Lạm phát tăng vượt mục tiêu, NHTW của một quốc gia phát triển vẫn đi ngược lại xu hướng chung, 'khăng khăng' giữ lãi suất gần mức 0

Chia sẻ Facebook
25/06/2022 02:22:24

Lạm phát không tránh khỏi xu hướng tăng cao, nhưng Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ "siêu lỏng".

Lạm phát tại Nhật Bản hiện vẫn cao hơn mục tiêu của BOJ trong tháng thứ 2 liên tiếp. Điều này đang gây thêm áp lực cho NHTW vì động thái của họ ảnh hưởng đến xu hướng chung toàn cầu và giữ lãi suất ở mức thấp.

Theo số liệu mới công bố ngày 24/6, giá tiêu dùng tại Nhật Bản trong tháng 5 tăng 2,5% so với 1 năm trước. Con số này tương đương với tốc độ tăng của tháng 4, ghi nhận mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1991, không bao gồm các giai đoạn sau khi chính phủ tăng thuế tiêu thụ. Trong cuộc họp hôm thứ Sáu tuần trước, BOJ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức âm 0,1%.

Tỷ lệ lạm phát tại Nhật Bản.

BOJ đặt mục tiêu lạm phát 2%, song Thống đốc Haruhiko Kuroda và các nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết làn sóng lạm phát trong thời gian gần đây sẽ không kéo dài vì được thúc đẩy bởi giá năng lượng tăng cao. Trong tháng 5, giá tiêu dùng tại Nhật Bản (không bao gồm thức phẩm tươi sống và năng lượng) tăng 0,8%.

Một số nhà kinh tế cho biết lạm phát có thể kéo dài hơn so với dự kiến của BOJ. Dù áp lực giá tại Nhật Bản không căng thẳng như ở Mỹ, nhưng các doanh nghiệp nước này vẫn khá cẩn trọng trong việc chuyển chênh lệch chi phí cho người tiêu dùng.

Một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu Nhật bản – Teikoku Databank, cho thấy gần 70% các doanh nghiệp nước này có kế hoạch tăng giá trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2023.

Hiroshi Ugai – nhà kinh tế của JPMorgan và cựu quan chức của BOJ, nhận định: "Các doanh nghiệp Nhật Bản đang bắt đầu có quan điểm rằng chi phí cao hơn sẽ kéo dài." Ông dự đoán lạm phát sẽ duy trì ở mức 2% cho đến cuối năm, khi nhiều loại giá cả sẽ tăng cao, không chỉ là lĩnh vực năng lượng.

Đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm và khiến xu hướng tăng giá ở Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn, đối với các mặt hàng từ dầu ăn đến khoai tây chiên và bia.

Hãng bán lẻ lớn của Nhật Bản là Aeon Co. – công ty đã không tăng giá đối với các sản phẩm mang thương hiệu riêng từ tháng 9/2021, cho biết trong tuần này họ có kế hoạch tăng giá 3 sản phẩm là mayonnaise, mì và khăn giấy, bắt đầu từ tháng 7.

Một nghiên cứu của Mizuho Research & Technologies cho thấy, người tiêu dùng Nhật Bản đã chú ý nhiều hơn đến vấn đề chi tiêu và bắt đầu tìm kiếm những mặt hàng thực phẩm, đồ uống có mức giá thấp hơn.

Song, Thống đốc BOJ – ông Kuroda, vẫn thông báo Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau tác động của đại dịch, nên chính sách tiền tệ vẫn chưa cần được thắt chặt. Trong những tuần gần đây, BOJ đẩy mạnh chương trình mua vào trái phiếu để giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10% giao dịch dưới mục tiêu 0,25%.

Trong bối cảnh mức chênh lệch lãi suất chuẩn giữa Mỹ và Nhật Bản ngày càng lớn, đồng yen lại đang dần suy yếu. Đầu tuần này, đồng yen đã chạm mức 136 đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1998. Tuần trước, ông Kuroda một lần nữa khẳng định lập trường nới lỏng chính sách tiền tệ của NHTW và bác bỏ một số suy đoán cho rằng BOJ đã chạm đến ngưỡng giới hạn trong việc kiểm soát diễn biến của đường cong lợi suất.

Nobuko Kobayashi – chuyên gia ngành tiêu dùng tại EY, cho biết cách hiệu quả nhất để đối phó với sự sụt giảm của đồng yen và lạm phát là đạt được mức tăng trưởng tiền lương bền vững, nhờ tăng nhu cầu và năng suất.

Bà nói: "Thay vì trông đợi những động thái của BOJ, chúng ta cần nhờ đến chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida trong việc thúc đẩy nền kinh tế đi vào lộ trình tăng trưởng. Ví dụ, chính phủ có thể khởi động các hoạt động thúc đẩy nhu cầu thông qua cải tạo cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh."

Ông Kishida trước đó cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp để giảm áp lực giá cả tăng cao, nhưng cũng thận trọng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ vì lãi suất cao sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ.


Tham khảo WSJ

Chia sẻ Facebook