Làm theo lời Bác từ công việc hằng ngày
Hơn 250 điển hình trẻ, tiêu biểu các lĩnh vực sẽ được Thành đoàn TP.HCM tuyên dương trong khuôn khổ Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2022 diễn ra trong hai ngày 4 và 5-6.
Câu chuyện về hai đại diện được vinh danh trong đại hội lần này đều rất giản dị, đời thường nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, truyền cảm hứng từ những điển hình trẻ trong vườn hoa thơm dâng lên Bác.
Nhớ lời dạy "Lương y như từ mẫu"
Tốt nghiệp Trường ĐH Y dược TP.HCM, bác sĩ Phùng Ngô Hà Châu (sinh năm 1991) dù đứng trước nhiều lựa chọn song anh lại xin về Trung tâm Y tế quận 3 với mong mỏi được chăm sóc sức khỏe người dân ngay tại tuyến cơ sở.
Câu chuyện của những ngày đi học, thực tập, lúc nào cũng thấy bệnh viện tuyến đầu quá tải vì thói quen thích lên tuyến trên dù bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị tại tuyến cơ sở đã để lại trong Châu nhiều suy nghĩ.
"Mình muốn về cơ sở, góp một chút vào việc chăm sóc sức khỏe bà con", bác sĩ Châu bộc bạch.
Trực tiếp điều trị, chữa bệnh lao, lao kháng thuốc từ năm 2018 đến nay, Hà Châu luôn tạo sự tin tưởng nơi bệnh nhân. Không chỉ ân cần dặn dò bệnh nhân uống thuốc, tuân thủ quá trình điều trị bệnh, anh còn tìm hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân để chia sẻ, động viên như một cách nâng đỡ tinh thần, giúp họ mau khỏi bệnh hơn.
Thời điểm TP.HCM bùng phát dịch COVID-19, như những thiên thần áo trắng khác, anh lại có mặt trên trận tuyến chống dịch. Lúc cao điểm tiêm vắc xin, Châu nhận nhiệm vụ điều phối đội tiêm vắc xin COVID-19 tại nhà cho người dân 12 phường trong quận.
Giải pháp làm giảm sự chờ đợi và cải thiện sự hài lòng của người dân đến làm xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế quận 3 do anh đề xuất được Sở Y tế TP.HCM công nhận, tăng mức độ hài lòng của người dân.
Bác sĩ Châu nói dịch COVID-19 ập đến là lúc việc tiêm vắc xin trong dân chưa rộng, nhu cầu được xét nghiệm nhanh rất cao nên số lượng người đông, rất khó đảm bảo giữ khoảng cách và dễ lây nhiễm.
Chính trăn trở phải đảm bảo an toàn cho người dân đến làm xét nghiệm mà anh cùng đồng nghiệp đã cho ra đời sáng kiến trên, cải tiến việc sắp xếp phân luồng, hướng dẫn người dân đảm bảo quy trình một chiều, giữ khoảng cách an toàn, tránh lây nhiễm và có phương án xử trí kịp thời khi phát hiện trường hợp dương tính.
Anh còn là bí thư Đoàn Trung tâm Y tế quận 3 nên cũng có thuận lợi khi triển khai việc học và làm theo lời Bác tại đơn vị. "Lương y như từ mẫu", lời dạy ấy được anh tự nhắc chính mình và chia sẻ cùng đồng nghiệp trẻ.
"Sẽ có khi công việc quá tải, nhiều áp lực như đợt dịch COVID-19 vừa qua nhưng tôi luôn tuần tự giải quyết từng việc. Thậm chí trước lằn ranh sinh tử vì có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nhưng tôi và đồng nghiệp không bao giờ quên sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân", bác sĩ Châu chia sẻ.
Thêm niềm vui cho người lao động
Trần Thanh Khoa (sinh năm 1993) - bí thư Đoàn Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) - đã hai lần được Trung ương Đoàn vinh danh "Người thợ trẻ giỏi" toàn quốc vào hai năm 2020, 2021. Nhiều sáng kiến của anh làm lợi hàng trăm triệu đồng, giúp công nhân làm việc hiệu quả hơn, giảm chi phí, giảm hao hụt trong sản xuất.
Để lan tỏa tinh thần "Học và làm theo lời Bác", anh cùng ban chấp hành Đoàn tổ chức cho hơn 500 lượt công nhân trẻ cùng chia sẻ chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Khoa thiết kế hành trình đến Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM để các bạn trẻ có những giây phút lắng lòng nghe về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác.
Đợt dịch COVID-19 vừa qua, anh cùng các bạn trẻ làm hơn 1.200 nón chống giọt bắn, 1.000 lít dung dịch sát khuẩn nano bạc phục vụ việc phòng chống dịch tại đơn vị. Khoa xung phong tham gia hoạt động phòng chống dịch tại đơn vị, nhất là khi đơn vị phải làm việc "3 tại chỗ", anh phụ chăm lo đời sống công nhân.
Di chuyển, tiếp xúc nhiều khiến anh nhiễm bệnh, phải đi cách ly điều trị.
Khỏi bệnh, Khoa lại trực chiến tại đơn vị, pha từng ly nước chanh để tăng cường sức đề kháng cho anh em. Cả việc duy trì mô hình sinh hoạt "Cà phê thanh niên" tạo nơi thư giãn cho người lao động vào giờ giải lao, cũng là nơi tạo thêm thu nhập cho 10 lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
"Tôi học từ Bác tinh thần không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và luôn cố gắng sống, làm việc với tinh thần tiết kiệm, giản dị nhất có thể" - Khoa bày tỏ.
Anh Phan Văn Minh (phó bí thư Đoàn Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM) và cô giáo trẻ Phạm Hồng Hạnh (Trường THCS - THPT Diên Hồng, quận 10) có nhiều cách lan tỏa việc học và làm theo lời Bác đến với học sinh và đông đảo bạn trẻ.