Làm thế nào để Việt Nam nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:44:58

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) là một trong những hoạt động cơ bản của nền kinh tế muốn tận dụng cơ hội từ việc phân công lao động và toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội từ việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì các nền kinh tế cần đánh giá một trong những tiêu chí rất quan trọng, đó là hàm lượng sản xuất trong nước trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Làm thế nào để Việt Nam nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Trong phạm vi bài này, tác giả sẽ phân tích về các khía cạnh giá trị gia tăng nội địa trong tổng giá trị xuất khẩu của một số nền kinh tế trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, đặc biệt nhấn mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.

So sánh Việt Nam và một số nước

Theo bảng 1 và hình 1, có thể thấy các nước Đông Bắc Á ghi nhận giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu ở mức rất cao, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như một thế lực mới nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chiếm ưu thế. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á chỉ ghi nhận những con số khá khiêm tốn so với các nước Đông Bắc Á.

Từ quan điểm quản lý chuỗi giá trị toàn cầu thì đây là một xu hướng tất yếu. Vì Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu quá trình công nghiệp hóa hàng chục năm trước và các nền kinh tế này đã dần nâng cấp và bắt kịp các nền kinh tế phát triển Âu – Mỹ về năng suất. Giờ đây, họ đảm nhận các khâu quan trọng trong chuỗi giá trị như nghiên cứu và phát triển (R&D) và sở hữu thương hiệu riêng, cạnh tranh ở công đoạn cao nhất trong chuỗi, sánh ngang với các nền kinh tế Âu – Mỹ. Có thể thấy được thực tế này qua hình ảnh đầy cạnh tranh của các thương hiệu như LG, Samsung của Hàn Quốc hay hàng loạt thương hiệu của Nhật Bản như Panasonic, Sony,…

Một số nền kinh tế tuy hàm lượng nội địa trong hàng xuất khẩu thấp (do phân công lao động dựa vào lợi thế cạnh tranh quốc gia) nhưng nếu hàm lượng nội địa trong hàng tiêu dùng trong nước cao và sử dụng công nghệ cao thì nền kinh tế vẫn được lợi và được nâng cấp bất kể là có xuất khẩu nhiều hay không.

Ở một khía cạnh khác, theo thời gian, khi chi phí lao động phổ thông tăng lên, các công ty từ hai nước này mang dây chuyền lắp ráp sang các nước có chi phí lao động cạnh tranh hơn như Trung Quốc, Malaysia (Nhóm 2) để thực hiện công đoạn lắp ráp thành phẩm. Trong khi đó, họ vẫn giữ nguyên dây chuyền quan trọng nhất và có giá trị gia tăng cao, nhất là R&D và sản xuất linh kiện nguồn tại thị trường nội địa rồi xuất khẩu các linh kiện này sang các nước khác để lắp ráp. Ngay như Trung Quốc, một nền kinh tế mạnh nhưng phần giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu cũng không cao so với hai nước kể trên. Điều đó cho thấy Trung Quốc vẫn còn cần thời gian để gia tăng hàm lượng giá trị trong hàng hóa xuất khẩu của mình để gia tăng lợi ích trong chuỗi.

Nhóm 3 là các nền kinh tế vừa gia tăng cường độ tham gia vào nền kinh tế toàn cầu những năm gần đây như Việt Nam, Campuchia, Myanmar. Do là các nền kinh tế đang phát triển giai đoạn đầu, sự hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới đang trong giai đoạn mở nhất nên các nền kinh tế này đã đóng góp ngày càng nhiều cho phần giá trị gia tăng nội địa trong tổng giá trị hàng xuất khẩu của mình.

Bảng 2 mô tả tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng (hàm lượng nội địa) trong giá trị hàng hóa xuất khẩu. Các con số nổi bật hơn là ở các nền kinh tế Đông Nam Á, đặc biệt là các nền kinh tế mới hội nhập sâu rộng như Việt Nam, Campuchia hay Myanmar. Đặc biệt, các nền kinh tế này ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn 15 năm, từ năm 2000-2015. Các nền kinh tế này tăng trưởng ở mức trên 100% trong giai đoạn năm năm liền kề. Điều này đi cùng với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thường xuyên trên hai con số của các nền kinh tế này.

Riêng Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng phần giá trị gia tăng nội địa trong giá trị hàng xuất khẩu rất ấn tượng, từ mức gần 100 triệu đô la Mỹ năm 1995 lên hơn 5 tỉ đô la năm 2018, một mức tăng trưởng hơn 50 lần trong thời gian 23 năm. Điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã tạo ra ngày càng nhiều giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, nếu xét về mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì Việt Nam còn đang ở thời kỳ đầu trong hoạt động tham gia chuỗi giá trị và Việt Nam chưa đảm nhận nhiều trong khâu có giá trị cao như R&D hay sản xuất thiết bị nguồn với phần giá trị gia tăng cao.

Thêm nữa, tốc độ tăng trưởng phần giá trị gia tăng trong giá trị hàng xuất khẩu ngày càng giảm. Điều đó có thể là do Việt Nam đang chuyển từ xuất khẩu thô như dầu mỏ, nông sản (với giá trị gia tăng tại Việt Nam cao) sang sản phẩm công nghiệp tiêu dùng và sản xuất như lắp ráp và công nghiệp, vốn có sự phân công lao động rộng rãi với nhiều nhà sản xuất chuyên biệt cho từng khâu.

Đây vừa là một điểm cộng lại vừa là điểm trừ. Điểm cộng là nền kinh tế Việt Nam giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô nhưng điểm trừ là Việt Nam vẫn chưa nâng cấp lên khâu quan trọng và còn phụ thuộc vào linh kiện và công nghệ nhập khẩu (như phân tích ở trên).

Để nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu

Để tăng cường lợi ích mà các nước đang phát triển thu được từ việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các bên có thẩm quyền nên tăng cường môi trường kinh doanh và hỗ trợ đầu tư vào các tài sản tri thức, chẳng hạn như R&D và thiết kế, cho phép các doanh nghiệp khác biệt hóa sản phẩm của họ. Họ cũng nên củng cố khu vực dịch vụ và thúc đẩy sự phát triển của các năng lực kinh tế quan trọng, đặc biệt là các kỹ năng việc làm và nghiên cứu. Các chính sách trong nước như vậy có thể giúp các quốc gia leo lên bậc thang chuỗi giá trị toàn cầu và ngăn họ bị mắc kẹt trong các hoạt động giá trị thấp.

Các biện pháp này có thể khó đối với các nền kinh tế đang phát triển kém nhất. Do đó, các sáng kiến “viện trợ cho thương mại” có thể có giá trị đáng kể. Hình thức hỗ trợ này từ cộng đồng các nhà tài trợ có thể tạo điều kiện cho các nước kém phát triển nhất xây dựng năng lực từ phía cung ứng và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại để họ cũng có thể gặt hái thêm nhiều lợi ích từ thương mại. Viện trợ cho các sáng kiến thương mại đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự phát triển và hiện bao gồm các quốc gia, chẳng hạn như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ, là những nhà cung cấp tích cực cho hợp tác Nam-Nam.

Tuy vậy, như đã phân tích, giá trị nội địa trong hàng xuất khẩu cao nhưng do xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô thì cũng không chứng tỏ nền kinh tế đã nâng cấp, mà để đánh giá nền kinh tế có nâng cấp hay không lại dựa vào hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm. Một số nền kinh tế tuy hàm lượng nội địa trong hàng xuất khẩu thấp (do phân công lao động dựa vào lợi thế cạnh tranh quốc gia) nhưng nếu hàm lượng nội địa trong hàng tiêu dùng trong nước cao và sử dụng công nghệ cao thì nền kinh tế vẫn được lợi và được nâng cấp bất kể là có xuất khẩu nhiều hay không. Vì vậy cần một đánh giá tổng quan trên nhiều khía cạnh để có cái nhìn toàn diện về hiệu quả của hoạt động nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phan Đình Mạnh


TBKTSG

Chia sẻ Facebook