Lạm thu đầu năm: Phụ huynh cần đồng lòng lên tiếng
Hơn 1 tháng bước vào năm học mới, lạm thu vẫn là vấn đề nóng ở nhiều trường học.
Tại trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn, nhiều phụ huynh phản ánh con họ phải đóng tiền đầu năm lên đến hơn 10 triệu đồng mỗi em. Ngoài các khoản theo quy định xuất hiện rất nhiều các khoản thu bất thường khác như: quỹ lớp/ hội phụ huynh , xã hội hóa, khảo sát học thêm, lao động, khuyến học… Đại diện nhà trường cho biết, đây chỉ là danh sách thu dự kiến.
"Tôi khẳng định đây là dự kiến, tất nhiên sau sự việc chúng tôi đã họp giáo viên chủ nhiệm chấn chỉnh. Thời gian tới, chúng tôi họp Chi hội trưởng phụ huynh để quán triệt văn bản hướng dẫn của Bộ", ông Nguyễn Thành Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn 1, Thanh Hóa cho biết.
Theo danh sách các khoản thu của trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Thanh Hoá, việc thu quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và tiền quỹ lớp đều dựa theo hình thức xã hội hoá, mọi khoản thu đều chia bình quân. Việc xã hội hóa là điều cần thiết, tuy nhiên, trong trường hợp này, chia đều số tiền phải nộp lại là không công bằng với tất cả học sinh.
Ông Dương Lê Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: "Với quỹ ban đại diện cha mẹ đầu năm, trường có ý kiến bỏ đi, còn các đồng chí trong ban chi hội muốn để hoạt động. Tất cả các khoản thu nhà trường chưa thu bất kỳ khoản nào, đang chờ kế hoạch thành phố".
Để bảo đảm công khai, minh bạch trong thu, chi các khoản ngoài ngân sách ở các trường, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp sai phạm lạm thu.
Chỉ là khoản thu dự kiến là lời giải thích được rất nhiều ban giám hiệu đưa ra khi có những ý kiến thắc mắc về các khoản thu đầu năm. Nhưng nếu như không có những phụ huynh dũng cảm lên tiếng, nếu như ai cũng sợ ảnh hưởng đến việc học tập của con em mình thì những khoản thu dự kiến kia sẽ trở thành hiện thực. Tại một số trường học khác, ban giám hiệu thậm chí đưa ra lời giải thích: Nhà trường không hề biết về những khoản thu này.
Tại Trường tiểu học Quảng Phú 2, thành phố Quảng Ngãi, qua kiểm tra hoạt động thu chi của nhà trường, Đoàn kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Quảng Ngãi xác định một số khoản thu không đúng quy định. Tại đây, Ban giám hiệu nhà trường đã thừa nhận có một số khoản thu vô lý tuy nhiên lại cho rằng, lỗi là do giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh, trường không hề nắm được.
Tiếp nhận những phản ánh về tình trạng lạm thu đầu năm học của một số trường học trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục, kịp thời xử lý sai phạm nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu các khoản trái quy định.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên đối với các khoản thu chi không đúng quy định; đối với những khoản đã thu nhưng trái quy định, yêu cầu nhà trường phải hoàn trả lại ngay cho người nộp.
Giống như câu chuyện ở Quảng Ngãi, tại rất nhiều trường học, các khoản thu ngoài quy định hiện được đóng góp dưới danh nghĩa quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp và người đứng ra yêu cầu nộp tiền, người trực tiếp thu tiền đều là phụ huynh trong lớp.
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip về buổi họp phụ huynh ở một trường học ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Nội dung đoạn clip cho thấy, đại diện ban phụ huynh của lớp chủ động đề xuất tặng nhà trường số tiền hơn 10 triệu đồng cùng một máy lọc nước, sau đó yêu cầu các phụ huynh trong lớp cùng đóng góp. Tại buổi họp phụ huynh, khi có người phản đối, vị này nói rằng "phụ huynh khó khăn thì đừng theo lớp này", rồi gợi ý nên cho con chuyển sang lớp khác.
Sau khi sự việc được chia sẻ, nhà trường đã trả lại toàn bộ tiền phụ huynh đã đóng. Vào ngày 19/10, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cũng đã có cuộc họp với ban giám hiệu tất cả các trường trên địa bàn quận, yêu cầu các trường giám sát hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, tránh việc ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện trái quy định, gây ảnh hưởng đến trường lớp và chất lượng dạy học của thầy trò.
Với việc ngày càng nhiều khoản thu được đề xuất và thực hiện bởi Hội cha mẹ học sinh, nhiều người thậm chí còn đặt ra câu hỏi đây có thực sự là hội phụ huynh hay chỉ là hội phụ thu? Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh trong đó quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cách thức tổ chức hoạt động, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, trong Khoản 4, Điều 10, chương thứ 2 có nêu rõ những khoản thu mà ban đại diện phụ huynh không được phép thu, bao gồm:
- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; - Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường; - Bảo đảm an ninh nhà trường; - Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; - Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; - Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; - Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; - Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Dẫu biết những khoản thu này xuất phát từ mong muốn con em mình có một điều kiện học tập tốt hơn song bất cứ khoản thu nào không đúng với quy định, không có sự đồng thuận, không phù hợp với điều kiện của số đông thì đều không được phép thu. Tất cả các bậc phụ huynh hãy sẵn sàng lên tiếng khi phát hiện những khoản thu bất hợp lý để góp phần làm trong sạch môi trường học đường.