Làm văn phòng 8 năm, cô gái tiết kiệm được vỏn vẹn 60 triệu ở Hà Nội

Chia sẻ Facebook
30/08/2022 17:02:30

Ở tuổi 30, sau gần 10 năm ra trường, chị N.T.H vẫn sống một mình trong căn phòng vỏn vẹn mấy chục mét vuông, không dám yêu ai vì tiền tiết kiệm chỉ đủ để nuôi bản thân.

Các bạn sinh viên mới ra trường hoặc đang chuẩn bị ra trường luôn phải đối mặt với vấn đề tìm được công việc và mức lương phù hợp để duy trì cuộc sống. Nhiều người nghĩ rằng với công việc như dân văn phòng sẽ có thể ổn định cuộc sống và phát triển bản thân. Tuy nhiên, với cô gái N.T.H, sau nhiều năm ra trường, tìm việc và đi làm, thứ chị nhận lại được lại chẳng đáng là bao.

Mức lương văn phòng ít ỏi khiến việc tiết kiệm khó khăn với nhiều người trẻ. (Ảnh minh họa: Pinterest)


30 tuổi vẫn gần như “trắng tay”

VietNamNet viết, chị N.T.H. năm nay đã hơn 30 tuổi, là nhân viên của một công ty truyền thông tại Thanh Xuân (Hà Nội). Ở cái tuổi trẻ không phải trẻ, già cũng chưa già, chị H. gần như trắng tay sau 8 năm làm văn phòng. Với chị, mỗi lần về quê là mỗi lần áp lực đè nặng lên đôi vai. Ngoài sự lo lắng của bố mẹ và người thân trong gia đình, chị còn nhận được những ánh nhìn không mấy tích cực từ người khác.

Lương thấp đồng nghĩa với việc sẽ nhận được nhiều ánh mắt soi xét từ người khác. (Ảnh minh họa: VietnamPlus)

Được biết, năm 2014, chị H. ra trường và bắt đầu nộp hồ sơ vào một công ty truyền thông với mức lương ban đầu chỉ có 7 triệu đồng. Số tiền này mỗi tháng chị chi tiêu hết 6 triệu đồng, từ tiền nhà, tiền ăn rồi vô vàn các khoản chi tiêu khác. 1 triệu còn lại, chị gửi về cho bố mẹ ở quê.

4, 5 người cùng nhau thuê trọ là cách tối ưu để tiết kiệm tiền. (Ảnh: Ohanaliving)

Những năm tiếp theo, mức lương của chị H. tăng lên 8 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng/1 tháng. Chị vẫn cố gắng chi tiêu ở mức cũ, mỗi tháng gửi về quê 2 triệu đồng, 1 triệu đồng còn lại tiết kiệm. Vì vậy, mỗi năm chị H. cũng dành dụm được khoảng 12 triệu đồng.

Công ty của chị thì chẳng có khoản thu nhập nào khác, chỉ có lương cứng. Thưởng Tết mỗi năm chỉ một tháng lương nên chị H. cũng đưa bố mẹ gần hết và chỉ giữ 2-3 triệu đồng tiêu Tết. Từ năm thứ 7, chị H. được tăng lương lên 12 triệu đồng/tháng. Như cũ, chị vẫn gửi về quê và trong năm ngoái, số tiền chỉ tiết kiệm được 36 triệu đồng.

Tuy nhiên, do một người bạn quyết định bán xe máy do không hợp phong thủy, chị H. đã quyết định mua lại với giá 30 triệu đồng. Còn chiếc xe số “cà tàng” đi lâu nay, chị gửi về quê cho em trai lái đi học.

Bán hàng online là công việc được nhân viên văn phòng lựa chọn để tăng thêm thu nhập. (Ảnh minh họa: MOA)

Như vậy, sau 8 năm đi làm, chị H. chỉ có thể tiết kiệm được vỏn vẹn 60 triệu đồng. Chị không đầu tư nên cũng không có thu nhập ngoài, nhà thì vẫn phải ở trọ. Không những thế, thời gian cả nước phải chống chọi với đại dịch COVID-19, công ty chị cũng bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu kém hơn hẳn các năm khác, chị chưa bị cắt lương là may chứ cũng chẳng mơ đến được tăng lương.

Đại dịch là lý do nhiều nhân viên gần như “trắng tay”, không có đồng ra đồng vào. (Ảnh minh họa: Pháp luật)


“Nhiều lúc, thấy tiền lương của mình chỉ nuôi được bản thân mà không dám yêu ai. Trong khi đó, bố mẹ lúc nào cũng muốn con gái có công việc lương cao, ổn định để mua được nhà và hối thúc chuyện kết hôn để họ yên tâm. Nhưng thật khó để thay đổi được tương lai của mình khi công việc hàng ngày cứ đều đều như thế, dù cũng nỗ lực trong công việc” , chị H. tâm sự với VietNamNet.

Để tăng thêm thu nhập trong tương lai, chị H. vẫn còn khá mơ hồ. Bởi chị biết, tính mình không thích kinh doanh nên không thể táo bạo từ bỏ công việc văn phòng để đi bán hàng online được. Trước mắt thì chị vẫn đi làm bình thường, sau đó sẽ nhận thêm việc bên ngoài để làm thêm hoặc ở đâu có mức lương cao hơn hiện tại thì nhảy việc.

Dân công sở đi làm 5 năm không tiết kiệm nổi 50 triệu đồng

Giống như chị H., L.T.H (27 tuổi) nhân viên văn phòng tại một công ty kính cường lực ở Tân Phú, TP.HCM. Gắn bó với công việc văn phòng 5 năm, nhảy việc 3 nơi, qua đợt dịch vừa rồi, H. gần như bắt đầu từ con số 0 về mặt tiền bạc. Khởi điểm lương của cô ở mức 7 triệu đồng, thời điểm cao nhất chưa đến 10 triệu đồng.

Những bài đăng tuyển người bóc vỏ trứng cút với mức lương cao khiến nhiều nhân viên văn phòng hoang mang. (Ảnh: VietNamNet)

H. không phải là người hoang phí nhưng cũng không quá tằn tiện. Tiền nhà trọ, tiền chi tiêu, mua sắm, các khoản phát sinh, lâu lâu có việc gia đình. Với mức lương đó, gần như H. không tiết kiệm được hoặc rất ít. Cuộc sống xa nhà không phải điều dễ dàng gì, hằng năm, số tiền cô tiết kiệm được rất ít ỏi.

Đợt dịch vừa rồi, công việc của H. liên tục bị ảnh hưởng, nhiều lần bị cắt giảm lương thưởng. Thậm chí, cô còn bị cho nghỉ việc gần 3 tháng không lương hay bị giảm 30% lương trong hai tháng. Hai năm qua, công việc và thu nhập bấp bênh, H. buộc phải dùng đến số tiền tiết kiệm, khó khăn quá thì nhờ bố mẹ hỗ trợ.

Với thói quen làm đến đâu tiêu đến đó, nhiều năm ỷ lại vào đồng lương văn phòng kiếm được, giờ H. mới nhận ra và đang bắt đầu tập tành đầu tư, buôn bán thực phẩm quê để kiếm thêm thu nhập.

Không ít nhân viên văn phòng quyết định nghỉ việc, lựa chọn công việc buôn bán để tăng thu nhập. (Ảnh: VietNamNet)

Qua câu chuyện của những người trẻ trên, có thể thấy, bên cạnh mức lương phù hợp, việc chi tiêu hợp lý cũng là điều vô cùng quan trọng nếu bạn muốn dành dụm một số tiền nhất định. Còn bạn, bạn đã từng trải qua cảm giác mông lung, tiết kiệm mãi mà số tiền vẫn chỉ được vài đồng ít ỏi chưa? Hãy chia sẻ bằng cách bình luận ở ngay bên dưới nhé.


Cùng cập nhật những tin tức hấp dẫn tại YAN!

Lương công sở cũng thường được đặt lên bàn cân trong nhiều so sánh như học đại học, đi làm nhưng thu nhập không bằng các công việc bán hàng khác. Chính vì vậy, nhiều nhân viên văn phòng cũng tự tìm con đường khác để tăng thu nhập như bán hàng online, gia sư,...

Tuy nhiên, với công việc văn phòng như hiện nay, nếu bạn cố gắng dành dụm, nỗ lực đột phá trong công việc, chắc hẳn những điều may mắn sẽ tới sớm thôi.

Chia sẻ Facebook