Lạm phát tại Nga cao nhất trong vòng 20 năm qua
Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có trong tiền lệ, khiến mức lạm phát đang tăng nhanh và cao ở mức kỷ lục gần 17,5% tính đến ngày 13/4.
Đồng Ruble Nga biến động mạnh trong bối cảnh chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến giá cả ở Nga tăng lên chóng mặt. Mức lạm phát ở Nga thời điểm này đã tăng lên gần 17,5%, tức gần gấp đôi so với hồi tháng 2.
Chuyên trang Expert.ru nhận định, lạm phát ở Nga sẽ không còn được kiềm chế, khi Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ , giảm lãi suất cơ bản từ 20% xuống 17%.
Nhiều tờ báo Nga dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia Rosstat cho thấy, hiện giá của hầu hết mọi mặt hàng tại Nga từ rau quả, đường sữa cho đến quần áo và điện tử gia dụng đã tăng mạnh. Tính đến ngày 8/4, lạm phát lương thực là hơn 19%. Một trong số ít các mặt hàng gần như không tăng giá hoặc tăng rất nhẹ tại Nga đó là xăng và rượu vodka.
Hàng hoá thực phẩm ở Nga lúc này không thiếu nhưng giá cả tăng cao cho dù đồng Ruble được cho là đã phục hồi mạnh mẽ và tiệm cận với mức trước thời điểm chiến sự. Hơn một nửa số người Nga đã bắt đầu chi tiêu tiết kiệm với thực phẩm và các chuyến đi du lịch.
Theo Hãng thông tấn Ria Novosti, có đến 2/3 người Nga đã quan tâm nhiều hơn đến chi phí hàng hóa trong tháng vừa qua và gần 1/3 người dân đã đến các cửa hàng bình dân hơn để tiết kiệm tiền. Sự chuyển hướng nhu cầu sang phân khúc giá rẻ được cho là lẽ đương nhiên, đặc biệt là ở những khu vực mà người tiêu dùng vốn nhạy cảm hơn với giá thực phẩm.
Trong lúc này, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, sẽ không giảm lạm phát bằng bất kỳ cách nào vì điều này sẽ cản trở sự thích ứng của hoạt động kinh doanh. Giá cả một số mặt hàng tại Nga sẽ có thể còn tiếp tục tăng khi nền kinh tế Nga bước vào giai đoạn chuyển đổi cơ cấu và tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới.
Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương, lạm phát ở Nga vào cuối năm 2022 sẽ là vào khoảng 20% và sẽ chỉ có thể trở lại mức mục tiêu là 4% sau 2 năm nữa. Theo giới phân tích có nhiều điều phụ thuộc vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga còn diễn ra trong bao lâu và thị trường mua bán ở Nga sẽ phục hồi nhanh ở mức độ nào.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã khiến giá xăng, khí đốt và nguyên liệu nông nghiệp thô tăng giá. Điều này dẫn đến lạm phát tại châu Âu và Mỹ gia tăng ở mức kỷ lục.