Lạm phát tăng cao tại nhiều nước
Lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Theo các chuyên gia, với bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, trong đó có những bất ổn kinh tế liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine cùng với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, chỉ số lạm phát ở mức cao sẽ vẫn duy trì đến hết năm nay và sang năm 2023.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm qua, trong bối cảnh giá năng lượng và các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt tại nước này. Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 13/4 cho thấy, lạm phát tại Anh ở mức 7,0% trong tháng 3.
Không chỉ riêng nước Anh, giá các mặt hàng đã tăng cao trên toàn thế giới, trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa chống dịch COVID-19 và những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Lạm phát hàng năm của Mỹ đã tăng tới 8,5% trong tháng 3, cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây.
Giá tiêu dùng tăng mạnh trên diện rộng đang buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi kinh tế.
Các Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 14/4 để thảo luận về biện pháp ứng phó tình trạng lạm phát ở mức cao kỷ lục tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) và những bất ổn kinh tế liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
Đánh giá của các tổ chức quốc tế như Standard Charted, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3, mặt bằng giá ở Việt Nam quý I/2022 vẫn cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm là rất lớn khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi, nhu cầu tiêu dùng sẽ gia tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Không chỉ ở Mỹ, lạm phát đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới do tác động của xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19. Lạm phát làm các bữa ăn trở nên đắt đỏ hơn.