Lấn cấn thanh toán BHYT đối với dịch vụ trên máy đặt, máy mượn ở bệnh viện: Giải quyết ra sao?
Sau các công văn được cho là 'đá qua đá lại' chưa có hồi kết giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam liên quan việc thanh toán BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn - máy đặt tại các bệnh viện, các bệnh viện đang lúng túng và người bệnh lo lắng.
Vấn đề đặt ra là tại sao hầu hết các bệnh viện trên cả nước hiện nay đều sử dụng máy đặt hoặc mượn từ các công ty trúng thầu vật tư hóa chất thay vì tự chủ mua sắm trọn gói? Nếu tiếp tục duy trì hình thức chi trả BHYT cho các loại hình dịch vụ này sẽ mang lại những lợi ích gì cho ngân sách - bệnh viện - người bệnh?
Việc áp dụng thanh toán BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn - đặt là nhu cầu thực tế, đảm bảo hài hòa các lợi ích về ngân sách nhà nước - tài chính của bệnh viện và chăm sóc sức khỏe của người bệnh trong bối cảnh eo hẹp tài chính hiện nay.
Giám đốc một bệnh viện tại TP.HCM
"Một thực tiễn khách quan mang tính lịch sử"
Các khoa sinh hóa và vi sinh của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) là nơi thường xuyên thực hiện các xét nghiệm viêm gan B, C và HIV. Ước tính tại khoa vi sinh, mỗi ngày có 1.000 xét nghiệm các loại, còn khoa sinh hóa khoảng 32.000 xét nghiệm. Tất cả các xét nghiệm này đều được thực hiện trên máy đặt - mượn từ các đơn vị trúng thầu hóa chất, vật tư.
"Nếu BHYT không chi trả, đồng nghĩa với việc một bệnh nhân sẽ phải trả 100.000 đồng/xét nghiệm tại khoa vi sinh", một bác sĩ nhẩm tính.
Khi nghe thông tin BHYT ngưng chi trả các khoản sử dụng máy này, ông T.K.V. (45 tuổi, quê Đồng Nai) liên tục phải vào bệnh viện theo dõi điều trị bệnh viêm gan B, lo lắng: "Không phải tôi mà nhiều người bệnh đang sử dụng BHYT sẽ gặp khó".
Bởi vậy trong công văn hỏa tốc gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nhấn mạnh việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn - đặt của đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất là "một thực tiễn khách quan mang tính lịch sử". "Đây là một hình thức phù hợp với thực tiễn và tối cần thiết để duy trì hoạt động của bệnh viện trong điều trị, chăm sóc sức khỏe chính đáng cho người bệnh", ông nói.
Khẳng định "tất cả vì quyền lợi chính đáng về tài chính của Nhà nước và sức khỏe của bệnh nhân BHYT", bệnh viện này đã nhiều lần "khẩn thiết" kiến nghị tiếp tục được thanh toán theo chế độ BHYT đối với chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn - đặt, hoặc có lộ trình cho phép chuyển đổi dần sang giải pháp khác thay thế.
Vậy tại sao các bệnh viện phải sử dụng máy mượn - đặt? Theo lý giải từ Bệnh viện Chợ Rẫy, lâu nay các cơ sở y tế công lập chưa được đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại như thiết bị cận lâm sàng, xét nghiệm.
Phần lớn các trang thiết bị hiện có là tài sản công đã cũ kỹ, xuống cấp, năng suất thấp, lạc hậu cả về chức năng lẫn tuổi thọ. Trong khi các hệ thống xét nghiệm được các đơn vị trúng thầu cho mượn hoặc đặt đều là hệ thống mới, luôn cập nhật, bảo trì, bảo hành và đào tạo không tính phí. Điều này mang lại lợi ích tối đa trong khám chữa bệnh.
"Và nếu áp dụng, bệnh viện không phải chi nguồn kinh phí trong bối cảnh giá cả đầu tư các hệ thống xét nghiệm lên đến vài chục tỉ đồng, vượt quá khả năng của các cơ sở y tế, đặc biệt với đơn vị được giao tự chủ thu chi thường xuyên, thu viện phí theo cơ chế một phần viện phí như Bệnh viện Chợ Rẫy", bệnh viện lý giải.
Ngoài ra các hệ thống xét nghiệm đều sử dụng hóa chất "đóng", tức theo từng loại máy của hãng sản xuất. Do đó nếu mua hệ thống máy lại phải đấu thầu mua hóa chất tương thích với máy, gây lãng phí.
Đặc biệt hệ thống máy xét nghiệm hiện nay đều vận hành theo cơ chế tự động, có thể cùng lúc thực hiện nhiều tính năng - danh mục kỹ thuật lớn vừa chính xác, công suất cao, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh. Điều này giúp ích trong chẩn đoán chuyên sâu, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo tuyến.
Nếu BHXH ngưng thanh toán thì sao?
Các công văn được cho là "đá qua đá lại" vừa qua và chưa có hồi kết giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang đặt các bệnh viện vào thế lúng túng. Thậm chí Bệnh viện Hùng Vương đành phải áp dụng theo công văn 1261 của BHXH Việt Nam.
Bà Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc bệnh viện này - nói rằng nếu chỉ có công văn từ Bộ Y tế, đơn vị còn cân nhắc áp dụng hình thức thanh toán BHYT cho người bệnh khi sử dụng các dịch vụ trên máy mượn - đặt, đằng này BHXH Việt Nam - đơn vị quyết định việc chi tiền BHYT hay không - đã có quy định rõ ràng, do đó buộc đơn vị phải thực hiện, nếu không sẽ không biết lấy đâu tiền bù vào khoản không được thanh toán.
"Số lượng máy đặt hoặc mượn của bệnh viện không nhiều, nếu có chỉ là một số xét nghiệm nho nhỏ nên các loại chi phí cũng không lớn. Nhưng rõ ràng việc quy định như thế này từ phía cơ quan bảo hiểm là không được", bà Tuyết chia sẻ.
Dù các công văn vừa được gửi đi, nhưng ước tính khoản mà các đơn vị phải bù lỗ là hiện hữu. Như toàn TP.HCM hiện có khoảng 185 cơ sở khám chữa bệnh BHYT, bình quân chi phí xét nghiệm mỗi ngày cho bệnh nhân BHYT tại TP.HCM trên 4 tỉ đồng.
Theo thống kê từ UBND TP.HCM, từ khi thực hiện công văn số 2348 của Bộ Y tế (9-5) đến hết ngày 12-5, chi phí xét nghiệm cho người tham gia BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh ước tính khoảng 16 tỉ đồng và sẽ không được thanh toán BHYT nếu theo công văn số 1261 của BHXH Việt Nam.
"Nếu bỏ tiền mua đứt hệ thống máy xét nghiệm thì ngân sách phải chi số tiền rất lớn, còn nếu bệnh viện đi vay kích cầu để mua buộc chúng tôi phải tính tiền khấu hao, tức thu thêm đồng chi trả từ phía người bệnh.
Không chỉ tốn kém tiền bạc, khi mua đứt dù biết máy có lỗi thời chúng tôi vẫn phải ôm để sử dụng, trong khi ngoài thị trường liên tục cập nhật nhiều loại máy hiện đại có lợi cho người bệnh", vị này phân tích và cho rằng chỉ khi sử dụng máy mượn - đặt thì bệnh viện mới có "quyền tự quyết những gì tốt nhất cho người bệnh", giám đốc một bệnh viện đa khoa hạng 1 tại TP.HCM nói.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - cho biết nếu phải tạm dừng thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn - đặt thì các bệnh viện "rất kẹt", bởi hầu như đơn vị nào cũng đang sử dụng theo hình thức này.
Ông dẫn chứng có nhiều bệnh viện ở tuyến tỉnh đấu thầu rất bài bản để mua trang thiết bị về sử dụng theo đúng quy định nhưng thực tế lại có máy "trùm mền" bởi khó mua hóa chất tương thích.
Nhu cầu dùng máy mượn, máy đặt rất lớn
Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho biết nhu cầu trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, đặc biệt xét nghiệm huyết học, vi sinh, sinh hóa, miễn dịch, hóa mô miễn dịch, sinh học phân tử... rất lớn. Ước tính mỗi năm thực hiện 4 triệu xét nghiệm sinh hóa - miễn dịch, 1 triệu xét nghiệm huyết học - vi sinh, 35.000 xét nghiệm hóa mô miễn dịch và 10.000 xét nghiệm sinh học phân tử.
Đây đều là các xét nghiệm thiết yếu, chuyên sâu trong từng chuyên khoa và hầu hết đều được cơ quan BHXH thanh toán. Trong khi đó đa số các thiết bị thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm này đều là máy mượn hoặc đặt.
"Nếu dừng việc thanh toán BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật này sẽ khiến bệnh viện gặp khó khăn, thậm chí phải tạm dừng nhiều hoạt động khám chữa bệnh liên quan đến xét nghiệm. Đặc biệt quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT cũng bị ảnh hưởng, trong khi bệnh viện không có kinh phí chi trả cho xét nghiệm nếu BHYT không thanh toán", Bệnh viện K gửi kiến nghị.
Đặc biệt như Bệnh viện Chợ Rẫy, là bệnh viện đa khoa tuyến cuối duy nhất đóng tại TP.HCM, nơi tiếp nhận bệnh nhân nặng, vượt khả năng điều trị của các bệnh viện tỉnh thành phía Nam và Tây Nguyên có đến 80% hệ thống máy xét nghiệm hiện hoạt động tại bệnh viện là máy mượn - đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất.
"Danh mục kỹ thuật được thực hiện trên các máy này là những xét nghiệm thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Mỗi năm chúng tôi nhận khám chữa bệnh cho hơn 1,5 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú (BHYT chiếm tới 60%) và 150.000 lượt bệnh nhân nội trú (BHYT chiếm 80%), do đó số lượng bệnh nhân chi trả BHYT là rất lớn", báo cáo của bệnh viện nêu.
Các bệnh viện kiến nghị gì?
Liên quan vấn đề nêu trên, các bệnh viện tuyến cuối đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế như Trung ương Huế, K, Chợ Rẫy, Thống Nhất đều đã có kiến nghị gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng việc mua máy xét nghiệm, chẩn đoán cần đầu tư với số tiền rất lớn, nhưng lại rất dễ xảy ra tình trạng lãng phí máy móc, thiết bị khi vật tư, hóa chất kèm máy không trúng thầu. Vì thế cần phải có lộ trình 6 - 12 tháng để bệnh viện chuyển hình thức từ mượn hoặc đặt máy sang hình thức thuê máy theo quy định của nghị định số 151 của Chính phủ và theo phân cấp của Bộ Y tế.
Tương tự, Bệnh viện K đề xuất cần có thời gian chuyển đổi ít nhất 6 tháng để các bệnh viện có kế hoạch và triển khai đầu tư, mua sắm hoặc thuê trang thiết bị xét nghiệm đảm bảo công tác chuyên môn phục vụ người bệnh. Trong thời gian chuyển đổi, tiếp tục được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật trên máy mượn, máy đặt.
Vừa "kêu" vừa thanh toán cho bệnh nhân
Khảo sát của Tuổi Trẻ tại Hà Nội, hiện Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn đang tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh, xét nghiệm bằng BHYT cho các kỹ thuật phải dùng máy đặt, máy mượn trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ Y tế, bên cạnh việc đã gửi văn bản đến Bộ Y tế.
Theo ông Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức , hiện có khoảng 80% các xét nghiệm thực hiện trên máy mượn - máy đặt tại bệnh viện.
"Bệnh viện Việt Đức là một trong những bệnh viện tuyến đầu, lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh hằng ngày là rất lớn. Hiện bệnh viện vẫn đang giữ nguyên các quyền lợi xét nghiệm cho tất cả bệnh nhân có BHYT để không làm ảnh hưởng đến bệnh nhân. Chúng tôi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam", ông Giang nói.
Cũng chung tình trạng, ông Đào Xuân Cơ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai , cho biết bệnh viện đã có văn bản gửi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị thanh toán chế độ BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy mượn - máy đặt từ các công ty trúng thầu vật tư, hóa chất.
Do văn bản của Bộ Y tế và BHXH về việc dừng chi trả phí bảo hiểm cho bệnh nhân sử dụng máy mượn - máy đặt ban hành ngày 9 và 12-5, trong đó có 2 ngày cuối tuần ít bệnh nhân nên hầu như chưa có bệnh viện nào dừng chi trả cho bệnh nhân sử dụng BHYT. Tuy nhiên tin tức về việc này đã khiến bệnh nhân rất lo lắng.
Bà H.T.N. (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) được chẩn đoán xác định mắc u ác trực tràng và được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Cầm hóa đơn viện phí trên tay, bà N. nói: "Tổng chi phí khám chữa bệnh của tôi gần 22 triệu đồng, trong đó quỹ BHYT thanh toán 80%, tức gần 15 triệu, còn lại số tiền người bệnh cùng chi trả (20%) gần 4 triệu đồng.
Trong quá trình điều trị, tôi phải thực hiện các chẩn đoán hình ảnh, sử dụng thuốc, dịch truyền, nếu không có BHYT sẽ rất tốn kém. Nông dân như chúng tôi nếu BHYT không chi trả cho việc khám chữa bệnh này thì chúng tôi sẽ rất khó khăn".
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương , ông Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc bệnh viện, cho biết bệnh viện đã tiến hành trả hết máy đặt, máy mượn từ cách đây vài tháng.
"Hiện nay 100% máy móc thiết bị được sử dụng tại bệnh viện là máy mua và máy viện trợ. Việc chuyển từ máy đặt, máy mượn sang máy mua đã có lộ trình thay thế nên bệnh viện đã thực hiện. Bệnh viện không gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi này", ông Cấp thông tin.
D.LIỄU - L.ANH
Trước mắt thực hiện hết hợp đồng
Trước việc nhiều bệnh viện cùng có ý kiến, ông Nguyễn Hoàng Long, vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho hay Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã họp bàn để đưa ra hướng giải quyết dự kiến cho các đơn vị.
"Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị BHXH Việt Nam tiếp tục thanh toán BHYT với máy mượn, máy đặt tại các cơ sở y tế. Các bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký kết với các công ty trúng thầu cho đến khi hết hạn hợp đồng. Nếu có chuyển đổi sang hình thức khác, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện", ông Long cho hay.
Máy đặt, máy mượn cũng có "lùng nhùng"
Trong hơn 10 năm qua, đã nhiều lần Bộ Y tế và BHXH Việt Nam có những điều chỉnh, thay đổi chính sách liên quan đến máy mượn, máy đặt tại bệnh viện, do đã có những vụ việc phức tạp, "lùng nhùng" về giá hóa chất, vật tư sử dụng cho máy mượn, máy đặt, giá dịch vụ...
Gần nhất là văn bản 2009 năm 2018 của Bộ Y tế, cho biết từ 2017 BHXH Việt Nam đã khẳng định "không có cơ sở thanh toán chi phí dịch vụ thực hiện bằng máy mượn hoặc đặt tại các cơ sở y tế".
"Trong khi cho đến nay phần lớn các máy bệnh viện mượn, đặt vẫn thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán cơ bản, nếu không có các máy này thì nhiều bệnh viện không khám chữa bệnh được, nếu bảo hiểm không thanh toán thì các bệnh viện phải thu của người có thẻ bảo hiểm", Bộ Y tế giải thích từ 2018.
Trong khi chờ chính sách, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, với các dịch vụ thực hiện trên máy mượn hoặc đơn vị trúng thầu hóa chất đặt tại bệnh viện cho đến khi hết hợp đồng đã ký, sau này nếu tiếp tục sử dụng máy đó phải chuyển sang thuê theo Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên thực tế sau văn bản 2009, tại các bệnh viện lại tiếp tục phát sinh thêm việc mượn máy hoặc đơn vị trúng thầu hóa chất, vật tư đặt máy tại bệnh viện. Điều này dẫn đến các xung đột lợi ích về việc giá dịch vụ dùng máy mượn, đặt, hoặc giá hóa chất trúng thầu thực ra đã bao gồm cả chi phí máy móc, khó tách bạch giá cả... vẫn kéo dài cho đến nay.
Lùm xùm chưa dừng lại
Từ đó BHXH Việt Nam cho biết ngày 9-5 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản bãi bỏ công văn 2009 năm 2018 mà không trao đổi với cơ quan bảo hiểm. Về lý, việc bãi bỏ công văn này nghĩa là bãi bỏ đề nghị tiếp tục thanh toán chi phí cho người bệnh sử dụng thiết bị mượn, đặt tại bệnh viện.
Ngày 12-5, phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng có văn bản gửi BHXH các tỉnh thành, ngành, thông báo dừng thanh toán chế độ BHYT với các dịch vụ sử dụng máy mượn, đặt, đồng thời báo cáo tình hình máy mượn, đặt trước 20-5.
Tuy nhiên ngày 15-5, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cùng có thông báo cho rằng 2 công văn kể trên vẫn còn cần phải "bàn thêm". Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-5, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết sáng cùng ngày, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã cùng bàn và thống nhất sẽ tiếp tục thanh toán chi phí cho máy mượn, đặt cho đến hết hợp đồng mà các bệnh viện đã ký, sau đó sẽ chuyển sang các hình thức phù hợp quy định pháp luật như thuê máy; cho tặng máy hoặc liên doanh, liên kết.
Như vậy sau hơn 4 năm, hai ngành y tế, bảo hiểm lại tiếp tục "thống nhất" các điều y như họ đã bàn và chốt thời điểm dừng từ 2018 vì viện mượn máy, đơn vị trúng thầu hóa chất đặt máy tại bệnh viện là không đúng với quy định hiện hành. Tuy nhiên việc "không đúng" lại tiếp tục phải kéo dài. Và kéo theo đó là những lùm xùm về giá dịch vụ, về đấu thầu... xung quanh thiết bị y tế mượn, đặt ở bệnh viện chưa dừng lại.
L.ANH - D.LIỄU
Bãi bỏ văn bản hành chính được không?
Nhiều ý kiến cho rằng việc Bộ Y tế có công văn bãi bỏ văn bản 2009 năm 2018 gây xôn xao vừa qua là chưa đúng về thể thức do văn bản hành chính là không hồi tố nên không thể bãi bỏ, mà chỉ có hình thức sửa đổi, thay thế hoặc thu hồi.
Ngày 15-5, BHXH Việt Nam có văn bản đề xuất Bộ Y tế cho ý kiến tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán BHYT với máy mượn, máy đặt tại các cơ sở y tế.