Lặn biển 'săn' nhum, ngư dân Quảng Ngãi phấn khởi thu bạc triệu
Ngâm mình ngụp lặn suốt hàng giờ đồng hồ ở khu vực biển gần bờ, ngư dân Quảng Ngãi "bỏ túi" bạc triệu mỗi ngày nhờ nhum được mùa, được giá.
Những ngày này, đi dọc các địa phương vùng biển bãi ngang như Bình Hải, Bình Châu (huyện Bình Sơn) hay Phổ Châu (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), không khó để bắt gặp hình ảnh ngư dân tất bật "săn" nhum biển - loài động vật nhuyễn thể, xù xì, đầy gai nhọn, có họ hàng với trai, sò.
Cũng như nhiều ngư dân địa phương, từ tháng 5 đến tháng 8 Âm lịch hằng năm, ông Thái Văn Cường (trú thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải) tạm gác lại các chuyến vươn khơi xa để tập trung cho vụ chính khai thác nhum ở vùng biển gần bờ. Địa điểm mà ông Cường cùng 2 bạn thuyền của mình thường xuyên lặn "săn" nhum biển là khu vực Gành Yến.
Theo ông Cường, ngư cụ để hành nghề lặn bắt nhum rất đơn giản. Chỉ với cây sắt dài tầm 2 mét được bẻ cong một đầu như lưỡi câu cùng chiếc vợt đựng nhum, kính lặn, bình hơi là có thể giong chiếc thúng nhỏ ra khu vực cách bờ chừng 100 mét để "săn" nhum.
"Khi đã xác định được vị trí, chúng tôi sẽ lặn sâu xuống mặt nước, dùng cây móc sắt giật khẽ. Chờ nhúm biển dính vào là chỉ việc kéo lên, bỏ vào vợt. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng nghề này đòi hỏi kỹ năng, sức khỏe tốt bởi khi lặn xuống độ sâu mấy chục mét, chịu áp suất lớn, người yếu là không chịu nổi. Đặc biệt, nếu không cẩn thận sẽ bị gai nhum đâm vào cơ thể, đau nhức mấy ngày trời; thậm chí gai đâm vào người không rút ra được, lâu dần mới tự tiêu", ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường, trung bình một ngày, ông cùng 2 bạn thuyền trầm mình ngụp lặn ở Gành Yến khoảng 6 tiếng đồ hồ và bắt được 5 tạ nhum, sau khi tách vỏ sẽ cho khoảng 20 - 25kg thịt nhum. "Mỗi ký thịt nhum dao động từ 200.000 - 250.000 đồng. Năm nay, nhum được mùa lại được giá nên chúng tôi hết sức phấn khởi", ông Cường nói.
Nhum sau khi bắt lên bờ sẽ được dùng dao để tách làm đôi, sau đó nạo phần ruột ra và vứt phần vỏ. Theo kinh nghiệm của ngư dân, để có thịt nhum ngon, việc tách ruột nhum phải hết sức tỉ mỉ, tách làm sao không để thịt lẫn với ruột và gân máu thì khi chế biến mới không bốc mùi tanh.
Ngoài ăn sống, nướng và nấu cháo, loài nhuyễn thể này còn được người dân ven biển ở Quảng Ngãi chế biến thành mắm nhum vang tiếng khắp vùng./.