Làm thế nào để ngăn chặn lỗ hổng lộ đề thi tốt nghiệp THPT?
Sau những vụ lộ đề tại các kỳ thi quan trọng, một lần nữa nhiều người đặt câu hỏi xoay quanh vấn đề bảo mật đề thi, lỗ hổng nằm ở đâu?
Chuyện gian lận thi cử luôn là vấn đề nóng mỗi khi kỳ thi tới gần nhưng nay vấn đề này đã xảy ra ở khâu bảo mật đề thi. Vụ việc hai người là tổ trưởng và thành viên tổ ra đề thi môn Sinh học của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa bị khởi tố đang được dư luận quan tâm.
Thầy giáo Đinh Đức Hiền là người đã phát hiện ra bất thường trong đề thi môn Sinh học khi phân tích những nội dung ôn tập của một thầy giáo có sự trùng khớp rất lớn với đề thi sau đó. Sau vụ việc này, nhiều người đặt ra thắc mắc về quy trình bảo mật đề thi. Liệu đề môn Sinh lọt ra ngoài từ những người trong ban ra đề, hay nội dung ôn tập của giáo viên luyện thi được đưa vào cho những người trong cuộc làm căn cứ xây dựng đề thi chính thức?
"Cùng với hội đồng thẩm định sẽ xem xét và thống nhất 4 mã đề duyệt chốt. Nếu tuân theo quy trình 2 lần ngẫu nhiên như vậy thì xác suất trùng khớp hơn 90% của một đề rất khó xảy ra", thầy Hiền cho hay.
Theo chuyên gia về khảo thí, lỗ hổng có thể đến từ xây dựng ngân hàng câu hỏi. Nếu ngân hàng đủ lớn thì rất khó trùng lặp đề thi. Như ngân hàng đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022 sử dụng trên 12.000 câu hỏi. Từ khâu làm đề thi trắc nghiệm cho đến trông coi thi, mỗi cán bộ chỉ thực hiện một công đoạn nhỏ trong quy trình tổng.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Chúng tôi có hàng chục nghìn câu hỏi và làm nhiều năm và hàng năm update. Đề thi chúng tôi chỉ lấy 150 câu hỏi. Các bạn thử tưởng tượng 150 tổ hợp của hàng chục ngàn câu hỏi đó sẽ cho hàng triệu phương án khác nhau nên rất khách quan".
Theo các chuyên gia, việc bảo mật trong quy trình làm thi nếu được thực hiện nghiêm ngặt thì sẽ hạn chế tiêu cực xảy ra từ yếu tố con người. Để đảm bảo không có sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy định liên quan tới quy trình làm đề thi.
Thi cử luôn có 3 khâu quan trọng là ra đề, coi thi và chấm thi. Năm 2018, gian lận thi cử đã xảy ra ở khâu chấm thi ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. 3 năm sau đó, câu chuyện tiêu cực trong thi cử lại xảy ra với khâu ra đề thi môn Sinh học. Điều này một lần nữa cảnh báo về việc cần thực hiện nghiêm túc các quy định bảo mật để mỗi kỳ thi diễn ra an toàn và bảo đảm quyền lợi công bằng cho các thí sinh.