Lần đầu có Hội Giáo dục y học, giáo sư Lê Quang Cường làm chủ tịch
Hội Giáo dục y học Việt Nam được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng y tế và nguồn nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe tương lai.
Ngày 27-5, tại Trường đại học Y - dược TP.HCM đã diễn ra đại hội đại biểu Hội Giáo dục y học Việt Nam lần thứ nhất. Theo đó, giáo sư Lê Quang Cường được bầu làm chủ tịch trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Giáo sư Lê Quang Cường hiện giữ chức phó chủ tịch phụ trách nhóm ngành khoa học sức khỏe, Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ông cũng là nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, giảng viên cao cấp Trường đại học Y Hà Nội.
Các phó chủ tịch của hội bao gồm giáo sư Trần Diệp Tuấn, chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Y - dược TP.HCM; giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, hiệu trưởng Trường đại học Y - dược Huế và giáo sư Tạ Thành Văn, chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Y Hà Nội.
Ông Vũ Chiến Thắng - thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết Hội Giáo dục y học Việt Nam với tôn chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục y học, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết thành viên, bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên, tư vấn cho các chính sách về giáo dục, y học, góp phần phát triển giáo dục và y tế.
Ông Trần Văn Thuấn - thứ trưởng Bộ Y tế - kỳ vọng hội sẽ tham gia phản biện nhằm nâng cao chất lượng y tế cũng như việc đào tạo đội ngũ y tế. "Mọi chính sách về phát triển y tế, chính sách về nhân lực y tế đều với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân", ông Thuấn nói.
Bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo) - cho biết tổng số chỉ tiêu đào tạo bậc đại học trong lĩnh vực sức khỏe hiện lớn thứ 3 ở Việt Nam, chỉ sau 2 lĩnh vực kinh doanh - quản lý và máy tính - công nghệ thông tin.
Bà Thủy cho rằng giáo dục y học hiện đang nhận được sự quan tâm rất lớn. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong số không nhiều lĩnh vực mà trình độ công nghệ của Việt Nam có thể tương đương với những chuẩn mực cao nhất của thế giới.
Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp trung học phổ thông là môn bắt buộc.