Làm sao để dòng tiền trở lại thị trường?

Chia sẻ Facebook
28/12/2022 13:06:26

Trong những tháng cuối năm 2022, thanh khoản thị trường đã cải thiện so với tháng 10 - 11 (tăng lên 13,000 - 15,000 tỷ đồng so với thanh khoản chỉ 8,000 - 10,000 tỷ đồng trước đó). Tuy nhiên, nếu so với thanh khoản khoảng 30,000 tỷ đồng hồi đầu năm thì con số hiện tại đã giảm đi đáng kể.

Làm sao để dòng tiền trở lại thị trường?

Trao đổi riêng với chúng tôi qua email, Bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) đã chỉ ra các yếu tố hỗ trợ dòng tiền trên thị trường chứng khoán năm 2023.

Cụ thể, để kỳ vọng dòng tiền có thể tốt hơn trên thị trường chứng khoán trong năm tới thì cần phải cho nhà đầu tư thấy thị trường chứng khoán hiệu quả và hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác. Do đó những chính sách và thay đổi về vĩ mô được kỳ vọng sẽ giúp dòng tiền vào thị trường chứng khoán tốt hơn.

Đầu tiên, việc lãi suất tiền gửi và cho vay không tiếp tục tăng mà quay đầu giảm, giúp dòng tiền từ chứng khoán ngưng dịch chuyển sang kênh tiền gửi, chi phí sử dụng vốn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng thấp hơn, từ đó gia tăng một lượng tiền cho kênh chứng khoán.

Các chuyên gia phân tích tại TCSC chỉ ra một yếu tố quan trọng, đó là thị trường phải ổn định hơn. Điều này cũng thể hiện trong thời gian cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2022, khi thị trường ổn định, lập tức có một dòng tiền mới vào thị trường và giúp thị trường tăng hơn 20% chỉ sau 2 - 3 tuần, thanh khoản cũng tăng khoảng 20 - 30%.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán cũng trông chờ vào chính sách tháo gỡ khó khăn tại thị trường trái phiếu và room tín dụng ngân hàng. Đây là yếu tố làm thị trường giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022. Nếu nút thắt này được tháo gỡ sẽ giúp dòng tiền mới quay lại thị trường.

Cuối cùng, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và xuất hiện nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn. Đây là yếu tố cốt lõi của thị trường chứng khoán và sẽ giúp thị trường bền vững. Nếu lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng sẽ kích thích dòng tiền quay lại kênh này.

Khi các yếu tố trên được cải thiện, dòng tiền cá nhân sẽ gia tăng trở lại. TCSC đánh giá quý 2/2023 sẽ là thời điểm thị trường chứng khoán có thể bùng nổ trở lại khi lãi suất dự kiến sẽ không gia tăng, tính thanh khoản của thị trường cải thiện, tình hình vĩ mô cũng ổn định hơn, từ đó sẽ là điểm kỳ vọng cho thị trường trong năm sau.

Kỳ vọng ở dòng tiền ngoại và đầu tư công


Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của thế giới về vĩ mô (tăng trưởng GDP cao, lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, ngành công nghiệp bán lẻ vẫn duy trì tăng trưởng tốt), tuy nhiên thị trường chứng khoán năm 2022 lại giảm mạnh nhất nhì thế giới, đây sẽ là lý do nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho năm 2023. Trong 3 tuần đầu quý 4/2022, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 1 tỷ USD trên thị trường Việt Nam. Dòng tiền từ Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Mỹ, Thái Lan liên tục gia tăng tỷ trọng trên thị trường. TCSC đánh giá năm 2023, dòng tiền nước ngoài sẽ là điểm sáng cho chứng khoán Việt Nam.

Mặt khác, cho năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp khá nhiều thách thức do sức mua trong nước đang suy giảm rõ rệt, triển vọng xuất khẩu ảm đạm (đặc biệt giai đoạn đầu năm). Do đó, đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Dòng vốn này sẽ có tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến vật liệu xây dựng và xây dựng. Các nhóm ngành khác như bất động sản, ngân hàng, dich vụ… cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ dòng vốn này.

Đối với dòng tiền từ thoái vốn nhà nước, TCSC có quan điểm như sau: Giai đoạn năm 2022 - 2023, sẽ có khoảng 53 doanh nghiệp sẽ được thoái vốn, đồng nghĩa sẽ có hơn 1/3 số doanh nghiệp sẽ được thoái vốn từ cuối năm 2022 đến hết năm 2023, tập trung nhiều vào các doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường. Điều này phản ánh một phần định hướng Chính phủ về việc sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, các doanh nghiệp thoái vốn sẽ hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn khi không còn dưới sự kiểm soát Chính phủ. Về phía Chính phủ sẽ có thêm ngân sách để tái đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết trong các năm tiếp theo. Nếu như kỳ vọng này xảy ra, những cổ phiếu liên quan đến đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và vật liệu xây dựng sẽ là những ngành hưởng lợi từ năm tới.

Thị trường chứng khoán 2023 sẽ có tính ổn định cao hơn


Sau nhiều biến động của năm 2022, Bộ phận phân tích TCSC đánh giá việc dự đoán VN-Index năm 2023 là rất khó. Tuy nhiên thị trường năm sau sẽ ít rủi ro và tính ổn định cao hơn so với 2022. Nếu như kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2023 tăng khoảng 10%, đồng thời mức định giá tại P/E 11 lần hiện tại là khá thấp so với quá khứ, thì định giá có thể rơi vào mức 12 - 13 lần, cải thiện khoảng 10 - 20%. Lợi nhuận và định giá thì kỳ vọng thị trường tăng khoảng 20 - 30% cho năm 2023.

Tâm điểm trong nước năm 2023, theo đánh giá của TCSC sẽ là các vấn đề liên quan đến đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Trong năm 2023, sẽ có hơn 287,000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn, cao hơn 24% so với mức 231,000 tỷ của năm 2022. Rủi ro vỡ nợ đối với các doanh nghiệp có tài chính và dòng tiền yếu kém là rất lớn. Điều này sẽ gây ra khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư đối với các kênh đầu tư rủi ro, đặc biệt là trái phiếu và thị trường chứng khoán.

Chí Kiên

Chia sẻ Facebook