Làm sạch mặt bàn đá từ tự nhiên đến nhân tạo: Có loại tuyệt đối phải tránh giấm!
Giấm là một nguyên liệu có tính tẩy rửa, làm sạch tốt, tuy nhiên trong một số trường hợp, đặc biệt với mặt bàn đá tự nhiên thì lại hoàn toàn phản tác dụng.
Ngày nay, việc sử dụng vật liệu đá vào trong thiết kế, kiến trúc cả nội thất và ngoại thất nhà cửa dần trở thành xu hướng bởi nó mang lại vẻ đẹp hiện đại, tinh tế. Vật liệu đá thường được sử dụng làm bàn bếp, bàn ăn, bàn uống nước hay bồn rửa bát.
Ưu điểm được chỉ ra của vật liệu này đó là nhiều mẫu mã, màu sắc để người dùng lựa chọn, việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết hơn so với các vật liệu khác.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, cũng không thể tránh khỏi việc chiếc bàn đá hoặc bồn đá nhà bạn bị bẩn, xuất hiện những vết ố vàng gây mất thẩm mỹ cho tổng thể không gian.
Nhiều người dùng đã phải than trời vì không biết xử lý vấn đề này như thế nào một cách triệt để. Tuy nhiên trên thực tế, việc vệ sinh mặt bàn đá, bồn đá lại không khó như bạn nghĩ. Từ những vật liệu đơn giản, dễ dàng tìm thấy ở nhà hoặc bất cứ siêu thị nào, bạn có thể giúp cho chiếc bàn, bồn đá "sạch bong, sáng bóng" như mới!
Với mặt đá tự nhiên
Đá tự nhiên có thể kể tới như đá hoa cương Granite, đá thạch anh hay đá cẩm thạch. Đặc điểm chung của chúng là chịu nhiệt, chống thấm nước tốt, ít khi xảy ra tình trạng bong tróc hay biến dạng như các loại gạch men.
Trước khi vệ sinh, hãy quét, hút bụi sạch bề mặt đá. Đá tự nhiên khá nhạy cảm với bụi bẩn, chỉ cần một động tác nhỏ cũng đủ gây nên tình trạng trầy xước.
Nhiều người nghĩ rằng giấm cũng có thể là một phương pháp làm sạch hiệu quả với mặt đá tự nhiên, tuy nhiên điều này là hoàn toàn sai lầm. Bởi trong giấm ăn có chứa thành phần axit, nó có thể gây tổn hại cho bề mặt đá, làm vết bẩn, vết ố vàng không những không hết mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
Lời khuyên của các chuyên gia là hãy sử dụng các chất tẩy rửa chuyên dụng như nước rửa chén, nước lau bếp... Cho trực tiếp chúng lên bề mặt cần làm sạch, sau đó dùng khăn mềm, ẩm hoặc miếng rửa bát để lau.
Các chất tẩy rửa chuyên dụng có độ PH trung tính, giúp đảm bảo tính an toàn cho mặt đá. Tùy theo độ đậm/nhạt của vết bẩn, hãy cân đối lượng chất và tần suất lau sao cho phù hợp.
Thêm một lưu ý nữa, đó là ngay khi làm đổ thức ăn, đồ uống gây mất vệ sinh cho mặt đá, hãy vệ sinh ngay lập tức. Tránh để lâu ngày, vết bẩn càng bám sâu và chặt, khó xử lý. Bạn cũng cần lau chùi, đánh bóng mặt đá tự nhiên thường xuyên, định kỳ để chúng có độ bền đẹp cao nhất.
Với mặt đá nhân tạo
So với đá tự nhiên, thành phần của đá nhân tạo có thêm Polymer và các chất tạo màu, tạo nên những đường vân khác.
Để vệ sinh các vết bẩn, đặc biệt là những vết bẩn khô, bám dính lâu ngày trên mặt đá nhân tạo, bạn có thể tận dụng những nguyên liệu quen thuộc, sẵn có trong nhà mình như kem đánh răng, cồn hay kem chống nắng. Cách làm với từng nguyên liệu vô cùng đơn giản như sau:
Dùng kem đánh răng:
Kết hợp kem đánh răng với baking soda theo tỉ lệ 1:1, rồi thoa hỗn hợp này lên các vị trí bị dính các vết bẩn. Sau khoảng 5 - 10 phút, dùng khăn ẩm, mềm để lau sạch hỗn hợp theo hình xoắn ốc.
Đối với những vết bẩn lâu ngày, thực hiện thêm vài lần để xử lý triệt để.
Dùng cồn:
Sử dụng cồn có nồng độ mạnh, trên 50% để tẩy sạch vết bẩn. Bạn có thể tẩm cồn vào bông hoặc khăn mềm rồi lau nhiều lần lên vị trị các vết bẩn.
Nếu không có cồn, rượu cũng được coi là một nguyên liệu thay thế hiệu quả.
Dùng kem chống nắng:
Dùng kem chống nắng để làm sạch các vết bẩn nghe có vẻ vô lý nhưng thực tế lại đem lại hiệu quả bất ngờ. Tuy nhiên, bạn chỉ nên áp dụng phương pháp này với các vết bẩn nhỏ, nếu không sẽ khá tốn kém vì giá thành của kem chống nắng chất lượng cũng khá đắt.
Bôi một lượng kem vừa phải lên các vết bẩn, chờ khoảng 5 - 10 phút rồi dùng khăn mềm lau kem đi. Lúc này, các chất bẩn cũng sẽ theo kem chống nắng rời khỏi về mặt đá.
Với bề mặt đá tự nhiên, cũng có những chất phải tránh hoàn toàn trong việc vệ sinh để đảm bảo độ bền đẹp của đá.
Đầu tiên là Aceton (có trong nước tẩy móng tay), loại chất này dễ cháy, nguy hiểm khi sử dụng để làm sạch bàn bếp. Aceton có thể hóa hơi và bay là là trên mặt đất, cũng bởi nặng hơn không khí nên nếu gặp lửa khi hút thuốc hoặc nấu ăn, chúng có thể gây hỏa hoạn. Thêm vào đó, axit trong aceton có thể phá hủy lớp sơn bóng trên mặt đá nhân tạo.
Thứ 2 là thuốc tẩy mạnh. Tính bào mòn của các loại thuốc tẩy mạnh rất cao, sẽ làm hỏng lớp chống thấm trên mặt đá. Hơn nữa, khi sử dụng thuốc tẩy mạnh để làm sạch bàn ăn, bàn bếp đá, thực phẩm vô tình sẽ bị ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.
Cuối cùng là đừng dại dột mà dùng các loại dung dịch tẩy bồn cầu mà vệ sinh mặt bàn đá nhân tạo nhà mình. Trong các dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh có thành phần tẩy cực mạnh, được tổng hợp từ các acid vô cơ. Chính điều này giúp chúng có khả năng tẩy rửa tốt và loại bỏ các vi khuẩn trong nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, nếu bạn dùng chúng cho bàn ăn hay bàn bếp, bàn uống nước thì các thành phần đó sẽ phá hủy lớp men đá, làm giảm chất lượng mặt đá.
Một số lưu ý khi sử dụng mặt bàn đá để được bền đẹp:
- Không cắt, chặt thực phẩm trực tiếp trên mặt đá
- Không đặt vật nóng lên bề mặt đá mà không có tấm lót nhiệt
- Lau chùi, vệ sinh bàn đá thường xuyên
- Tránh tác động lực mạnh lên bàn
Theo Thu Phương
Trí Thức Trẻ