Làm sao để không rơi vào tín dụng đen?
Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm “Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật!" được tổ chức sáng ngày...
Làm sao để không rơi vào tín dụng đen?
Vấn đề này được đặt ra tại Tọa đàm “Tín dụng tiêu dùng: Cho vay và thu hồi nợ đúng pháp luật!" được tổ chức sáng ngày 20/04/2023.
Tổng dư nợ tiêu dùng của TPHCM hơn 933,000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP HCM nhìn nhận thị trường tín dụng tiêu dùng ở TPHCM có nhiều đơn vị cùng tham gia từ ngân hàng, công ty tài chính và những khách hàng có nhu cầu vay vốn. Tín dụng tiêu dùng là hoạt động không thể thiếu trong đời sống hằng ngày nên các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm.
Đến nay, tổng dư nợ tiêu dùng của TPHCM đạt hơn 933,000 tỷ đồng, trong đó khối các công ty tài chính khoảng 104,000 tỷ đồng. Nếu tính dân số khoảng 9.2 triệu người (thống kê vào năm 2021), bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng.
Những năm vừa qua, bình quân mỗi năm, tăng trưởng cho vay tiêu dùng trên địa bàn đạt khoảng 36%. Nếu năm 2018, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM khoảng 500,000 tỷ đồng thì đến nay, đã lên tới khoảng 933,000 tỷ đồng.
Năm 2022, cho vay tiêu dùng tăng 21.9% so với năm trước, phù hợp với tình hình thực tiễn kinh tế của TPHCM. Đến cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ tín dụng trên toàn địa bàn 22% và tín dụng tiêu dùng khoảng 30% là nhu cầu lớn và thiết thực, nếu làm đúng sẽ tích cực lan tỏa tới kinh tế.
Hiện, một số ngân hàng cũng phát triển cho vay tiêu dùng cá nhân phục vụ đời sống người dân, cho vay bán lẻ, kích cầu từ phía người tiêu dùng, kích cầu cho nền kinh tế, tăng trưởng, đầu tư. Một số ngân hàng cho vay kích cầu, tiêu dùng, đây là ý nghĩa rất lớn từ tiêu dùng…
Cho vay tiêu dùng trung dài hạn trong tổng dư nợ chiếm tỷ lệ 86%. Xu hướng tiêu dùng, không dừng lại ở cho vay tiêu dùng ngắn hạn mà còn là trả nợ trong thời gian dài nên tỷ trọng cho vay trong dài hạn tích cực đời sống người dân, với thời hạn vay từ 10-15 năm.
Nếu phân theo mục đích vay vốn tiêu dùng, thì vay vốn tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng cao nhất hiện nay trong tổng mức cho vay tiêu dùng là 65%, cho thấy nhu cầu vay vốn trung dài hạn là rất nhiều và tích cực.
Giải pháp phát triển tín dụng tiêu dùng an toàn
Ông Dũng cũng chia sẻ để phát triển thị trường tín dụng an toàn, tích cực, hiệu quả, vừa phòng và chống tín dụng đen cần tập trung vào các vấn đề sau:
Đầu tiên là công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về tín dụng đen để không rơi vào vòng xoáy này. Cụ thể, nên tuyên truyền trực tiếp về kênh phường, xã, công nhân, nhóm dân phố. Ngân hàng chính sách xã hội đang làm rất tốt chuyện này.
Thứ 2, hầu hết công nhân, người lao động làm việc trong giờ hành chính; các tổ chức cho vay như công ty tài chính, ngân hàng cũng làm việc trong giờ hành chính nên công nhân, người lao động gặp hạn chế trong tiếp cận các tổ chức tín dụng chính quy. Trong khi đó, các app cho vay không chính quy thì rất dễ tiếp cận, thủ tục vay vốn cũng rất dễ dàng. Do vậy, làm sao giải quyết được sự lệch pha này.
Thứ 3, về nắm bắt thông tin, UBND các quận huyện, TP. Thủ Đức nên nắm bắt thông tin những app cho vay không chính thống, không rõ ràng hoạt động trên địa bàn để phối hợp với cơ quan công an có giải pháp xử lý.
Thứ 4, về chính sách chỉ đạo, NHNN và UBND TPHCM tiếp tục quan tâm, có các chương trình chủ trương, chính sách, đặc biệt ngân hàng chính sách xã hội thiết kế các gói cho công nhân lao động. Vừa rồi, gói 120,000 tỷ đồng đang triển khai ở 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với lãi suất 8.7% đối với vay đầu tư nhà ở xã hội, nếu cá nhân người vay là 8.2%.
Về giải pháp đối với các tổ chức tín dụng, bên cạnh những gói tín dụng chung 120,000 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại (NHTM) cần có các gói tín dụng kịp thời để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Ngân hàng chính sách xã hội cũng nên có chương trình cho vay thí điểm, người lao động, công nhân…
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng vừa phát triển công nghệ, thủ tục để mọi tầng lớp dân cư tiếp cận được. Về thu hồi nợ, các NHTM cần tuân thủ hướng dẫn của NHNN tại Thông tư 43 và Thông tư 39 về thu hồi nợ, xác định như thế nào là đe đọa… Các NHTM cũng có quy định, hướng dẫn cụ thể và quan trọng là từng ngân hàng, công ty tài chính phải quan tâm, hướng dẫn nhân viên, đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban ngành để tránh cho vay nặng lãi.
Hoạt động cho vay và thu hồi nợ trong quý 1 tăng trưởng thấp
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TPHCM bổ sung thêm, các quy định hiện tại gồm Thông tư 43 và Thông tư 18 ban hành (quy định chi tiết về quy trình cho vay, lãi suất, văn hóa thu hồi nợ,…), các công ty thực hiện khá nghiêm túc.
Tuy nhiên, 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, hiện chưa có kết luận. Cả nước hiện có 16 công ty được NHNN cấp phép trong khi các app không được cấp phép rất nhiều gây ảnh hưởng những công ty chính thống khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận, bị ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng đen.
Hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý 1 tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Giai đoan 2016-2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng 19-20%, chiếm 14-15% tổng dư nợ chung, cao hơn tăng trưởng chung nhưng quý 1/2023 ngược lại.
Khó khăn tiếp theo là đội ngũ chính thống nghỉ việc nhiều, khó tuyển dụng do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội. Do khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn, chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng đen, ông Minh đề xuất cần tăng cường giải pháp tuyên truyền tránh để khách hàng ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và công ty trái pháp luật.
Theo đó, NHNN cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý, cần được công bố để người dân có nhìn nhận tốt hơn. Cần truyền thông thêm nghĩa vụ người đi vay, rủi ro trả nợ không đúng hạn, người dân có niềm tin hơn.
Các công ty tài chính nên tiếp tục quảng bá hình ảnh - công ty chính thống hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng. Cho công nhân KCX-KCN, vay trả góp, mở rộng mạng lưới, góp phần vùng sâu xa. Đặc biệt, phải cải tiến văn hóa thu hồi nợ.
Hàn Đông