Lạm phát tại châu Âu tiếp tục tăng cao, chạm mức kỷ lục trong 6 tháng liên tiếp

Chia sẻ Facebook
30/04/2022 13:04:03

Lạm phát tại khu vực đồng euro đã đạt mức cao kỷ lục trong 6 tháng liên tiếp. Xu hướng này đang làm dấy lên câu hỏi về việc NHTW châu Âu (ECB) sẽ phản ứng như thế nào.


Theo ước tính sơ bộ của Văn phòng Thống kê EU mới công bố, lạm phát đã tăng mạnh ở khu vực này, đạt mức 7,5% tháng 4 khi tháng 3 là 7,4%.

Phó chủ tịch ECB - Luis de Guindos, hôm thứ Năm đã lên tiếng trấn an các nhà lập pháp về tình trạng giá cả tăng mạnh. Ông cho biết lạm phát ở EU sắp chạm mức cao nhất. NHTW này dự đoán áp lực giá sẽ giảm trong nửa cuối năm nay, dù chi phí năng lượng dự kiến vẫn là nguyên nhân khiến lạm phát ở mức tương đối cao.

Số liệu lạm phát mới nhất được công bố trong bối cảnh mối lo ngại về xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tăng cao và tác động của mâu thuẫn đến nguồn cung năng lượng của châu Âu. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi liệu bối cảnh hiện tại có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế của khu vực.

Giá năng lượng là yếu tố lớn nhất khiến tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 tăng mạnh, dù thấp hơn mọt chút so với tháng trước. Giá năng lượng tại EU tăng 38% trong tháng 4, trong khi tháng 3 tăng 44,4%.

Đầu tuần này, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã "khoá van" dòng chảy khí đốt đến 2 quốc gia EU vì họ không đồng ý thanh toán bằng đồng rúp. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung đến các quốc gia khác cũng có thể bị "cắt đứt".

Các nhà phân tích tại Gavekal - công ty nghiên cứu tài chính, nhận định nếu Gazprom dừng cung cấp khí đốt cho Đức thì tác động đến nền kinh tế là "rất thảm khốc".

Trong khi đó tại Ý, NHTW ước tính rằng nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung cấp năng lượng cho họ. Nhìn chung, EU đang nhận khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga. Dòng chảy năng lượng giảm sút có thể ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình và các doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lượng từ Nga để sản xuất hàng hoá.

Chia sẻ với CNBC hôm thứ Sáu, Alfred Stern - CEO của một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu, OMV, nói rằng EU gần như không thể tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga trong ngắn hạn.

Ông nói thêm: "Chúng ta nên chỉ rõ rằng, châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn trong ngắn hạn khi không thể tìm nguồn cung khí đốt thay thế cho Nga. Vì vậy, đây có thể là cuộc tranh luận mang tính trung và dài hạn. Nhưng trước mắt, tôi cho rằng EU cần tập trung và đảm bảo rằng các ngành công nghiệp được tiếp tục hoạt động và các hộ gia đình cần được cung cấp khí đốt."

Ngoài ra, số liệu mới công bố cũng cho thấy GDP của EU trong quý I tăng 0,2%. Văn bản thông báo cho biết: "Trong số các quốc gia thành viên công bố số liệu quý I/2022, Bồ Đào Nha có mức tăng cao nhất so với quý trước (+2,6%), sau đó là Áo (+2,5%) và Latvia (+2,1%). Thụy Điển và Ý lần lượt giảm 0,4% và 0,2%."

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết dù con số trong quý I có vẻ khả quan, nhưng "GDP của eurozone có khả năng sẽ giảm trong quý II do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine và giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập thực tế của các hộ gia đình, niềm tin người tiêu dùng và làm căng thẳng thêm các vấn đề về nguồn cung."

Hiện tại, nhà đầu tư đang theo dõi sát sao về phản ứng của ECB. Một số cho rằng NHTW EU sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên vào mùa hè này. Trong một lưu ý mới công bố, Bank of America dự báo ECB sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm nay và 2 lần nữa vào năm 2023.


Tham khảo CNBC

Chia sẻ Facebook