Lạm phát sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong năm tới
Kể từ năm 2015 trở lại đây, chưa năm nào, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm vượt quá 4%, năm cao nhất cũng chỉ tăng 3,54% (năm 2018). Nhưng lạm phát năm tới được chuyên gia nhận định là chịu áp lực rất lớn.
Trong 10 tháng đầu qua, dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, song lạm phát của các nước trên thế giới tiếp tục ở mức cao đã và đang tạo thách lớn trên toàn cầu. Cụ thể, tại châu Âu ghi nhận lạm phát tăng kỷ lục lên mức 10,7% trong tháng 10, tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997.
Tại Mỹ, CPI tháng 10 vừa qua đã tăng 7,7% so với tháng 10/2021, giảm so với CPI của tháng Chín, nhưng vẫn cho thấy chi phí sinh hoạt tăng cao gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình ở nước này.
Tại Anh, con số này đã tăng lên 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/1981.
Tại Việt Nam, CPI tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước, bình quân 10 tháng, CPI mới tăng 2,89%.
ĐÃ CẢM NHẬN RÕ HƠN ÁP LỰC LẠM PHÁT
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (NCIF), đối với vấn đề lạm phát, việc kiểm soát tương đối tốt trong 10 tháng đầu năm 2022 và với khả năng chủ động nguồn cung lương thực, thực phẩm, xu hướng tăng giá nhiên liệu toàn cầu và việc duy trì ổn định tỷ giá, dự kiến cả năm 2022, lạm phát bình quân sẽ vào khoảng 3 - 3,2%, thấp hơn mục tiêu 4%.
Tuy vậy, TS. Trần Toàn Thắng cũng cho rằng, hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn.
"Căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam, trong khi chính sách Zero Covid tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu", ông Thắng nêu rõ.
Cùng với đó, với việc nhập khẩu phần lớn các nguyên nhiên vật liệu đầu vào sản xuất, đặc biệt là xăng dầu, trong khi tỷ giá USD/VND có khả năng tiếp tục gia tăng trước sức ép đồng USD tăng giá mạnh, cùng với việc tăng mạnh thắt chặt điều kiện tài chính tại Mỹ dẫn đến áp lực nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam tăng cao.
"Giá xăng dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt. Cú sốc giá nhiên liệu dự kiến có thể giảm bớt vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra.", ông Thắng nhìn nhận.
Trong khi đó, tổng cầu nội địa đang trong xu hướng phục hồi mạnh, nhất là ở các lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng, du lịch. Điều này có thể khiến cho CPI tăng đến 4% vào năm 2023 trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024.
"Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hơn nữa vào thời điểm các hoạt động kinh tế vốn đang chững lại, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến việc ổn định lãi suất, tỷ giá của Việt Nam." TS. Trần Toàn Thắng quan ngại.
BÌNH TĨNH, NHƯNG KHÔNG CHỦ QUAN
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, kể từ năm 2015 trở lại đây, chưa năm nào, CPI bình quân năm vượt quá 4%, năm cao nhất cũng chỉ tăng 3,54% (năm 2018). Nhưng lường trước áp lực lạm phát năm tới rất lớn, nên Chính phủ đã chủ động nâng mức lạm phát mục tiêu cho năm 2023 là 4,5%.
"Do có độ trễ, những tác động của vòng 2, vòng 3 liên quan đến tăng đầu vào thời gian qua sẽ rõ nét hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trong lộ trình tăng giá các dịch vụ hàng hóa mà Chính phủ đang điều tiết như điện, lương, giáo dục, y tế... Điều này khiến lạm phát của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong năm tới" ông Lực nêu rõ.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ cùng bộ ngành và địa phương nên bình tĩnh để tiếp tục kiểm soát tốt được các yếu tố đầu vào như xăng dầu, lương thực thực phẩm, hay sự phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa linh hoạt và phù hợp thì áp lực lạm phát không phải là vấn đề quá lớn. Tuy vậy, các chính sách này cần phải làm quyết liệt hơn và đúng thời điểm hơn.
"Chương trình phục hồi kinh tế vẫn chậm, thể chế về phát triển kinh tế số và cải cách vẫn chậm, xử lý vấn đề vướng mắc chưa kịp thời, về phối kết hợp các bộ ngành còn trục trặc như việc điều hành xăng dầu đáng ra có thể xử lý tốt hơn nhiều" ông Lực nêu rõ.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng không nên chủ quan, tiếp tục kiểm soát tốt giá xăng dầu, giá lương thực thực và kiểm soát thị trường khác như trái phiếu, chứng khoán, vàng, và ngoại hối để ổn định hơn để người dân doanh nghiệp yên tâm, tăng niềm tin để phục hồi sản xuất kinh doanh tốt hơn.
"Không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Và khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát", ông Lực khuyến nghị.