Lạm quyền trục lợi, đất đai bỏ hoang rất 'đau lòng và bức xúc'
Đề cập đến trách nhiệm của quản lý nhà nước trong quản lý đất đai, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng có tình trạng lạm quyền trục lợi từ đất đai, cũng như tư duy nhiệm kỳ gây lãng phí sử dụng đất đai.
Lạm quyền trục lợi, đất đai bỏ hoang rất 'đau lòng và bức xúc'
Sáng 27.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, khác với nhiều nước sở hữu tư nhân đất đai, sở hữu đất đai của Việt Nam có thể chế đặc thù, Hiến pháp khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Quyền lực rất lớn được trao gửi cho bộ máy nhà nước, sao cho sử dụng hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Song theo bà Mai, thực tế bên cạnh những kết quả đạt được thì quản lý đất đai vẫn đang đối mặt nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng không cao. Dẫn chứng là số thu ngân sách liên tục tăng, nhưng chủ yếu là thị trường sơ cấp, 67% là từ tiền sử dụng đất, 12% từ tiền thuê đất, số thu tăng thêm từ đầu tư trên đất không cao.
Lãng phí đất đai là thực trạng đáng nhức nhối, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trên phạm vi toàn quốc có 743 triệu m 2 đất đang hoang hoá, sử dụng sai mục đích, nhưng tiền thu được rất thấp, chỉ có 286 tỉ đồng. Chỉ qua giám sát 7 địa phương có 1.739 dự án treo tương đương hơn 12.000 ha đất hoang, “sự thật rất đau lòng và gây bức xúc”.
Có nhiều nguyên nhân, song theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, có khía cạnh trách nhiệm quản lý nhà nước.
“Thực tế tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai rất lớn, qua giám sát bên cạnh địa phương tích cực thu hồi đất hoang hoá, thì còn những địa phương sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng lên”, bà Mai nói.
Bên cạnh đó, có tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân từ đất đai. Báo cáo 599 của Kiểm toán nhà nước cho thấy có biểu hiện lợi ích nhóm ở một số địa phương, vi phạm về đấu thầu, giao đất không qua đấu giá.
Địa phương vướng mắc, bộ ngành nói 'theo quy định pháp luật'
Trách nhiệm bộ máy công quyền một số trường hợp không cao, còn một bộ phận thờ ơ thiếu trách nhiệm. Hiện nay giải quyết đất đai không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm rất nhiều bộ ngành liên quan.
"Nhưng khi vướng mắc, địa phương gửi câu hỏi cho bộ ngành, thì câu trả lời của các bộ ngành luôn là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”, ngay cả khi pháp luật chưa có quy định hoặc quy định khác nhau thì câu trả lời vẫn là “cứ thực hiện theo quy định pháp luật”. Như vậy vướng mắc không thể giải quyết, gây bức xúc và thất vọng cho các địa phương”, bà Mai nói.
Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, vẫn còn tâm lý e dè, tạo sức ì rất lớn trong cơ quan công quyền, dễ hiểu tại sao hiện nay có dự án trải qua hàng chục năm vẫn vướng mắc.
Đất đai là vấn đề phức tạp, không phải một sớm chiều giải quyết được ngay, nhưng người dân mong chính quyền cần xử lý quyết liệt các vướng mắc đất đai, cần đưa ra lộ trình, thời hạn cụ thể, được nghị quyết hoá vì đó là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan công quyền.
Theo bà Mai, về thể chế, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận về luật Đất đai, hiện đang có nhiều tư tưởng mới được đưa ra, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, chỉ cần giải quyết được vướng mắc, bức xúc hiện nay đã là thành công lớn
Đại biểu này cũng đề nghị cần đề cao trách nhiệm, cần rất cần cơ chế minh bạch, ranh giới đúng sai rõ ràng để bảo vê những người trong bộ máy công quyền, khơi thông tâm lý e dè lo lắng.
Đồng thời, tăng hơn nữa trách nhiệm giám sát, không để trục lợi cá nhân, không cho phép các thế lực thù đích nói “nếu như đất đai trong sở hữu tư nhân sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều hơn nhà nước”.
Mai Hà
Thanh niên