Làm theo tin nhắn từ đầu số ngân hàng, tá hỏa mất hàng chục triệu đồng

Chia sẻ Facebook
24/05/2022 17:41:46

Sau khi làm theo hướng dẫn từ hệ thống tin nhắn của ngân hàng (SMS Banking) đang sử dụng, một người dân tại Hà Tĩnh tá hỏa khi mất đến gần 50 triệu đồng.


Khoảng 10h ngày 15/5, anh Lê Hoàng V. (40 tuổi), trú tại phường Tân Giang, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) nhận được một tin nhắn từ hệ thống tin nhắn SMS banking của Vietcombank với nội dung: "VCB Digibank tran trong thong bao. Tai khoản quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap www.vcbigtlubrnk.com de xac thuc ngay hom nay”.

Do tin nhắn này được gửi từ hệ thống tin nhắn của Vietcombank nên Anh V. không chút nghi ngờ, truy cập vào đường link để làm theo hướng dẫn. Sau khi nhập vào đường link, giao diện web tiếp tục hiển thị ô cần nhập mã OTP (mã xác nhận giao dịch). Sau đó cũng chính hệ thống SMS banking của Vietcombank gửi tin nhắn cấp mã OTP. Anh V. nhập mã OTP vào trang web và điện thoại nhận tiếp 1 tin nhắn thông báo tài khoản đã bị trừ hơn 49 triệu đồng và yêu cầu cấp lại mã OTP tiếp.


“Sau khi nhận được thông báo của chính SMS của ngân hàng, tôi không nghi ngờ gì vì đây là tin nhắn từ đầu số của VCB. Phát hiện tài khoản mất tiền nên tôi không nhập mã OTP nữa. Đồng thời đến sáng thứ 2, ngày 16/5 tôi nhanh chóng liên hệ với phía ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh ”, anh Lê Hoàng V. kể lại.

Làm theo yêu cầu SMS được gửi từ đầu số Vietcombank khiến khách hàng mất 49 triệu đồng.

Bức xúc vì bị mất tiền oan uổng, anh V. đã gửi đơn đến Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh để trình báo sự việc.


Được biết Vietcombank SMS BANKING là dịch vụ ngân hàng thông qua tin nhắn SMS, giúp khách hàng theo dõi số dư tài khoản và theo dõi chi tiêu thẻ tức thì, nhận thông báo tiền gốc và lãi vay từ ngân hàng. Theo Anh V., nếu là tin nhắn rác thì anh có thể phát hiện được đó là đường link giả, đằng này tin nhắn nằm chung trong hộp thư của ngân hàng nên đã khiến bản thân mất cảnh giác.


“Tin nhắn giả mạo nằm chung với những tin nhắn báo biến động số dư thì làm sao chúng tôi có thể lường trước được. Ngân hàng cần xem lại cách quản lý hệ thống của mình để tránh rủi ro cho khách hàng", Anh V. chia sẻ thêm.

Đại diện Vietcombank cho biết, sau khi rà soát hệ thống nội bộ và hệ thống đối tác cung cấp dịch vụ viễn thông cho Vietcombank, có thể khẳng định những tin nhắn giả mạo này không xuất phát từ Vietcombank. Những tin nhắn mà khách hàng nhận được từ kẻ lừa đảo không phải do hệ thống ngân hàng chuyển mà kẻ lừa đảo dùng kỹ thuật phát sóng chuyển đến điện thoại khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Mai Thúy, Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh tại Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được trình báo của khách hàng về việc bị mất tiền trong tài khoản. Đúng là tin nhắn của đầu số của Vietcombank nhưng do thời gian qua các loại tội phạm công nghệ cao đã tìm cách xâm nhập, hòng lừa đảo khách hàng. Trước mắt Vietcombank đã khẩn trương trao đổi thông tin với khách hàng và phối hợp với cơ quan công an để điều tra, cũng như áp dụng các biện pháp nhằm sớm ngăn chặn phương thức lừa đảo này”.

Sau khi kiểm tra, tiền của anh Lê Hoàng V. được hiển thị chuyển đến một tài khoản khác.

Nhiều người gần đây liên tục nhận được những tin nhắn hiện tên gửi từ đầu số thể hiện thương hiệu ngân hàng với những lời cảnh báo như tài khoản ngân hàng đang giao dịch ở nước ngoài, tài khoản của bạn đang thanh toán cho khoản mua hàng… rồi từ đó yêu cầu đăng nhập vào đường link đính kèm.. Khi người dùng truy cập vào đường dẫn này sẽ được yêu cầu điền các thông tin như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP...

Tin nhắn thật giả lẫn lộn gửi từ đầu số thể hiện thương hiệu ngân hàng khiến người dân đăng nhập vào thì tiền trong tài khoản "không cánh mà bay". Tình trạng này xuất hiện suốt thời gian qua nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Từ các thông tin này, kẻ lừa đảo sẽ kiểm soát tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện được các hành vi như: chuyển khoản, mở thấu chi, đăng ký vay online...

Thời gian qua, Bộ Công an đã phát đi thông báo cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm về giả mạo tin nhắn thương hiệu. Khuyến cáo người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được, kể cả các tin nhắn thương hiệu từ ngân hàng để phát hiện các tin nhắn giả mạo, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn.

Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra lại thông tin, hoặc nhờ những người có kinh nghiệm tư vấn; phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.


Thiện Quyền

Chia sẻ Facebook