Lạm phát tại Mỹ phía bên kia bán cầu tác động ra sao tới số liệu tài chính của "Vua cá tra" Vĩnh Hoàn?
Dù giá bán bình quân xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục duy trì mức giá tương đối cao nhưng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 48% do lạm phát và tồn kho của các khách hàng nhập khẩu vẫn ở mức cao.
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022. Theo đó, trong quý vừa qua ông lớn ngành xuất khẩu thuỷ sản này đạt được 3.261 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 46,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng của Vĩnh Hoàn đạt 460 tỷ đồng, tăng 80% so với quý 3/2021.
Mặc dù đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ so với mức cơ bản thấp của năm trước, nhưng Vĩnh Hoàn đã ghi nhận lợi nhuận ròng theo quý thấp nhất kể từ quý 4 năm 2021 cả về giá trị tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng trong quý 3 năm 2022. Điều này là do doanh thu từ Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của VHC) giảm 41% so với quý trước, phản ánh lượng hàng tồn kho cao và lạm phát kéo dài.
Theo dự báo của SSI Research, trong thời gian tới nhu cầu sẽ tiếp tục giảm tốc, trong khi giá bán bình quân đã đạt đỉnh.
Công ty chứng khoán này dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng trong năm 2022 lần lượt đạt 12,9 nghìn tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ) và 1,7 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ).
Với kết quả kinh doanh tích cực từ quý 2 và quý 3, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận nội bộ cả năm (cụ thể đạt 112% kế hoạch).
Về chi tiết từng mảng kinh doanh cụ thể, doanh thu cá tra đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 103% so với cùng kỳ, nhưng giảm 7% so với quý trước). Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu từ thị trường Mỹ (tăng 31% so với cùng kỳ, nhưng giảm 41% so với quý trước). Thị trường này chiếm 60% tổng doanh thu cá tra của Vĩnh Hoàn.
Mặt khác, doanh thu bán sang thị trường Trung Quốc (chiếm 20% tổng doanh thu cá tra) tăng 28% theo năm và 6% theo quý do nền kinh tế Trung Quốc mở cửa tích cực hơn.
Đây là doanh thu theo quý cao nhất từ thị trường Trung Quốc trong 2 năm qua, cho thấy sự cải thiện ổn định về nhu cầu. Giá bán bình quân sang thị trường này cũng tăng 25% so với cùng kỳ. Trước triển vọng nhu cầu trong tương lai, Vĩnh Hoàn gần đây đã mở rộng đội ngũ bán hàng của mình sang Trung Quốc với kỳ vọng thị trường này sẽ thúc đẩy nhu cầu trong năm tới, trong khi dự báo nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sẽ vẫn chậm chạp.
Với mảng doanh thu collagen và gelatin đạt 188 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ, nhưng giảm 19% so với quý trước), cho thấy tác động đáng kể của lạm phát đến nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này.
Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 19,2% trong quý 3/2022, giảm mạnh so với 25,9% trong quý 2/2022 mặc dù giá bán bình quân tăng nhẹ 5% so với quý trước. Nguyên nhân là do khoản dự phòng hàng tồn kho lên tới 240 triệu đồng liên quan đến thành phẩm tồn kho.
Một điểm đáng lưu ý là trong quý vừa qua, Vĩnh Hoàn ghi nhận lãi tỷ giá đáng kể 139 tỷ đồng do phần lớn các hợp đồng xuất khẩu bằng USD. Tỷ giá USD/VND giảm 2,54% theo quý và giảm 4,76% so với đầu năm tại thời điểm cuối tháng 9 năm 2022. Khoản lãi tỷ giá này sẽ bù đắp cho khoản lỗ chênh lệch tỷ giá (62 tỷ đồng) liên quan đến khoản vay ngắn hạn bằng USD trị giá 1 nghìn tỷ đồng.
Mộc An