Lạm phát tại Đức hạ nhiệt
Lạm phát ở Đức trong tháng 10/2023 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021, phần nào cho thấy lạm phát chung ở khu vực đồng euro đã hạ nhiệt đáng kể.
Văn phòng Thống kê Liên bang Đức vừa cho biết, lạm phát của Đức đã giảm xuống 3,0% trong tháng 10/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Giá tiêu dùng của Đức trong tháng 9/2023 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng biến động, đã giảm xuống 4,3% trong tháng 10/2023 từ mức 4,6% của tháng trước đó.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ralph Solveen của Commerzbank dự đoán lạm phát cơ bản của Đức sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với mong muốn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong năm tới.
Trong hơn một năm qua nền kinh tế Đức đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã không tăng trưởng trong quý II/2023, sau khi giảm liên tiếp 0,5% và 0,3% trong hai quý trước đó. Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến kinh tế Đức năm 2023 sẽ giảm 0,4%, giảm mạnh hơn so với mức dự báo 0,2% trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tăng trưởng âm trong năm nay.
Giá năng lượng tăng vọt trong năm 2022 đã chấm dứt quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Sức mua của người dân giảm mạnh. Lãi suất cơ bản tăng mạnh ảnh hưởng lớn tới các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành xây dựng.
Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đã đưa ra dự báo, nền kinh tế Đức sẽ suy giảm trong năm nay do ngành công nghiệp và tiêu dùng tư nhân phục hồi chậm hơn mức dự báo trước đây.
Theo EC, kinh tế Đức chịu tác động đáng kể do ngành công nghiệp và xuất khẩu sụt giảm. Các chỉ số kinh tế cho thấy, sản lượng của Đức cũng sẽ giảm đáng kể trong quý III năm nay. Tuy nhiên, một số chỉ số khả quan cũng cho thấy suy thoái có thể sẽ giảm dần vào cuối năm.
Sự suy giảm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu khiến tăng trưởng của Eurozone đã bị ảnh hưởng. Theo EC, tăng trưởng kinh tế của khu vực gồm 20 nước thành viên Eurozone năm 2024 sẽ đạt 1,3%, giảm so mức dự báo 1,6% được đưa ra trước đó. Tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU năm tới sẽ ở mức 1,4%.
Bên cạnh đó, cơ quan nêu trên cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của EU năm 2023 từ mức 1% được đưa ra trước đó xuống 0,8%. Sức mua yếu, số lượng đơn đặt hàng công nghiệp giảm, cũng như tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ là những yếu tố tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế Đức. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đối mặt một triển vọng ảm đạm với nhiều thách thức trong tiến trình phục hồi sau đại dịch.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Nhân Dân)