Lần đầu ăn thử bánh tráng trộn thấy không ngon, cụ bà tự mở quán riêng

Chia sẻ Facebook
13/11/2022 17:39:51

Ăn thử bánh tráng trộn thấy không vừa ý, cụ bà liền quyết định tự mở tiệm riêng của mình. Tuy nhiên, cách bán của cụ lại rất khác so với nhiều nơi. Nhờ đó mà khách không ngừng kéo đến.

Ở tuổi xế chiều, cụ Nguyễn Thị Tám (hiện 82 tuổi, còn gọi là ngoại Tám) đã “khởi nghiệp” với tiệm bánh tráng trộn đặc biệt, chỉ làm theo khẩu vị khách hàng. Lý do cụ quyết định làm vậy còn rất đặc biệt, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Tiệm bánh tráng của cụ Tám có rất đông người ghé đến. (Ảnh: Thanh Niên)

Ăn thử thấy không ngon, cụ bà tự mở quán bánh tráng trộn

Thanh Niên đăng tải, tiệm bánh tráng trộn của cụ Tám nằm trong một con hẻm sâu trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM). Dù đường đến ngoằn ngoèo là vậy, thế nhưng vẫn có rất nhiều khách ghé đến ủng hộ bà. Thậm chí có những khi mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt. Một số người còn là "khách ruột" của tiệm, mỗi lần không thấy ngoại là phải hỏi ngay.


Chia sẻ về quán, chị Ngọc Quyên (39 tuổi, cháu ngoại cụ Tám) cho biết: "Hàng bánh này ngoại mình mở 10 năm trước, nay có mẹ tôi là con gái duy nhất của cụ, các cháu và chắt trong nhà cùng phụ. Hàng bánh tráng này là 4 thế hệ đó”.

Trước đây khi còn khoẻ, một mình cụ Tám làm hết mọi việc. Thế nhưng thời gian gần đây, vì lãng tai, cộng thêm sức khoẻ không được như xưa, cụ chỉ đành giao việc buôn bán cho con cháu trong nhà phụ giúp. Dù vậy, mọi topping trong bánh tráng vẫn đều do cụ Tám đảm nhiệm, từ đậu phộng, hành phi cho đến tóp mỡ, sa tế...

Mọi nguyên liệu đều do cụ tự mình chuẩn bị. (Ảnh: Thanh Niên)

Bánh tráng được cụ trộn rất cẩn thận. (Ảnh: Thanh Niên)


Kể về hành trình khởi nghiệp của mình, cụ Tám chia sẻ với Thanh Niên: “Hồi đó mấy đứa cháu tôi nó mua bánh tráng trộn về cho tôi ăn, mà tôi thấy ăn không ưng, nên quyết định mở bán, làm theo công thức do mình tự nghĩ ra xem sao. Tự dưng được mấy cháu trẻ ủng hộ, có người không quảng tới xa tới mua, làm bà mừng lắm. Tuổi già mà còn được buôn bán, được gặp khách, bà thấy minh mẫn và khỏe ra. Nghỉ bán, ở không, là trong người mệt”

Sự thân thiện, tươi vui của cụ Tám cũng chính là một điểm thu hút thực khách ghé ăn. Bất kỳ ai đến cũng đều được cụ chiều hết mực. Trước khi trộn gia vị, cụ đều hỏi khách tận tình: cay hay không cay, ăn được món này món kia hay không, trộn khô hay ẩm… Cách ngoại Tám bán hàng chẳng khác gì đang làm cho người nhà. Cụ quan tâm đến sở thích, khẩu vị của từng người sao cho khách ăn ngon và vừa ý nhất.

Trước đây cụ tự mình làm mọi thứ. (Ảnh: Thanh Niên)

Tuy nhiên sau này, cụ phải nhờ đến sự hỗ trợ của con cháu trong nhà. (Ảnh: Thanh Niên)


Chị Nguyễn Thị Thu Tâm (22 tuổi, một trong những khách quen của quán) cho biết: " Bánh tráng của ngoại là ngon khỏi bàn rồi, nhưng tụi mình tới, chui vào hẻm để mua cũng còn là vì mến ngoại. Ngoại Tám thương khách lắm, coi khách như con cháu trong nhà. Hẻm ngoằn ngoèo nhiều khi mình mua bánh xong ra bị lạc, nhưng giờ quen đường rồi”.

Dù không thể tự bán hàng như trước, thế nhưng cụ Tám vẫn rất vui khi thấy nhiều khách ghé đến ủng hộ mình. Cụ cho biết bản thân chưa có ý định đóng cửa quán, hễ còn sức là còn làm. Đối với cụ, hàng bánh tráng này không chỉ là tâm huyết suốt bao năm mà còn là niềm vui tuổi già. Thế nên mỗi ngày cụ đều dành tình yêu, công sức cho nơi đây.

Cụ Tám rất yêu tiệm bánh tráng trộn của mình. (Ảnh: Thanh Niên)

Từng sống trong nghèo khó, cụ bà 71 tuổi quyết mở quán cơm 0 đồng giúp đời

Giống như cụ Tám ở trên, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị My (71 tuổi) và ông Trần Văn Hồng (87 tuổi) cũng có một lý do rất đặc biệt khi quyết định mở tiệm cơm của riêng mình. Báo Dân Sinh đăng tải, bếp cơm 0 đồng của hai ông bà nằm trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tuy nhiên ở đây, khách hầu hết đều là những người có hoàn cảnh khó khăn. Thay vì nhận tiền mặt, chủ quán lại thu về những nụ cười, lời cảm ơn.

Dù tuổi đã cao, thế nhưng hai ông bà vẫn rất tâm huyết với tiệm cơm này. Từ tờ mờ sáng, căn bếp của bà My đã đỏ lửa, cặp vợ chồng già lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu, phục vụ bà con. Từng món đều được hai ông bà chăm chút cẩn thận, từ hương vị cho đến vẻ bề ngoài.


Nói về lý do mở quán, bà My cho biết: "Tại vì lúc xưa gia đình tôi cũng gặp khó khăn, mất đất, mất hết tất cả. Con tôi cũng lang thang, đi học, đi chùa rồi đi làm mướn thành ra tôi hiểu được nỗi khổ của những người mà người ta cần hộp cơm 0 đồng như vậy”.

Dù tuổi đã cao nhưng bà My vẫn cố gắng giữ tiệm cơm của mình. (Ảnh: Báo Dân Sinh)

Hai ông bà luôn cố gắng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Báo Dân Sinh)

Dù tuổi đã cao, thế nhưng những cụ ông, cụ bà ở trên vẫn rất tâm huyết với tiệm ăn của mình. Tuy mỗi người có một lý do khác nhau thế nhưng sự chăm chỉ, cần mẫn của họ vẫn khiến nhiều người trẻ nể phục. Mong rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với các cụ.


Cùng cập nhật nhiều thông tin hấp dẫn tại YAN !

Thay vì tìm quán khác ăn thử, cụ Tám lại không ngần ngại tự mở một tiệm riêng cho mình. Thay vì làm theo những nơi khác, cụ cũng tự mình mày mò, tìm mua các nguyên liệu cho món ăn. Điểm đặc biệt nhất đó là cụ quan tâm đến khẩu vị của từng vị khách. Mỗi người đến quán đều được cụ hỏi han tận tình. Đó có lẽ cũng chính là lý do món ăn cụ làm ra khác biệt hơn so với những nơi khác. Vì vậy mà nhiều người mới quyết định đến ủng hộ cụ.


Xem thêm nhiều thông tin TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook