Lận đận với 2 dự án lớn, SJC còn có gì? (kỳ 2)
Trong những tờ trình ban lãnh đạo CTCP Sông Đà 1.01 (UPCoM: SJC) đưa ra tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, có 1 tờ trình đã không được cổ đông thông qua về việc SJC sẽ giao cho ông Nguyễn Bình Đông - Phó Tổng giám đốc thực hiện thi công dự án Eco Green Tower tại số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đại hội, có đến 99.8% tổng số phiếu biểu quyết không thông qua nội dung này.
Lận đận với 2 dự án lớn, SJC còn có gì? (kỳ 2)
Được biết, Eco Green Tower là dự án chung cư 28 tầng, kết hợp giữa căn hộ và dịch vụ thương mại. Tổng diện tích xây dựng khoảng 3,914m 2 . Chủ đầu tư của dự án là SJC và CTCP Hóa chất.
Tuy có vị trí khá đắc địa, dự án lại bị “vỡ tiến độ” nhiều năm dù theo hợp đồng, chủ đầu tư cam kết giao nhà vào đầu tháng 02/2018. Theo khách hàng mua nhà, sau khi lỡ lượt giao nhà vào tháng 2, SJC trong tháng 06/2018 cam kết giao nhà chậm nhất vào ngày 31/08/2018 nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) - ngân hàng tài trợ vốn cho dự án - cũng cho biết chủ đầu tư chưa thực hiện và hoàn thiện các thủ tục đề nghị phát hành bảo lãnh tới TPBank nên TPBank không có có cơ sở thực hiện bảo lãnh đối với người mua căn hộ tại dự án này.
Sau hơn 1 năm chậm thời hạn bàn giao nhà, ngày 13/05/2019, HĐQT SJC ra quyết định về việc thông qua phương án bán hàng tại dự án này đối với căn hộ còn lại, sàn thương mại, quyền khai thác sàn để xe, thời điểm bán hàng cho CTCP Tập đoàn quốc tế HTK .
Đến ngày 31/07/2019, HĐQT SJC tiếp tục có quyết định về việc chuyển nhượng dự án Eco Green Tower cho Công ty TNHH Thương Mại và Đầu tư Bất động sản Bình Minh. Theo đó, SJC sẽ chuyển nhượng toàn bộ thương phẩm còn lại và các quyền khai thác tại Eco Green Tower gồm: toàn bộ căn hộ được chào bán cho người mua (tổng diện tích khoảng 16,171m 2 sàn thông thủy); toàn bộ diện tích sàn thương mại thuộc sở hữu và/hoặc phân chia cho SJC (khoảng 1,708m 2 ); toàn bộ diện tích để xe và/hoặc quyền khai thác sàn để xe cùng các quyền khai thác dịch vụ khác tại dự án thuộc sở hữu và/hoặc phân chia cho SJC .
Công ty Bình Minh được thành lập vào năm 2017, do ông Khúc Duy Đáng (sinh năm 1968) làm Giám đốc và đại diện pháp luật. Công ty này có trụ sở tại tầng 9, số 36 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Công ty có vốn 50 tỷ đồng, do bà Phạm Thị Phương Lan (sinh năm 1977) và ông Hoàng Thế Dũng góp mỗi người 50%. Bà Lan còn là Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp và Thương mại Tấn Phát. |
Tuy nhiên, vào đầu tháng 08/2019, tại địa chỉ thực hiện dự án lại để biển Viễn Đông Star thuộc chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Viễn Đông. Công ty Bình Minh không thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Công nghiệp Viễn Đông.
Dù vậy, tại ngày 30/09/2022, SJC vẫn ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn hơn 10.2 tỷ đồng đối với Công ty Bình Minh.
Trước dự án Eco Green Tower, SJC cũng từng vướng phải lùm xùm quanh dự án Tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp Vinafor (tên thương mại Hanoi LandMark 51, sau đổi thành Tòa nhà Tokyo Tower).
Dự án có quy mô 4,557m 2 với chiều cao xây dựng 51 tầng nổi (5 tầng trung tâm thương mại) và 4 tầng hầm để xe. Dự án do SJC và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - CTCP ( Vinafor , HNX : VIF ) cùng làm chủ đầu tư. Tại thời điểm công bố dự án (2015), đây là tòa nhà cao thứ 3 Hà Nội, chỉ sau Kaengnam và Lotte.
Dự án do Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam ( PVcomBank ) bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai với giá trị bảo lãnh 1,000 tỷ đồng. HĐQT SJC đã sử dụng tài sản đảm bảo thế chấp là toàn bộ dự án. Tuy nhiên, lùm xùm lại bắt đầu từ đây.
Cụ thể, vào năm 2018, PVcomBank thông báo sẽ thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ để xử lý nợ xấu, trong đó có tòa nhà Tokyo Tower của SJC . Tuy nhiên, phía SJC lại cho rằng việc ngân hàng thu giữ tài sản là không phù hợp.
SJC cho biết, việc PVcomBank thu giữ tài sản bảo đảm trước khi được ĐHĐCĐ thông qua là không phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp. Đồng thời, ngân hàng này đã yêu cầu SJC tự nguyện bàn giao dự án mà không thông báo cho các bên liên quan (đồng chủ đầu tư Vinafor , các khách hàng, nhà đầu tư, nhà thầu…) là không khách quan, minh bạch. Ngoài ra, thời gian mà SJC và Vinafor vẫn là chủ đầu tư của dự án thì PVcomBank đã vượt quá phạm vi xử lý tài sản bảo đảm như tổ chức làm việc với khách hàng mua nhà, cho đối tượng lạ vào khai thác sử dụng dự án.
Phía PVcomBank phản hồi rằng việc thu giữ tài sản đảm bảo đều thực hiện theo Nghị quyết 42/2017/QH14. Việc PVcomBank làm việc với khách mua nhà là dựa trên cơ sở người mua muốn thu hồi số tiền đã đầu tư mua căn hộ.
PVcomBank sẽ xử lý Tokyo Tower theo 2 bước. Trước tiên, PVcomBank thuê đơn vị kiểm toán độc lập để định giá công nợ của dự án. Sau đó, tài sản sẽ được ngân hàng bán đấu giá theo quy định. Số tiền thu được sẽ được trừ vào khoản vay của SJC tại PVcomBank , số tiền còn lại sẽ được trả lại cho SJC để giải quyết nghĩa vụ với bên thứ 3.
Trong BCTC quý 3/2022, cả hai dự án Eco Green Tower và Tokyo Tower đều không còn được ghi nhận tại khoản mục tài sản dở dang của SJC .
Bên cạnh các dự án trọng điểm đều bị chậm tiến độ, hoạt động công bố thông tin của SJC trên phương diện một công ty đã lên sàn cũng có nhiều điểm đáng quan ngại. Cụ thể, Công ty này đã không họp ĐHĐCĐ thường niên kể từ năm 2019 đến nay. Năm 2022, dù họp ĐHĐCĐ bất thường nhưng Công ty vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Hệ quả là nhiều năm nay, Công ty không hề công bố kế hoạch kinh doanh cho từng năm.
Không chỉ bất cập trong việc tổ chức ĐHĐCĐ, SJC cũng không công bố nhiều báo cáo quan trọng như báo cáo thường niên, BCTC kiểm toán. Báo cáo thường niên và BCTC kiểm toán gần nhất mà Công ty công bố là của năm 2017.
Việc không công bố BCTC kiểm toán trong liên tiếp 3 năm 2018 - 2020 đã khiến cổ phiếu SJC bị hủy niêm yết trên sàn HNX và chuyển về sàn UPCoM từ tháng 6/2021. Dù đã chuyển xuống UPCoM, cổ phiếu SJC vẫn tiếp tục bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần).
Kỳ 1: Ca sĩ “Chiếc khăn gió ấm” Khánh Phương tham gia HĐQT công ty bất động sản, cổ phiếu tăng 840% dù thua lỗ