Làm thương hiệu trên TikTok giỏi như Viettel: Rũ bỏ phong cách nghiêm túc, "đu trend" hút 5 triệu người theo dõi
Đại diện TikTok Việt Nam nhận định, đội ngũ Viettel đã biết cách nghĩ như những người làm marketing nhưng hành động như một nhà sáng tạo nội dung.
Dịch Covid-19 đã tạo ra trạng thái bình thường mới cho nền kinh tế, cũng đồng thời thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng không chỉ mua hàng trên một nền tảng nhất định mà tiếp cận đa nền tảng, vì thế mà các thương hiệu cũng dần dịch chuyển lên đa nền tảng để tìm cách kết nối với khách hàng.
Trong phiên thảo luận "Xây dựng câu chuyện thương hiệu của riêng mình", nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thương hiệu do Forbes Việt Nam tổ chức, bà Nguyễn Thanh Giang - đồng sáng lập kiêm CEO Purpose.Ant nhấn mạnh chìa khoá để việc xây dựng thương hiệu.
Trong thời đại mà mọi sự thay đổi đều quá nhanh từ thị trường, nhu cầu người dùng và các kênh truyền thông liên tục thay đổi, chuyển đổi rất nhanh giữa các nền tảng thì điều quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu cũng như xác định bước đi chiến lược là Insight (tạm dịch: hành vi khách hàng). Chúng ta phải có một Insight rất mạnh về khách hàng, đến từ hiểu dữ liệu, để hiểu được sự chuyển đổi của thị trường, của người tiêu dùng, các nền tảng.
Các nền tảng ảnh hưởng rất nhiều đến cách người tiêu dùng đang tiếp xúc với thương hiệu của chúng ta, chúng ta phải kể câu chuyện gì. Bên cạnh đó, cần phản quan tâm đến sự thay đổi insight trong chính nội tại doanh nghiệp"
Trên thực tế, bên cạnh các nền tảng truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Instagram thì vài năm trở lại đây, TikTok đã trở thành thế lực mới, thu hút hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng, thậm chí vượt qua Facebook về lượt tải. Các thương hiệu lớn nhỏ vì thế cũng không thể nằm ngoài cuộc chơi, bắt đầu các chiến dịch xây dựng thương hiệu bằng nhiều cách.
Khi nhãn hàng sáng tạo và kể câu chuyện thương hiệu bằng phong cách trên Tiktok thì sẽ dễ dàng chạm đến người dùng trên nền tảng này. Chính vì lẽ đó nên Tiktok có nhiều công cụ để nhãn hàng tạo được công cụ sáng tạo và kể câu chuyện của mình, giải trí tinh tế, từ đó chạm được tới tập khách hàng.
Bà Yến Nhi lấy ví dụ đơn giản, một bình luận cách hài hước cũng là một cách để thương hiệu kết nối, thu hút người dùng, hoặc tận dụng các trend đang thịnh hành trên TikTok nhưng thể hiện bằng cách riêng.
Đại diện TikTok lấy dẫn chứng từ thành công của thương hiệu Viettel. Tập đoàn viễn thông này xây dựng ba kênh TikTok có tên: Viettel Money, Viettel Store, Viettel Việt Nam. Những kên này ban đầu có khoảng vài trăm ngàn lượt theo dõi. Tuy nhiên gần đây, tài khoản Viettel Việt Nam mới vừa đổi tên thành "Viettel Quyết tâm không flop", hưởng ứng theo một trend rất thịnh hành của người dùng. Điều này gây bất ngờ cho không ít người bởi hình ảnh của Viettel vốn khá nghiêm túc. Thậm chí, thương hiệu này cũng không ngại hợp tác với một số TikToker có tiếng như Lê Bống, Thanh Tâm,.. để thực hiện video trên kênh.
Kết quả là lượng theo dõi kênh "Viettel Quyết tâm không flop" đã tăng lên 5 triệu người. Nếu như những video đầu tiên chỉ có vài nghìn lượt xem thì các video hiện tại đều sở hữu hàng trăm nghìn, thậm chí chục triệu người xem.
Cách xây dựng thương hiệu này không chỉ dành cho thương hiệu lớn mà những thương hiệu nhỏ, các công ty SMEs với nguồn vốn hạn chế cũng có thể áp dụng hiệu quả.
Thương hiệu Poloman (hiện là Polomanor) là một casestudy như vậy. Dịch Covid diễn ra khiến thương hiệu thời trang này không thể bán tại cửa hàng, phải chuyển đổi lên online. Poloman hợp tác với một "ông chú" hơn 60 tuổi để xây dựng hình tượng Ông chú Polo. Nhân vật này không phải người nổi tiếng nhưng xuất hiện xuyên suốt trong các video, tư vấn cách phối trang phục và sử dụng các sản phẩm của Poomanor. Những video này thu hút đông đảo người xem và khách hàng, giúp thương hiệu tăng doanh thu 30%.
" SMEs là nhóm doanh nghiệp quan trọng của nền kinh tế. Họ năng động, linh động, dễ dàng thích nghi với tình hình thị trường" , bà Yến Nhi nhận định.
Hoàng Thùy