Làm rõ nợ xấu mới từ cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp

Chia sẻ Facebook
15/04/2022 11:12:04

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có đánh giá nợ xấu phát sinh mới, nhất là liên quan đến lĩnh vực bất động sản, liên quan đến trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: Q.H.


Sáng 14-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự thảo nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Lo lắng hệ lụy từ xử lý các tập đoàn vi phạm như FLC, Tân Hoàng Minh

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá nghị quyết mang lại nhiều chuyển biến quan trọng trong xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu tổ chức tín dụng và đề nghị các thành viên tập trung cho ý kiến đánh giá vai trò, kết quả của nghị quyết cũng như vướng mắc.

"Chúng tôi nghiên cứu sơ bộ, vướng mắc chủ yếu ở khâu thực thi", ông Huệ nói và cho rằng cần làm rõ tổng số nợ xấu được xử lý theo nghị quyết 42 là bao nhiêu, đã xử lý được bao nhiêu, còn lại như thế nào.


Đặc biệt ông đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày nghị quyết 42 có hiệu lực. Nhất là nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chứ "không phải tất cả cái gì cũng 'đổ' cho COVID-19" và nợ xấu từ cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp, ngân hàng là trái chủ.

Ông nêu rõ vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đã cảnh báo nhiều lần rồi, chứ không phải bây giờ mới cảnh báo. Tình hình thị trường chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp chắc chắn tới đây rất nóng và đã giao Ủy ban Kinh tế rà soát, kiểm tra, đánh giá.


Đề cập gần đây xử lý các tập đoàn lớn vi phạm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay, cử tri băn khoăn, liệu việc xử lý đó có ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng không.

Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tham mưu Chính phủ tiếp tục rà soát, xây dựng các phương án, kịch bản linh hoạt để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh, như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, bất ổn chính trị, liên quan đến số lượng lớn khách hàng có dư nợ lớn... để sớm phục hồi, làm lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ...


"Ngân hàng Nhà nước nên phối hợp Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử phù hợp nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư liên quan thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp gần đây, đặc biệt liên quan hai tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh", bà Thanh nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Tấn Tới cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu hơn việc xuất hiện các loại tội phạm mới sau khi thực hiện nghị quyết 42 như tội phạm thao túng thị trường chứng khoán, việc thu hồi tài sản đảm bảo liên quan...


Đề nghị kéo dài thêm 2 năm chính sách xử lý nợ xấu


Trước đó, trình bày tờ trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói, sau 5 năm thực hiện nghị quyết 42, nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỉ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Lũy kế từ khi nghị quyết 42 có hiệu lực (15-8-2017) đến 31-12-2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỉ đồng nợ xấu.


Cạnh đó, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31-12-2021 giảm 17,2% so với thời điểm có hiệu lực.


Bà Hồng cũng chỉ rõ, đến 31-12-2021, đánh giá một cách thận trọng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 6,31% (khoảng 813.000 tỉ đồng). Đáng lưu ý, nợ xấu chưa xử lý theo nghị quyết 42 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỉ đồng...


Chính phủ đề nghị kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết số 42 đến ngày 15-8-2024 để tạo cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu còn tồn đọng và những khoản nợ theo nghị quyết 42 bị chuyển thành nợ xấu do tác động của đại dịch COVID-19.


Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết 42 và áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua nghị quyết tại 1 kỳ họp (tháng 5-2022) nhằm bảo đảm sự kịp thời cũng như tạo cơ sở pháp lý liên tục cho công tác xử lý nợ xấu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, dự án luật nào chưa đủ điều kiện, chưa 'chín' thì để lại. Đồng thời, ủy ban nào đề xuất mà sau này không thực hiện được phải chịu trách nhiệm.

Chia sẻ Facebook