Làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, người lao động cần chú ý gì?
Chính phủ đồng ý tiếp tục thí điểm đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có những lưu ý với người dân để tránh “tiền mất tật mang”.
Ông Nguyễn Gia Liêm, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, đã có những chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về chương trình đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ.
* Thưa ông, Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thí điểm đưa người lao động sang Hàn Quốc làm thời vụ theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước, cụ thể chương trình này ra sao?
Chính phủ đã đồng ý tiếp tục thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc và giao cho các địa phương thực hiện, trên cơ sở hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương Hàn Quốc trong thời hạn 3 tháng hoặc 5 tháng theo visa C-4 hoặc E-8.
Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã xin ý kiến các bộ ngành để có văn bản hướng dẫn chung cho địa phương từ đàm phán, trao đổi, ký kết hợp đồng cũng như tổ chức, đào tạo, quản lý người lao động, các biện pháp ngăn cản người lao động vi phạm hợp đồng như tự ý ở lại Hàn Quốc.
Chủ trương đã được báo cáo Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu của phía Hàn Quốc và các địa phương, là cơ hội để những người nông dân thực thụ không có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài vì lý do kinh tế, khả năng trình độ, kỹ năng nghề thì có thể tham gia chương trình này.
Phía Hàn Quốc và Bộ Lao động - thương binh và xã hội đề nghị các địa phương thuộc chương trình tuyển chọn người lao động làm nông nghiệp hoặc ngư nghiệp từ 25 - 40 tuổi. Những người này khi sang Hàn Quốc có cơ hội làm việc quen thuộc như ở Việt Nam, đồng thời học hỏi thêm kỹ năng canh tác, trồng trọt, bảo quản nông sản sau thu hoạch…
Chi phí đi Hàn Quốc khoảng 20-30 triệu đồng, tuy nhiên thu nhập khi đi làm được 40 triệu đồng/tháng, làm việc 3 tháng có thể thu nhập 120 triệu đồng. Trừ đi các chi phí khác, người lao động có thể tiết kiệm được khoảng 80 triệu đồng khi về nước.
* Theo ông, chương trình thí điểm đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ từ năm 2018 đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm gì?
Thực tế, có tình trạng người lao động sang Hàn Quốc không biết làm nông nghiệp hoặc đi vì mục đích khác. Cách tổ chức quản lý, đào tạo cũng để xảy ra tình trạng người lao động bỏ ra ngoài làm thêm, dẫn đến nước sở tại không chấp nhận địa phương đó nữa.
Chi phí tham gia chương trình lớn, do đó các địa phương cần có hỗ trợ bà con một phần hoặc cho vay vốn từ ngân sách. Chẳng hạn, Đồng Tháp và Đà Nẵng có chính sách hỗ trợ bà con thủ tục hành chính khá hiệu quả.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội cũng đề nghị các địa phương minh bạch, công khai các khoản chi phí mà người lao động phải chi trả hoặc địa phương hỗ trợ để tham gia chương trình. Mục đích để tránh các tổ chức, cá nhân lợi dụng, lừa đảo quen biết, giúp đỡ đi Hàn Quốc với chi phí rất lớn dù thực tế không phải vậy.
* Ngoài Hàn Quốc, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tại các nước thời gian tới ra sao, thưa ông?
Nhu cầu đối với lao động thời vụ rất lớn. Sau đại dịch COVID-19, năm 2022 Hàn Quốc đưa ra hạn ngạch 11.550 người cho tất cả các nước, nhưng ưu tiên người lao động đến từ Thái Lan, Philippines, đặc biệt là Việt Nam do tương đồng văn hóa.
Ngoài Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã hợp tác với Úc, Đài Loan, Nhật Bản về lao động thời vụ làm nông nghiệp. Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh làm việc tại các gia đình người Nhật. Đây không chỉ là cơ hội giúp nông dân Việt Nam cải thiện thu nhập mà còn là giúp mở mang kiến thức về kỹ năng canh tác, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm từ nước bạn. Điều này rất tốt cho người nông dân vì nhiều lúc sản xuất, khâu tiêu thụ sản phẩm hạn chế.
Việt Nam đang đàm phán với Israel về lĩnh vực nông nghiệp, đây là đất nước rất khắc nghiệt về khí hậu nhưng lại có nền nông nghiệp phát triển hiện đại. Hiện, hai nước đang hợp tác đưa sinh viên các trường nông lâm sang thực tập tại Israel.
* Hiện nay thực trạng lừa đảo xuất khẩu, đối tượng lừa đảo xuất hiện ở nhiều nơi, ông có khuyến cáo gì cho người lao động?
Qua nắm bắt, có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương, chương trình này để nói rằng có thể giúp người lao động ở các địa phương khác hoặc chính tại địa phương đó được tham gia chương trình này. Đây là việc sai hoàn toàn.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tuyên truyền, đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý, ngăn chặn lừa đảo. Không có chuyện chuyển khẩu, nơi cư trú từ Hà Nội, hoặc địa phương không có hợp tác lao động thời vụ với Hàn Quốc để đến địa phương có thí điểm để làm thủ tục.
Người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở Lao động - thương binh và xã hội và Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc số điện thoại của Cục Quản lý lao động ngoài nước 024.38249517, website: dolab.gov.vn.
* Cảm ơn ông!
Hiện có 9 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hà Nam, Cà Mau, Quảng Bình đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và đưa được gần 1.000 lao động đi.
Có 8 tỉnh đang xúc tiến đàm phán để ký thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc gồm Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Định, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Ninh Thuận và Thái Nguyên.
Gần đây, tại tỉnh Phú Yên, một số đối tượng đã sử dụng các chiêu thức tuyển dụng qua tin nhắn mạng xã hội để lừa đảo. Có người tin và làm theo các hướng dẫn tuyển dụng đã bị sập bẫy, mất tiền trong tài khoản cá nhân.