Lần đầu tiên ghi nhận đười ươi tự bôi thảo dược chữa lành vết thương trên mặt

Chia sẻ Facebook
20/09/2024 04:13:33

Các nhà khoa học quan sát thấy một con đười ươi (vượn orangutan) bôi thảo dược lên vết thương trên mặt và dường như chữa lành vết thương. Đây là lần đầu tiên hành vi này được ghi nhận ở động vật hoang dã.

Trước đây, người ta từng thấy các loài linh trưởng ăn thực vật hoặc chà thực vật lên cơ thể, hành vi mà các nhà khoa học phán đoán là nhằm xua đuổi bệnh tật hoặc cảm giác khó chịu.


Tuy nhiên, hành vi trên của đười ươi được các nhà nghiên cứu ở Indonesia quan sát vào năm 2022 và đưa tin trên tạp chí Nature Scientific Reports ngày 2/5, là lần đầu tiên một loài động vật hoang dã được phát hiện sử dụng thực vật có tác dụng chữa bệnh cho vết thương.

Bức ảnh trước và sau cho thấy vết thương đã lành trên mặt một con đười ươi Sumatra. (Nguồn: AP)

Các nhà khoa học đang theo dõi một con đười ươi đực có tên "Rakus" tại vườn quốc gia Gunung Leuser ở tỉnh Aceh của Indonesia thì phát hiện một vết thương hở trên mặt con vật.


Ba ngày sau, họ phát hiện Rakus đang nhai lá của cây hoàng đằng (một loại cây dây leo có tên khoa học là Fibraurea tinctoria), được biết đến với các đặc tính y học và từ lâu đã được sử dụng trong y học dân gian địa phương.


Nghiên cứu của các nhà khoa học Indonesia và Đức cho biết, con đười ươi "bắt đầu nhai lá mà không nuốt và dùng ngón tay để bôi nước lá cây từ miệng trực tiếp lên vết thương trên mặt".


Khi ruồi bắt đầu bu vào vết thương, Rakus "bôi toàn bộ vết thương bằng bã lá cho đến khi phần thịt đỏ được phủ kín hoàn toàn bằng lá xanh".

Vào hôm sau, Rakus lại được nhìn thấy ăn lá của dây leo nói trên và một tuần sau vết thương của nó bắt đầu lành lại, sau đó lành hẳn mà không có dấu hiệu nhiễm trùng.


Nghiên cứu trên mô tả hành vi này là "trường hợp đầu tiên được ghi nhận một cách có hệ thống về động vật hoang dã điều trị vết thương tích cực bằng một loài thực vật được biết đến chứa các chất hoạt tính sinh học".

Các nhà nghiên cứu cho biết, không thể chắc chắn hành vi này là cố ý nhưng việc nước và lá được bôi nhiều lần và chỉ bôi vào vết thương cho thấy Rakus đang cố gắng điều trị vết thương của mình.


Các nhà nghiên cứu phát hiện Rakus nhai thân và lá của một loại cây có tên là Akar Kuning - một loại cây có tác dụng chống viêm và kháng khuẩn, thường được người dân địa phương dùng để điều trị bệnh sốt rét và tiểu đường – đắp lên vết thương hở trên mặt. Trong vòng một tháng sau, vết thương của Rakus đã lành hoàn toàn.

Họ suy đoán rằng, con đười ươi có thể tình cờ phát hiện ra phương pháp điều trị này có lẽ bằng cách nhai lá trước rồi phát hiện ra nước lá có tác dụng giảm đau khi vô tình chạm vào vết thương.

Đười ươi có thể học các kỹ năng từ đồng loại thông qua quan sát nhưng các nhà khoa học cho biết, họ không ghi nhận hành vi điều trị vết thương như trên trong 21 năm và 28.000 giờ quan sát trong khu vực vườn quốc gia Gunung Leuser.


Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà thực vật học đã ghi chép lại các loại thực vật mà loài khỉ đột thường sử dụng làm thức ăn ở Vườn Quốc gia Moukalaba-Doudou của Gabon.

cây Fromager (Ceiba pentandra), cây dâu tằm vàng khổng lồ (Myrianthus arboreus), cây gỗ tếch châu Phi (Milicia excelsa ) và cây sung (Ficus).

Cây Fromager (Ceiba pentandra) được các thầy lang địa phương ở Gabon sử dụng để chữa bệnh. (Nguồn: Getty Images)

Người dân bản địa cho biết họ thường sử dụng vỏ của những cây này để chữa nhiều bệnh, từ bệnh dạ dày đến vô sinh.

Theo các nhà nghiên cứu, những loại cây này có chứa các thành phần có tác dụng chữa bệnh như phenol, flavonoid, là các chống oxy hóa mạnh và giảm viêm. Cả 4 loại cây đều cho thấy hoạt tính kháng khuẩn đối với ít nhất một chủng vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc, đó là E.coli.


Tiến sỹ Joanna Setchell, nhà nhân chủng học tại Đại học Durham, Vương quốc Anh, người đã hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học Gabon, cho biết: "Điều này cho thấy loài khỉ đột đã tiến hóa để ăn những loại thực vật có lợi cho sức khỏe của chúng.”

Gabon là một trong những nơi có đa dạng sinh học nhất trên thế giới, với một nguồn dự trữ khổng lồ các loại thực vật có tiềm năng làm thuốc chưa được biết đến.

Những khu rừng rộng lớn tại quốc gia châu Phi này là nơi sinh sống của voi rừng, tinh tinh và khỉ đột. Tuy nhiên, nạn săn trộm và dịch bệnh đã khiến một số lượng lớn loài khỉ đột biến mất khỏi tự nhiên, đưa chúng vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Nghiên cứu về khỉ đột sử dụng dược liệu để chữa bệnh được công bố trên Tạp chí Plos One.

Chia sẻ Facebook