Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng "bóng đè" khi ngủ?
Khi bị bóng đè, các giác quan và nhận thức của não bộ vẫn còn nguyên vẹn nhưng cơ thể bạn lại cảm thấy như có áp lực đè lên và cảm thấy khó thở.
Bóng đè hay có tên gọi khác là chứng tê liệt khi ngủ, đó là cảm giác không thể di chuyển, khi bắt đầu ngủ hoặc khi thức giấc. Triệu chứng này khi xảy ra sẽ kèm theo ảo giác và cảm giác sợ hãi tột độ.
Những dấu hiệu phổ biến khi bị bóng đè bao gồm:
-Dấu hiệu khi bị bóng đề phổ biến nhất đó là mắt người bị bóng đè thường chuyển động nhanh, nhưng cơ thể mất khả năng kiểm soát vấn đề di chuyển, tính linh hoạt của tay, chân trong vài giây, thậm chí kéo dài đến vài phút.
-Trong hoặc sau khi tỉnh dậy từ bóng đè, một số người có biểu hiện nói mớ, mất nhận thức tạm thời.
-Người bị bóng đè vẫn có khả năng nhận thức được các vấn đề, sự việc xung quanh, tuy nhiên không thể nói chuyện.
-Dấu hiệu khi bị bóng đè khiến cơ thể rơi vào trạng thái bất động dù đang tỉnh táo khiến chúng ta xuất hiện cảm giác sợ hãi, ảo giác, thậm chí là việc hoang tưởng về cái chết.
-Trong một số trường hợp, đối tượng bị bóng đè sẽ có cảm giác tức ngực, khó thở và có vật nặng đè lên ngực.
-Cơ thể tiết nhiều mồ hôi so với bình thường, đầu và các cơ xuất hiện tình trạng đau nhức khó chịu.
-Sau khi bị bóng đè, một số đối tượng có thể rơi vào trạng thái lo lắng, buồn bã và mỏi mệt.
Thực tế, người có sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ, lạc quan ít khi gặp phải tình trạng này, hoặc dấu hiệu khi bị bóng đè của họ thường ít nghiêm trọng và nhanh chóng chấm dứt hơn. Trong khi đó, những đối tượng sau sẽ có nguy cơ cao bị bóng đè hơn:
-Cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái ngủ rũ (đây là một dạng rối loạn thần kinh dẫn đến mất kiểm soát giấc ngủ và mức độ tỉnh táo).
-Giấc ngủ không ổn định, xuất hiện vấn đề thường có cảm giác buồn ngủ vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm.
-Có tư thế nằm sấp khi ngủ là nguyên nhân phổ biến gây nên những triệu chứng bóng đè.
-Bóng đè thường có nguy cơ cao xuất hiện ở những đối tượng: trầm cảm, rối loạn tiền đình, rối loạn cảm xúc, huyết áp tăng khi ngủ,...
-Triệu chứng bóng đè thường xuất hiện phổ biến ở đối tượng thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.
-Tình trạng mất ngủ kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến việc bị bóng đè khi ngủ.
-Những người có tính chất công việc làm theo ca dẫn đến rối loạn đồng hồ sinh học gây mất ngủ, ngủ không theo giờ giấc ổn định, khoa học.
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào cho hiện tượng bóng đè, nhưng việc duy trì một lối sống lành mạnh và một thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc có thể làm giảm khả năng bị bóng đè. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tránh gặp phải tình trạng bóng đè khi ngủ:
-Rèn luyện thể lực
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh khuyến nghị mọi người nên có từ 75-150 phút mỗi tuần tập luyện thể dục. Điều này không đồng nghĩa với việc tập càng nhiều thì càng tốt. Thay vào đó, mọi người nên thực hiện các hoạt động rèn luyện như đi bộ, tham gia lớp học yoga, khiêu vũ đơn giản.
Tuy nhiên, bạn cần tránh luyện tập các bài tập thể lực quá sức của mình. Đồng thời, các bạn cần đặc biệt lưu ý không được tập thể dục ngay trước khi đi ngủ.
-Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc mỗi ngày là yếu tố quan trọng giúp tinh thần luôn ổn định, ngăn ngừa tình trạng bóng đè. Môi trường ngủ nghỉ nên được thiết kế thoáng mát, yên tĩnh; nhiệt độ phòng không được ở mức quá cao hoặc thấp. Khi ngủ cần lựa chọn trang phục phù hợp, tránh bó sát hoặc thoát nhiệt kém. Trước khi ngủ từ 3 đến 5 giờ, tránh việc sử dụng các chất kích thích có hại cho giấc ngủ như caffeine, trà,... hay ăn quá no.
-Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý
Nên có thời gian nghỉ trưa từ 20 đến 40 phút để tinh thần được thư giãn, thoải mái. Đồng thời bạn nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, hợp lý; có khung giờ sinh hoạt, ngủ nghỉ khoa học; tránh việc thức quá khuya và dậy muộn vào ngày hôm sau.
-Hạn chế căng thẳng, lo âu
Giữ cho tâm trạng luôn được vui vẻ, lạc quan, hạn chế việc căng thẳng, lo âu kéo dài.
- Tìm người hỗ trợ
Chuyên gia hoạt động thể chất tại Đại học Georgia chia sẻ rằng nếu như bạn có những người đồng hành, hỗ trợ giúp bạn thoát khỏi tình trạng “bóng đè” thì đó được xem là yếu tố quyết định. Bởi vì chính bản thân bạn rất khó để có thể tự vượt qua. Khi bạn “mở lòng” với người khác, thì nó như là cách để bạn giải tỏa tâm lý và tìm được phương pháp tránh được trường hợp xấu xảy ra.
Minh Hoa (t/h)