Lạm phát tiêu dùng tại Thủ đô Tokyo tăng cao nhất trong 40 năm
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi tại Thủ đô Tokyo đã tăng tháng thứ 14 liên tiếp, với mức tăng cao hơn so với mức tăng 2,8% trong tháng 9.
Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 28/10, CPI lõi - không bao gồm các mặt hàng thực phẩm tươi sống - tại Thủ đô Tokyo trong tháng 10 đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm qua. Đây là bằng chứng mới cho thấy đồng Yen yếu đang làm gia tăng áp lực lạm phát do giá hàng hóa cao hơn.
Chỉ số lạm phát ở Thủ đô Tokyo được sử dụng để dự đoán lạm phát tại các nơi khác ở Nhật Bản. Các nhà kinh tế dự đoán CPI lõi của Nhật Bản sẽ tăng hơn nữa từ nay đến cuối năm, thách thức nỗ lực duy trì chính sách lãi suất siêu thấp của BOJ.
Cụ thể, giá thực phẩm (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tại Tokyo trong tháng 10 tăng 5,9%; giá năng lượng cũng tăng 24,2%, trong đó giá điện và gas tăng tương ứng 26,9% và 29,3%.
Giá xăng và dầu hỏa cũng tăng nhưng tốc độ chậm do chính phủ trợ cấp cho các nhà bán buôn trong nỗ lực giảm chi phí đối với người tiêu dùng. Nhu cầu về năng lượng dự báo sẽ tăng cao hơn nữa khi Nhật Bản chuẩn bị vào mùa Đông.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, nước này ghi nhận lần CPI lõi tăng 3,4% lần gần đây nhất (không tính tác động của tăng thuế tiêu dùng) là vào tháng 6/1982.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/10, kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài 2 ngày, Hội đồng Chính sách BOJ đã quyết định nâng dự báo lạm phát ở Nhật Bản trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 2,4% xuống còn 2%.
Trong bối cảnh đó, BOJ quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này.
Phát biểu trước phiên họp thường kỳ, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda khẳng định, nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục, được hỗ trợ bởi việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng cao đang làm tăng áp lực suy thoái đối với nền kinh tế khan hiếm tài nguyên này. Do vậy, việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Giới phân tích dự báo việc BOJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng có thể làm tăng áp lực giảm giá đối với đồng yen. Điều này có thể sẽ khiến Chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa bằng nghiệp vụ bán USD để mua yen. Kể từ đầu năm tới nay, đồng Yen đã mất giá khoảng 30% so với đồng bạc xanh của Mỹ.
Thực tế, trong bối cảnh lạm phát mang tính toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), thì lạm phát gia tăng tại Nhật Bản có lẽ cũng là tất nhiên. Tuy nhiên, nó lại trở thành vấn đề khi ngược thời gian, trở về thời điểm đầu năm nay, giới quan sát tài chính quốc tế đã cho rằng “Nhật Bản là một ngoại lệ”. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và hầu hết các ngân hàng trung ương chuyển hướng chính sách sang ngăn chặn lạm phát, thì Nhật Bản vẫn “bình chân như vại”. Đáng chú ý, cho tới tháng 3/2022, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật Bản vẫn ổn định ở mức thấp. Tuy nhiên, tình thế đã thay đổi kể từ đầu quý 2/2022 khi giá cả nhiều mặt hàng bắt đầu leo thang.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Đại Đoàn Kết)