Làm thế nào để những đứa trẻ được hạnh phúc?

Chia sẻ Facebook
04/04/2022 00:19:55

Suốt ngày hôm nay, tôi tránh nói chuyện với con của mình. Tôi sợ mình sẽ nói điều gì đó không đúng, không nên, sau khi đọc tin một cậu bé bằng tuổi con tôi nhảy lầu tự sát.

Chia sẻ FB Chia sẻ Twitter Bình luận

Làm thế nào để những đứa trẻ được hạnh phúc? (Ảnh minh họa: GNT Studio/Shutterstock)

Tôi không muốn biết lý do tự sát của cậu bé, vì dẫu là lý do gì thì nó cũng rất buồn. Tôi chỉ biết cậu bé học ở một trường chuyên danh giá, và cậu nhảy lầu lúc 3 giờ sáng, khi đang “được” bố kèm học. Điều đó có nghĩa cậu được gia đình quan tâm và kỳ vọng rất nhiều. Nhưng cậu bé đã chọn cái chết, điều đó có nghĩa là sự quan tâm và kỳ vọng của người thân không phải luôn là tiền đề cho hạnh phúc của bọn trẻ. Ý nghĩ đó khiến tôi cảm thấy mất tự tin khi đối diện con mình. Mất tự tin về khả năng làm một người cha tốt.

Hôm trước, một người bạn đáng kính của tôi tâm sự: Anh quyết định rồi, không nên để lại cho con mình quá nhiều tài sản. Như thế sẽ khiến cuộc đời của chúng nó nhạt nhẽo vì không thể có được niềm vui khi nỗ lực để kiến tiền cho bản thân.

Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm ấy của anh. Nhưng ngay lập tức, tôi cảm thấy hoang mang khi nhớ rằng chỉ nửa năm trước, anh nói với tôi rằng: Nhìn bọn trẻ bây giờ, anh tin cuộc sống sẽ tốt hơn. Bởi chúng nó có cuộc sống đủ đầy hơn thế hệ chúng mình, không phải sống với thái độ lem nhem vì cơm áo gạo tiền, sẽ thẳng thớm hơn. – Khi đó, tôi cũng hoàn toàn tán thành góc nhìn ấy của anh.

Trong mắt tôi, và rất nhiều người quen chung, anh bạn tôi là một người cha tuyệt vời. Chúng tôi luôn ngưỡng mộ cách mà anh làm bạn, hướng dẫn, và rèn dũa con cái từ lúc chúng còn là những đứa bé đến khi trưởng thành. Nhưng ngay cả một người cha tuyệt vời như thế, dường như vẫn có sự mâu thuẫn trong tư duy về việc nên tác động đến cuộc đời của con cái ra sao.

Trước kia, tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần bên cạnh con, cố gắng sống mẫu mực nhất có thể, rồi chúng sẽ nhìn theo và tự học. Nhưng trong những ngày tháng giãn cách xã hội, khi bọn trẻ phải học onl, phải làm bạn với internet hàng ngày, tôi nhận ra chúng có quá nhiều hình mẫu để nhìn theo, ngoài bố mẹ. Trong khi người lớn chúng ta hàng ngày còn tranh luận đến mức từ mặt nhau vì không thể thống nhất được đúng, sai từ những điều nhỏ nhặt như cái tát của Will Smith cho đến chuyện to tát như chiến tranh và hòa bình… thì những đứa trẻ đang lớn đối diện với thế giới internet ngập tràn thông tin sẽ bối rối làm sao?

Một thế giới ngập tràn thông tin, một thế giới mà cơ hội biểu đạt được mở rộng đến vô cực sẽ tạo ra nguồn năng lượng khai phóng khổng lồ. Nhưng bên cạnh đó, thế giới này đã tước đi của người lớn chúng ta năng lực áp đặt các chuẩn mực giá trị đối với con cái mình. Bởi vì chính bản thân người lớn chúng ta cũng đang hoang mang với những giá trị bản thân mình đang có.

Tôi không còn tự tin khi đối diện con mình sau cái chết của cậu bé ấy. Bởi tự tôi biết rằng mình không đủ quan tâm đến con như cha mẹ cậu bé, không đủ kiên nhẫn thức đến 3 giờ sáng cùng con học bài. Nhưng cho dù có một người cha kiên nhãn và quan tâm thì cậu bé ấy vẫn không hạnh phúc. Vậy thì nếu không quan tâm và kiên nhẫn thì sao?

Để trả lời câu hỏi này, có người sẽ bảo: Cần có liều lượng phù hợp. – Câu trả lời ấy không sai. Nhưng liều lượng như thế nào là phù hợp? Chúng ta có thể luôn kê đơn quan tâm cho con mình một cách chính xác? Chúng ta sẽ dựa vào thông số nào để kê đơn thuốc quan tâm? Dựa vào chiều cao, cân nặng, hay chỉ số IQ của từng đứa trẻ?

Mong muốn cuối cùng của chúng ta dành cho con cái mình là cho chúng một cuộc đời hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của bọn trẻ có thể chẳng giống nhau trong một thế giới đang trở nên tan hoang giá trị.

Xin được chia buồn và bày tỏ sự cảm thông với người cha của cậu bé, tôi chỉ muốn nói với anh rằng chúng ta đều đang đi trên con đường vô định của việc làm cha, một con đường mà dù đúng, dù sai cũng đều phải trả giá.


Phạm Trung Tuyến (Nhà báo)


Đăng theo Facebook Phạm Trung Tuyến. Vui lòng đọc bài gốc tại đây . Tựa bài do BBT Trí Thức VN đặt.

Từ bầu trời Bắc Âu đến xứ Đài: “Giá trị mình nhận được là sống vì người khác” "Đến một lúc, mình mới nhận ra một vấn đề, cái mình cần thay đổi không phải là hoàn cảnh bên ngoài mà là tự trong nội tâm của mình."

Chia sẻ Facebook