Làm sao để khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Như vậy, để khơi thông trở lại thị trường TPDN, cần cả một sự nâng cấp của thị trường, nhà đầu tư, nhà phát hành và cơ quan chức năng một cách toàn diện.
Làm sao để khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
Để khơi thông trở lại thị trường TPDN, cần cả một sự nâng cấp của thị trường, nhà đầu tư, nhà phát hành và cơ quan chức năng một cách toàn diện.
TCTD được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đến hết 31/12/2023?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
NHNN có bổ sung yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành và đã được kiểm toán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên có quy định này vì khi ngân hàng mua trái phiếu của 1 doanh nghiệp cũng có nghĩa là đang cho doanh nghiệp đó vay. Mà nếu là cho vay, thì phải xét đến tổng thể tình hình của các doanh nghiệp, kể cả dòng vốn. Từ đó, ngân hàng sẽ đi đến kết luận là có nên cho vay hay không.
Quy định này nhằm giảm rủi ro cho ngân hàng, vì nếu mua trái phiếu của 1 doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy vượt quá 5 lần trên vốn chủ sở hữu là quá cao. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp đòn bẩy tài chính lên đến 10 lần, như ngân hàng chẳng hạn, hệ số CAR có thể là 10%, nhưng các ngân hàng có thể mua trái phiếu của nhau được.
Ông Hiếu cho rằng, khi ngân hàng mua trái phiếu, phải xét tổng thể tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, mà đặc biệt là dòng tiền có hay không để trả nợ. Vấn đề đòn bẩy tài chính chỉ là hệ số xác định trên bảng cân đối kế toán.
Và bảng cân đối kế toán là phản ánh của một thời điểm nào đó, chứ không phải là thời kỳ như kết quả kinh doanh hay báo cáo dòng tiền. Kết quả kinh doanh và báo cáo dòng tiền là luân chuyển tiền tệ cho cả năm. Cho nên phải kết hợp cả báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh với báo cáo dòng tiền, để xem xét doanh nghiệp có tiền trả hay không. Nhiều doanh nghiệp tỷ lệ đòn bẩy rất thấp chỉ 2 lần, nhưng dòng tiền lại không có, kết quả là những doanh nghiệp này dễ dàng phá sản, dễ vỡ nợ.
Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp như ngân hàng chẳng hạn, đòn bẩy tài chính rất lớn, lên đến 10 lần nhưng lại có dòng tiền, nên vẫn có thể phục vụ được việc trả nợ.
Nên cấm triệt để ngân hàng mua trái phiếu của một doanh nghiệp để đảo nợ
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngân hàng không được mua TPDN để doanh nghiệp đảo nợ. Trường hợp này có nghĩa là doanh nghiệp vay nợ của ngân hàng và nợ đó không có khả năng thanh toán, trở thành nợ xấu, sau đó doanh nghiệp phát hành TPDN, ngân hàng mua TPDN đó, đưa tiền cho doanh nghiệp để xóa nợ cũ, chỉ còn nợ mới trên TPDN.
Do đó, ông Hiếu nhận thấy nên cấm triệt để ngân hàng mua trái phiếu của một doanh nghiệp để đảo nợ cho doanh nghiệp đó, hoặc đảo nợ cho doanh nghiệp khác cũng vậy.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác và TPDN phát hành trong đó có mục đích để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác.
Theo ông Hiếu, quy định này là đúng vì vấn đề doanh nghiệp đầu tư mua cổ phần tại doanh nghiệp khác là đầu tư dài hạn, trong khi nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ngân hàng mua trái phiếu đó, đưa tiền cho doanh nghiệp để đầu tư, thì việc phát hành trái phiếu là vốn ngắn hạn, có thời hạn. Còn việc dùng vốn có thời hạn cho một đầu tư không có kỳ hạn (việc mua cổ phiếu doanh nghiệp). Đây là việc không khớp về kỳ hạn, vi phạm nguyên tắc rủi ro kỳ hạn. Do vậy, ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp để trái phiếu đó đầu tư dài hạn hoặc vô kỳ hạn vào 1 doanh nghiệp khác là ngân hàng tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp đó vỡ nợ.
Làm sao để khơi thông dòng vốn trên thị trường TPDN?
Hiện tại, thị trường TPDN đang đóng băng và mọi người đều muốn khơi thông dòng vốn, tức là trên thị trường có người mua, người bán, có người phát hành trái phiếu, có người mua trái phiếu.
Và trên thị trường 1, thị trường 2 tạo ra tính thanh khoản và giúp dòng vốn lưu thông, giúp có lợi cho cả 2 bên. Doanh nghiệp có vốn để kinh doanh, nhà đầu tư có thị trường mua bán để kinh doanh trên trái phiếu. nhưng hiện tại, tất cả đều đang đóng băng.
Để khơi thông được dòng vốn trên thị trường TPDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đầu tiên và chính yếu là tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Hiện tại, nhà đầu tư không dám tham gia vào thị trường TPDN. Do đó, đầu tiên chính là tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
Nhưng muốn tạo được niềm tin, thì trước hết phải tránh tình trạng những nhà phát hành hiện tại đang ngấp nghé trên bờ vực vỡ nợ. Nếu các doanh nghiệp phát hành vỡ nợ hàng loạt, sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền.
Ông Hiếu còn cho rằng, Nghị định 08 chưa thể giúp gì trong vấn đề tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư. Gần đây, có lẽ có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng chưa phải là dấu hiệu cho thấy thị trường trái phiếu phục hồi.
Do đó, việc đầu tiên, Chính phủ phải có biện pháp ngăn chặn vấn đề vỡ nợ hàng loạt trên thị trường trái phiếu.
Thứ hai, phải có công cụ để giúp cho thị trường minh bạch, và vấn đề xếp hạng tín nhiệm phải chờ thêm 1 năm nữa. Đáng ra việc xếp hạng tín nhiệm phải được thực hiện ngay bây giờ là tốt nhất, vì nhà đầu tư cần có công cụ để biết trái phiếu mua có trả được nợ hay không. Và xếp hạng tín nhiệm là một trong những công cụ này.
Bên cạnh đó, các nhà phát hành phải kinh doanh bài bản, những bản cáo bạch, hợp đồng trái phiếu phải minh bạch, báo cáo tài chính phải được làm rõ ràng . Đặc biệt, các nhà phát hành phải có phương án hoạt động từ 3-5 năm và phải dựa trên những giả định hợp lý.
Cuối cùng, trái chủ phải có kiến thức, đọc được những báo cáo này.
Cát Lam