Làm thế nào để giảm bớt ảnh hưởng xấu bởi ly hôn đối với trẻ em?
Việc cha mẹ ly hôn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trẻ nhỏ và có thể dẫn đến những cảm xúc đau khổ và thậm chí tội lỗi, khiến chúng lầm tưởng rằng mình là nguyên nhân của vụ ly hôn.
Bạn đã bao giờ dừng lại để suy ngẫm rằng hoàn cảnh sống và lớn lên có tác động như thế nào đối với sự hình thành đặc điểm tính cách và cảm xúc của chúng ta? Trong cuốn sách “Thấu hiểu lòng người thông qua thói quen của họ”, nhà tư vấn tâm lý Lâm Tụy Phân đã tiết lộ một sự thật bên trong các gia đình: Mối quan hệ giữa cha mẹ và nhiệt độ của bầu không khí gia đình sẽ tác động sâu sắc đến thói quen tình cảm và phẩm chất nhân cách của con cái.
Lấy ví dụ, nếu một gia đình thường xuyên xảy ra xung đột cãi vã, và những tranh chấp này luôn liên quan đến vấn đề tiền bạc, thì tình trạng đó có thể dẫn đến tâm lý chán nản ở trẻ và thậm chí có thể hình thành thói quen hành vi phản xã hội ở chúng.
(Ảnh: VGstockstudio/ Shutterstock)
Cha mẹ chiến tranh lạnh, con cái mất đi sự ấm áp của gia đình
Nếu xung đột gia đình liên tục xảy ra, cho dù đó là tranh chấp bằng lời nói hay bạo lực, rất có thể sẽ khiến trẻ em trở nên thù địch và hung hăng hơn khi tương tác với anh chị em và bạn bè. Những đứa trẻ thường xuyên sống trong cảnh mâu thuẫn giữa cha mẹ, cũng dễ sinh ra những hành vi sai trái như rơi vào tình huống trầm cảm, lo âu, điều này sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho tính cách của trẻ trong tương lai. Đồng thời, điều này cũng vô hình trung, làm giảm tình cảm gia đình giữa bố mẹ và con cái.
Tình cảm gia đình rạn nứt, con cái dễ lầm đường lạc lối
Một tình trạng phổ biến khác là nếu cha mẹ ly hôn do có nhiều mâu thuẫn và sóng gió tình cảm, khiến con cái trở nên lo lắng, tức giận hoặc suy sụp về tinh thần. Những đứa trẻ này dễ rơi vào tủi thân và mặc cảm, cô đơn, bất lực trong đường đời. Về tình cảm, dễ nảy sinh mâu thuẫn và cảm giác bất an. Về hành vi, các em sẽ không biết đi đâu về đâu, có em sẽ có biểu hiện trốn tránh, cũng có em trở nên nổi loạn, thô lỗ với người khác hoặc âm thầm phản đối cha mẹ.
Theo quy trình ly hôn tránh gây ảnh hưởng đến trẻ em
Khi cha mẹ có mối quan hệ thù địch, mâu thuẫn và không sống cùng nhau, trẻ sẽ cảm thấy bị hụt hẫng. Việc đặt trẻ dưới áp lực lớn không chỉ dễ dẫn đến việc trẻ không thích nghi được mà còn gây ra những tổn thương về tâm lý. Vì vậy, cho dù tính cách hai bên không hợp nhau và phải ly hôn, thì tốt nhất bạn nên ly thân một cách hợp lý thông qua quá trình tư vấn hôn nhân.
Cha mẹ chia lìa, nhưng tình yêu đối với con không đổi
Dù quan hệ vợ chồng chấm dứt sau khi ly hôn, nhưng hai người vẫn nên tiếp tục hợp tác để giảm bớt ảnh hưởng tâm lý cho con cái. Điều quan trọng nhất là cả hai bên cần quan tâm đến nhu cầu của con, để con hiểu rằng: “Bố mẹ quan tâm con. Tình yêu dành cho con sẽ không thay đổi” .
Cha mẹ hãy dành cho trẻ sự đảm bảo về tình yêu bằng cách trấn an trẻ: “Bố mẹ sẽ không vì xa cách nhau mà phớt lờ hay giảm bớt tình yêu thương dành cho con, và bố mẹ vẫn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con.”
Nếu trẻ cho rằng chính bạn là nguyên nhân khiến hai người ly hôn, bạn cần cho trẻ biết: “Chuyện này, không phải lỗi của ai cả” . Bạn có thể giải thích: “Bố mẹ đã rất cố gắng rồi, nhưng có có những thứ không vượt qua được nên mới lựa chọn cách chia tay”.
Hạn chế thay đổi môi trường sống và lo lắng cho trẻ
Vì sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ có quá nhiều sự thay đổi cần thích nghi, tốt nhất cha mẹ nên bàn bạc phương án sao cho con ít phải trải qua những thay đổi nhất.
Sau khi ly hôn, trẻ có thể phải thay đổi môi trường sống, người chăm sóc chính, chuyển trường và rời xa bạn học, thầy cô… Để một đứa trẻ trải qua nhiều mất mát cùng một lúc như thế có thể vượt quá phạm vi chịu đựng của trẻ. Sự không chắc chắn sẽ gây lo lắng cao độ, hiểu rõ từng thay đổi sẽ giúp trẻ bớt lo lắng, vì vậy hãy cho trẻ biết những thay đổi sẽ xảy ra trong tương lai.
Để giảm bớt cảm giác tội lỗi, một số ông bố, bà mẹ sẽ muốn che giấu việc bố mẹ đã ly hôn, điều này thật ra lại không tốt cho trẻ. Bởi làm vậy dễ khiến trẻ bị tổn thương thứ phát và làm mất lòng tin của trẻ đối với người khác.
Mối quan hệ giữa cha mẹ sau ly hôn vẫn cần tiếp tục hợp tác, nếu muốn giảm bớt ảnh hưởng tâm lý cho trẻ thì điều quan trọng nhất là cả hai bên đều chú trọng đến nhu cầu của trẻ.
Cha mẹ nên quan sát sự thích nghi của con cái sau ly hôn
Đối với những trẻ có tính cách bướng bỉnh hơn, cú sốc sẽ càng mạnh và có thể biểu hiện hành vi thất thường, do vậy mà cần thời gian để điều chỉnh lại lâu hơn.
Ngay cả khi đứa trẻ hiểu lý do ly hôn và không đau khổ về mặt cảm xúc, cha mẹ vẫn cần tiếp tục quan sát sự thay đổi trạng thái tâm lý của trẻ, bao gồm tổn thương tâm lý tiềm ẩn, khó khăn trong học tập hoặc tâm lý căng thẳng ở tuổi vị thành niên và khủng hoảng ý thức hôn nhân trong tương lai.
An Chi, Visison Times