Lạm phát tại Anh tăng cao nhất 41 năm

Chia sẻ Facebook
16/11/2022 20:48:03

Lạm phát tại Anh chưa hạ nhiệt bất chấp chương trình hỗ trợ giá năng lượng của chính phủ. Trong tháng 10, CPI của Anh ghi nhận mức tăng cao nhất 41 năm.

Lạm phát tại Anh tăng cao nhất 41 năm

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên nền kinh tế Anh. Ảnh: Reuters.

Theo CNBC, lạm phát tại Anh đã tăng lên 11,1% trong tháng 10, mức cao nhất trong vòng 41 năm và vượt xa dự báo trước đó của giới quan sát. Nguyên nhân là giá lương thực, vận tải và năng lượng tiếp tục tạo sức ép lên các hộ gia đình và doanh nghiệp.


Trước đó, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 sẽ tăng 10,7% so với một năm trước đó. Lạm phát tháng 9 tại Anh là 10,1%, mức cao nhất trong vòng 40 năm.

Giá nhiên liệu vẫn tăng cao


So với tháng 9, CPI của Anh tăng 2% trong tháng 10. Chi phí dành cho nhà ở và các dịch vụ hộ gia đình - bao gồm chi phí nhiên liệu - ghi nhận mức tăng chưa từng có 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hồi tháng 9, mức tăng của nhóm này chỉ 9,3%.

"Vào tháng 10, trung bình các hộ gia đình đang phải trả nhiều hơn 88,9% so với một năm trước cho điện, khí đốt và những loại nhiên liệu khác", ONS cho biết.

Vào tháng 10, trung bình các hộ gia đình đang phải trả nhiều hơn 88,9% so với một năm trước cho điện, khí đốt và các loại nhiên liệu khác


Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh

"Giá khí đốt trong nước ghi nhận mức tăng lớn nhất. Trong tháng 10 năm nay, giá đã tăng gấp đôi so với một năm trước đó", cơ quan này nói thêm.

Đồ ăn và đồ uống không cồn cũng đóng góp lớn vào đà tăng của lạm phát. Chỉ số giá của nhóm này tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 9/1977.

Hồi đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cảnh báo Anh đang đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất từ trước đến nay. Suy thoái kinh tế dự kiến kéo dài đến năm 2024.

BoE mô tả tình hình hiện tại của kinh tế Anh "rất thách thức". Cơ quan này nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp đôi lên 6,5% trong cuộc suy thoái kéo dài 2 năm.

Ngân hàng trung ương dự báo GDP của Anh sẽ giảm khoảng 0,75% trong nửa cuối năm 2022. Thu nhập thực tế của các hộ gia đình lao dốc vì giá năng lượng và hàng hóa tăng cao.

BoE đã tăng lãi suất 0,75 điểm cơ bản vào đầu tháng này, đưa lãi suất cơ bản lên 3%.

Bài toán nan giải


Theo ông Mike Bell - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, dữ liệu lạm phát được công bố hôm 16/11 đã đi ngược với thông điệp của BoE, rằng chỉ cần tăng lãi suất vừa phải để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

"Thông điệp đó không thuyết phục chúng tôi. Một thực tế đã bị bỏ qua là áp lực lạm phát bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động", ông Bell bình luận.

Tăng trưởng tiền lương tại Anh vẫn ở mức cao. Ông Bell cảnh báo với sức ép lạm phát lớn, người lao động có thể yêu cầu tăng lương để bảo đảm thu nhập thực tế.


Ông Bell cho rằng BoE sẽ tiếp tục phải tăng lãi suất cho tới khi các hoạt động kinh tế suy yếu tác động lên tiền lương. Ngân hàng đầu tư JPMorgan dự báo lãi suất tại Anh có thể được nâng lên mức 4,5%.

Không dễ dàng để đưa nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng vay nợ và khủng hoảng tín nhiệm hiện tại. Ảnh: Reuters.

Nói với CNBC, Thống đốc BoE Andrew Bailey thừa nhận tình trạng thắt chặt trên thị trường lao động đang gây ra sức ép lạm phát lớn. "Lực lượng lao động của Anh đã thu hẹp từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều đó sẽ dẫn tới những rủi ro", ông cảnh báo.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sắp công bố các đợt tăng thuế và cắt giảm chi tiêu nhằm xử lý lỗ hổng tài chính hơn 50 tỷ bảng Anh của đất nước. Nhưng những động thái này có thể khiến triển vọng kinh tế của Anh càng xấu đi.

"Không dễ dàng để đưa nền kinh tế Anh vượt qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng vay nợ và khủng hoảng tín nhiệm hiện tại", ông Ruth Gregory - nhà kinh tế cấp cao tại Capital Economics - nhận định.

Thảo Phương

Chia sẻ Facebook