhân Nga lái xe tăng dọc một con phố trong buổi diễn tập cho lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow. Ảnh: Yahoo!News


Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố chung đầu tiên về xung đột Nga-Ukraine


Tối hôm 6/5, cơ quan quyền lực nhất của LHQ đã ra tuyên bố nhất trí bày tỏ "quan ngại sâu sắc liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine", nhưng tránh dùng các từ như "chiến tranh", "xung đột" hay "xâm lược".

Trong tuyên bố đầu tiên được nhất trí thông qua về cuộc xung đột ở Ukraine, Hội đồng gồm 15 thành viên cũng "nhắc lại rằng theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình".

Tuyên bố của UNSC đã được thông qua với sự đồng thuận, với phần văn bản ngắn gọn do Na Uy và Mexico soạn thảo.

Theo Mexico, việc Nga đồng ý với tuyên bố cho thấy sự sẵn sàng về mặt ngoại giao của nước này.

Nga, quốc gia có quyền phủ quyết tại UNSC, đã cản trở các nỗ lực trước đó nhằm thông qua một tuyên bố về Ukraine.

Tuyên bố được thông qua hôm 6/5 cũng thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Tổng thư ký LHQ hoan nghênh sự ủng hộ của Hội đồng, tuyên bố rằng ông sẽ "không tiếc nỗ lực để cứu mạng người, giảm bớt đau khổ và tìm ra con đường hòa bình".

Ông Guterres đã tới thăm Moscow và Kiev vào cuối tháng 4. Cho tới giờ, ông đã dàn xếp thành công 2 cuộc sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Ukraine.

Mỹ công bố khoản viện trợ mới cho Ukraine trị giá 150 triệu USD

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/5 đã công bố một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông và Nam của đất nước Đông Âu, với tâm điểm là các hoạt động sơ tán dân thường khỏi khu nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol.

Ông Biden cho biết, khoản hỗ trợ an ninh mới nhất của Mỹ trị giá 150 triệu USD cho "những người Ukraine dung cảm" sẽ bao gồm đạn pháo và radar.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chi tiết hơn rằng gói này bao gồm các radar chỉ thị mục tiêu pháo binh kiểu mới được sử dụng để phát hiện nguồn hỏa lực của đối phương và thiết bị gây nhiễu điện tử.

Gói viện trợ mới nhất này đã nâng tổng giá trị vũ khí Mỹ gửi tới Ukraine kể từ khi xung đột quân sự với Nga bắt đầu lên thành 3,8 tỷ USD.

Tổng thống Biden cũng đang hối thúc Quốc hội Mỹ phê duyệt gói viện trợ 33 tỷ USD, bao gồm 20 tỷ USD viện trợ quân sự, nhằm “tăng cường sức mạnh cho Ukraine trên thực địa và bên bàn đàm phán”.

Binh sĩ và phương tiện quân sự Mỹ tại một căn cứ không quân ở Ba Lan. Ảnh: DW

Liên quan đến vấn đề viện trợ, Chính phủ Đức đã đồng ý sẽ chuyển giao 7 lựu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht thông báo trong chuyến thăm các binh sĩ Đức tại Slovakia hôm 6/5. Đây chính là loại vũ khí hạng nặng mà Ukraine đang yêu cầu Đức cung cấp.

Theo Bộ Kinh doanh, Năng lượng & Chiến lược Công nghiệp Anh, nước này sẽ tặng thêm 287 máy phát điện di động cho Ukraine. Gần 600 chiếc tương tự đã được chuyển tới Ukraine trước đó.

Các máy phát điện mới, đủ cung cấp điện cho gần 8.000 ngôi nhà, sẽ được sử dụng cho các bệnh viện, nhà tạm trú và các dịch vụ thiết yếu khác ở miền Đông Ukraine.


Lãnh đạo G7 sẽ hội đàm với Tổng thống Zelensky


Lãnh đạo các nước G7, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 8/5, một ngày trước khi Nga tổ chức kỷ niệm Ngày Chiến thắng (9/5), Nhà Trắng cho biết.

Cuộc hội đàm sẽ tập trung vào những diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, nỗ lực giúp tái thiết Ukraine và trừng phạt Nga.

Các nước G7 bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Ý.

Cấm vận dầu Nga giống như "quả bom nguyên tử" giáng vào Hungary

Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 6/5 đã lên tiếng chỉ trích gói trừng phạt được đề xuất mới nhất của Liên minh châu Âu, đồng thời cho rằng Hungary sẽ không thể ủng hộ kế hoạch theo hình thức hiện tại.

Những bình luận trên xuất phát từ một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh nhà nước Hungary, Reuters đưa tin.


Ông Orban mô tả đề xuất hiện tại, bao gồm lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, là một "quả bom nguyên tử" sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Hungary .

"Chúng tôi biết chính xác những gì chúng tôi cần, trước hết chúng tôi cần 5 năm để hoàn thành toàn bộ quá trình này... Khoảng thời gian 1-1,5 năm thì không đủ để làm bất cứ điều gì", ông nói.

ột số diễn biến nổi bật xoay quanh xung đột Nga-Ukraine ngày 6/5

Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Baltic, gồm Estonia, Latvia và Litva, đã đến thăm thủ đô Kiev của Ukraine hôm 6/5.

"Kể từ ngày 24/2, Estonia, Latvia và Lithuania đã đứng về phía Ukraine khi chúng tôi đấu tranh cho tự do. Ukraine sẽ luôn ghi nhớ sự ủng hộ trung thực của họ trong suốt thời gian này", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mời Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đến thăm Kiev vào ngày 9/5, ngày Nga kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến II.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, gần 25 triệu tấn ngũ cốc đã bị mắc kẹt ở Ukraine khi các cảng ở nước này bị phong tỏa do xung đột với Nga. Một mối quan ngại khác được đặt ra là khoảng 700.000 tấn ngũ cốc có thể đã "biến mất" ở Ukraine.

Quân đội Nga khai hỏa từ một chiếc xe tăng ở gần nhà máy thép Azovstal, Mariupol, miền Nam Ukraine. Ảnh: The Guardian

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaitsev cho biết, Nga không có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các nước phương Tây dừng những hành động mà ông gọi là leo thang chống lại Nga, bao gồm cả việc thảo luận công khai về mối đe dọa tấn công hạt nhân của Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết hôm 6/5, mặc dù lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu của Nga sẽ không dễ dàng, nhưng bước đi là cần thiết để giảm sự phụ thuộc của EU vào Moscow.

Theo bà Von der Leyen, bất chấp sự phản đối từ một số quốc gia thành viên EU đối với gói trừng phạt do khối đề xuất, bà tin rằng cuối cùng nó sẽ được thông qua.

Sau nhiều tuần bị trì hoãn, các nỗ lực sơ tán dân thường khỏi thành phố cảng Mariupol đã có tiến triển và thu được kết quả, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết hôm 6/5.


Ông Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết gần 500 dân thường đã được giải cứu trong một chiến dịch do LHQ dẫn dắt .


Minh Đức (Theo Reuters, DW, The Guardian, TRT World, Al Jazeera)

Chia sẻ Facebook