Làm thế nào để học sinh yêu thích môn Lịch sử?
Làm thế nào để học sinh hứng thú với môn Lịch sử luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Dù là môn học bắt buộc nhưng trong nhiều năm qua, môn Lịch sử luôn có điểm thi bét bảng trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia. Kỳ thi năm nay khả quan hơn. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình từ mức 83,45 % trong kỳ thi năm 2018 đã cải thiện về mức 19,34 % .
"Chúng tôi rất xót xa khi các em học sinh không thích Sử. Đó một phần là lỗi ở những người dạy và nghiên cứu lịch sử", GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói.
Ở tuổi 43, nhà báo Hoàng Anh Minh quyết định học cao học môn Lịch Sử trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn là tác giả của bộ truyện thơ lịch sử Việt Nam với hơn 40.000 câu song thất lục bát. Ở họ có chung một đam mê với lịch sử dân tộc và có cùng một nỗi trăn trở là làm thế nào để lịch sử hấp dẫn?
Theo kiến trúc sư Nguyễn Khánh Toàn: "Những cái liệt kê theo tôi chẳng khác gì cái mục lục, chẳng ai nhớ được cái mục lục cả, cũng giống như cái bánh, học sinh cứ lật hết lớp vỏ này, lớp vỏ kia và không thấy cái nhân đâu thì rõ ràng họ bỏ thôi".
Nhà báo Hoàng Anh Minh, Tổng biên tập của Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cho biết: "Tôi hy vọng với ứng dụng công nghệ mới, chúng ta sẽ có những phương pháp truyền tải kiến thức lịch sử một cách sinh động hơn".
Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông từ năm học này, khép lại những tranh luận trên nhiều diễn đàn. Nếu lo ngại học sinh không chọn môn Sử sẽ ảnh hưởng tới giáo dục lòng yêu nước thì không có cách nào khác ngoài khơi gợi niềm đam mê với môn học này. Cách dạy và học Lịch sử không nên gò bó, khô cứng trong những số liệu, sự kiện.